Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Bamboo Airways ngày hôm nay, 21/6, hãng bay này đã hoàn thành kiện toàn đội ngũ nhân sự cấp cao và lãnh đạo chủ chốt.
Bamboo Airways đã bầu 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028, gồm ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Trần Hoà Bình, ông Oshima Hideki, ông Phan Đình Tuệ.
Đại hội đồng cổ đông cũng đã bầu 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ này, gồm bà Nguyễn Thị Hữu, bà Nguyễn Bích Ngọc và ông Nguyễn Đăng Khoa.
Cùng ngày, HĐQT Bamboo Airways đã họp và thống nhất bầu ông Oshima Hideki làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.
Tân Chủ tịch Bamboo Airways có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các cảng hàng không, hãng bay lớn của châu Á.
Ông Oshima Hideki từng đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc Japan Airlines (Nhật Bản), Phó Tổng Giám đốc Sân bay Narita Tokyo (Nhật Bản), Giám đốc dự án Sân bay Haneda Tokyo (Nhật Bản).
Còn ông Phan Đình Tuệ vừa thôi chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 15/6 và hiện vẫn giữ vai trò thành viên HĐQT tại ngân hàng này nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Trước khi đại hội đồng cổ đông thương niên được tổ chức, HĐQT Bamboo Airways đã nhận được đơn xin từ nhiệm của toàn bộ thành viên HĐQT công ty nhiệm kỳ 2019 - 2024, bao gồm ông: Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân.
Phát biểu khi nhậm chức, ông Oshima Hideki nhấn mạnh tính an toàn là yếu tố tiên quyết trong hàng không, tiếp theo đó là việc cung cấp dịch vụ chất lượng cho hành khách.
Theo ông Oshima Hideki, yếu tố quan trọng để cải thiện lợi nhuận trong lĩnh vực hàng không xuất phát từ việc mỗi nhân viên sẽ phải có trách nhiệm với chi phí của chính bộ phận mình. Nói cách khác, mỗi cá nhân phải có ý thức và tư duy của người làm quản trị doanh nghiệp. Đây cũng là văn hóa doanh nghiệp mà ông mong muốn sẽ xây dựng và lan toả tại Bamboo Airways.
Ban lãnh đạo Bamboo Airways đánh giá thị trường hàng không năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tương đối tích cực. Hãng đã lên kế hoạch triển khai bộ giải pháp tổng thể và toàn diện để đón xu hướng này.
Bamboo Airways dự kiến khai thác đội bay đạt 30 - 36 tàu đến cuối năm 2023, duy trì hệ số sử dụng ghế đạt 81,5%, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ đạt trên 90%. Doanh thu vận tải hành khách và hàng hoá kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15-20% so với năm 2022.
Về mạng đường bay, Bamboo Airways đặt kế hoạch tiếp tục duy trì mạng đường bay nội địa kết nối toàn bộ 22 sân bay dân dụng và duy trì, mở rộng đường bay tới các thị trường quốc tế mục tiêu tại châu Âu, châu Úc, Đông Bắc Á, Đông Nam Á…
Bamboo Airways đang xây dựng hệ sinh thái hàng không như thành lập các công ty vận chuyển hàng hóa hàng không, công ty dịch vụ mặt đất, công ty kỹ thuật hàng không, công ty cung ứng suất ăn hàng không… nhằm gia tăng hiệu quả trên toàn mạng.
Đồng thời, hãng cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu tổ chức và kiện toàn bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hướng đến mục tiêu trung hạn là tăng cường mạng bay quốc tế, nâng tầm chuẩn mực dịch vụ, từ đó rở thành thương hiệu hàng không của châu Á và thế giới.
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của Bamboo Airways cho thấy doanh thu thuần năm qua đạt hơn 11.732 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên hãng lỗ gộp 3.209 tỷ đồng.
Năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp của hãng tăng đột biến gấp 80 lần, lên 17.592 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng gấp 4,7 lần, lên 1.405 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính lại giảm mạnh. Điều này dẫn đến hãng có mức lỗ sau thuế đến 17.619 tỷ đồng, gấp 7,7 lần số lỗ của năm 2021.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Trọng tại đại hội đồng cổ đông thường niên, nhà đầu tư mới của Bamboo Airways là Tập đoàn Him Lam và đã mời các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào cùng hãng. Các chuyên gia Nhật Bản cũng sẽ giúp Bamboo Airways thành lập các ủy ban chuyên môn, giúp hãng phát triển chuyên nghiệp, có chiều sâu.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.