Hơn tuần nay, Công ty may mặc Dony (huyện Bình Chánh) đang gấp rút tuyển dụng thêm hàng chục lao động với nhiều ưu đãi hậu hĩnh để kịp tiến độ sản xuất.
"Công ty hoạt động lại vào đầu tháng 10 và liên tiếp có nhiều đơn hàng đi Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông… với tổng giá trị khoảng 2 triệu USD. Hiện, đơn hàng về cuối năm lại tiếp tục tăng, thậm chí có nhiều đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn kéo dài đến tháng 6 năm sau nhưng thực tế chúng tôi không dám nhận vì thiếu lao động", ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty Dony, nói.
Theo ông Quang Anh, những ngày qua, để có nguồn nhân công sản xuất, đơn vị này liên kết với các đơn vị cung ứng lao động, thông qua mối quen biết giới thiệu người làm, rao tuyển trên các trang việc làm online, mạng xã hội… nhưng vẫn không đủ.
"Điều chúng tôi lo lắng hiện nay là thiếu lao động chứ không phải thiếu đơn hàng. Tết năm nay sẽ là một cái tết đặc biệt bởi chưa biết nguồn lao động sau tết sẽ diễn biến ra sao. Vì vậy, nếu bây giờ chúng tôi ký thêm đơn hàng thì qua tết chỉ lo thiếu lao động" – lãnh đạo Dony cho hay.
Nhưng khó khăn không chỉ dừng ở việc thiếu lao động. Trong vài tuần trở lại đây, giá nguyên vật liệu lại tiếp tục tăng giá khiến DN này càng lo lắng hơn.
"Dù các đơn hàng hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng bởi nguyên vật liệu tăng giá, nhưng có những đơn hàng đang làm, đối tác đặt trước khoảng 50.000 sản phẩm, nhưng giờ lại muốn tăng thêm 10.000 sản phẩm nữa. Vì vậy, chúng tôi phải báo giá mới cho đối tác chứ không thể theo giá cũ. Điều này cũng khó cho việc đàm phán"- ông Quang Anh nói.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư và Thương mại Thành Công thì kể rằng, nhà máy của DN này ở miền Tây quy định khi nhân công xét nghiệm test nhanh dương tính thì phải ở lại công ty, đến khi có test PCR khẳng định mới được đưa đi cách ly tập trung.
"Khoảng thời gian chờ đợi kết quả xác nhận mất 3-5 ngày, nên DN phải xây dựng khu lưu trú tạm thời để chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Trong bối cảnh số lượng F0 đang tăng dần, đây là vấn đề khó cho DN", ông Tùng nói.
"Dù chịu nhiều sức ép vì dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng gần 12% so với 2020 và tăng 0,3% so với 2019. Tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ "zero Covid-19" sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh…" – đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đánh giá.
Không chỉ các chi phí phát sinh do dịch Covid-19, các DN cũng đang đối mặt với chi phí logistics tăng rất cao. Theo ông Tùng, trước đây, DN mua nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc mua theo giá CIF (giao hàng tại cảng) thì nay chuyển sang bán theo FOB (giao hàng miễn trách nhiệm của người bán).
Với mức chi phí tăng chóng mặt, DN hoàn toàn phải "gánh", khiến lợi nhuận giảm mạnh. Vì vậy, thậm chí DN không dám nhận nhiều đơn hàng vì lo không chủ động được sản xuất.
"Nếu không chủ động được sản xuất mà ký hợp đồng nhiều, DN sẽ phải chuyển giao hàng bằng đường hàng không, chi phí sẽ rất lớn mà không phải nhãn hàng nào cũng sẵn sàng chia sẻ với DN khoản chi phí này", ông Tùng thông tin.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM đánh giá, ngành dệt may hậu giãn cách có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhiều đơn vị có thêm hợp đồng mới kéo dài sang tận quý II, quý III năm sau. Dẫu vậy, ông Hồng dự báo năm 2022 vẫn là một năm khó khăn về thị trường, về bài toán chi phí. Trong khi đó, dệt may được đánh giá là ngành được hưởng nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Tuy nhiên, đến nay DN trong ngành vẫn chưa tận dụng triệt để được các ưu đãi. Nguyên nhân chủ yếu do các nút thắt về nguyên liệu sản xuất chưa được giải quyết.
"Để hưởng các lợi thế từ FTA, điều tiên quyết là Việt Nam phải tập trung phát triển về nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu qua đó gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu" - ông Hồng nhấn mạnh.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.