Hậu duệ của những cư dân có bậc tiền hiền theo chân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đến lập nghiệp ở Đồng Nai, ít ai không biết đến ông Mười Cao. Ông là người Biên Hòa hàng chục đời. Khi còn khỏe mạnh, ông Mười Cao là người kể cho tôi nghe nhiều nhất về mảnh đất nằm ven dòng sông Đồng Nai.
Những câu chuyện quanh dòng sông mênh mang này tôi cóp nhặt trong những lần cùng ông ngồi uống cà phê bên sông.
Đưa tôi đi thăm làng đá ven sông, đây là làng nghề cổ nhất Đồng Nai. Ông kể: Trong đoàn người theo đức ông Trần Thượng Xuyên năm Kỷ Mùi (1979) có một số người nước Sùng, một nước chư hầu thời cổ đại ở phía bắc Trung Quốc bị đày xuống Quảng Đông. Khi nhà Thanh cai trị, họ chạy theo Trần Thượng Xuyên vào Đồng Nai, do khi chào hỏi của họ thường nói : "Hé oa" (dạ) nên người Việt gọi họ là người Hẹ. Những cư dân này có nghề làm đá, họ là những người đục đá lát đường cho Nông Nại đại phố.
Nghề đá truyền dần cho người Việt. Làng đá Bửu Long là làng nghề thủ công truyền thống lâu nhất ở Đồng Nai, nó tồn tại hơn 300 năm nay. Thời gian sau, những người Việt vùng Ngũ Quảng theo chân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu cảnh vào khai phá vùng đất này. Một số người gia nhập vào đội quân của người Hẹ. Ông tổ họ Lê của gia đình ông Lê Tấn Mười cũng tham gia vào đội ngũ những người thợ làm đá.
Khi tôi làm nhà tính mời anh em ăn tân gia thì ông khuyên: "Đừng có làm tân gia, ở đất này người Biên Hòa không ai làm tân gia cả, vì lý do là ngày xưa ông Trần Thượng Xuyên đến đây khai phá, nhưng lòng vẫn muốn "phản Thanh, phục Minh" nên những cư dân theo ông không ai làm tân gia, về sau thành nếp…".
Ông Mười Cao còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện nữa, nhưng tôi quên dần chuyện chính sử của vùng Biên Trấn, mà lại nhớ những chuyện bàng bạc xa xưa, với cái hoang sơ đầy thơ mộng trong thời thơ ấu của người kể chuyện. Không gian xưa ấy, hấp dẫn tôi nhờ vào chất giọng nói thuần Nam, chất phác hiền hậu và ánh mắt say sưa của ông nhìn xuống dòng sông Đồng Nai, mỗi khi kể chuyện cho tôi nghe bên tách cà phê nguội ngắt. Những câu chuyện kể luôn xen lẫn những kỷ niệm buồn vui, những thăng trầm của đời người, của vùng đất ông đã sinh ra và lớn lên suốt nửa thế kỷ. Ấn tượng về dòng sông qua những lần kể chuyện lớn dần lên trong tôi.
Có lần tôi cùng ông đi dọc bờ sông, ông khoát tay một vòng, chậm rãi kể: Tôi sinh ra ở đây, gia đình đông anh chị em, tôi thứ mười nên cha mẹ đặt tên là Lê Tấn Mười. Năm Nhâm Thìn (1952), tôi mới được ba tuổi thì Biên Hòa ngập lụt, trận lụt lịch sử đó chưa bao giờ lặp lại trên đất này. Từ đó đến nay, sau này nghe cha mẹ kể lại thấy cơ cực chẳng khác gì miền Trung.
Ngày ấy, ven sông còn hoang vu lắm, đá chập chùng, tre mọc thành rừng, sáng sớm đi học còn sợ cọp vồ. Buổi chiều theo cha vào núi lấy đá, con đường nhỏ chỉ vừa bánh xe bò ngoằn ngoèo vắt ngang các sườn dốc, thấp thoáng những tảng đá trắng nổi lên giữa màu xanh của rừng tre. Bữa nào không lấy đá, tôi lùa bò ra đồng và mang theo bên mình cái giỏ để bẻ măng, những búp măng nuột nà, trắng múp như cổ tay con gái ấy trở thành món ăn ngon miệng qua bàn tay chế biến của mẹ tôi. Nhà nghèo, đông anh em, làm rẽ ruộng cho nhà chùa, ít năm nào lúa đủ ăn giáp hạt, nhưng may mắn khi được sống bên dòng sông bao dung này, nên đụng chỗ nào cũng kiếm được cái ăn…
Tuổi thơ của ông, chẳng khác gì những đứa trẻ nông thôn chân lấm tay bùn ở những miền quê, nhưng khác một điều là "cái nông thôn" của ông ngày xưa bây giờ đã "nhà chật, lầu cao, người như nêm cối". Nếu không nghe ông kể thì tôi khó có thể hình dung được dòng sông cách đây mấy chục năm, chứ nói chi đến thế hệ sau này. Thả tầm nhìn dọc bờ bãi bên sông, nơi có con đường mới mở thẳng tắp phía sau chợ, tôi tưởng tượng qua lời kể của ông.
Bờ sông Đồng Nai với những hàng cây bằng lăng trổ hoa tím ngát. Những bụi cây gừa buông bộ rễ hững hờ trên mặt nước như những cô gái ngồi chải tóc bên sông. Mùa hè đến, bờ sông lảnh lót bài hòa tấu rộn ràng của bầy chim chích chòe về ăn trái Gừa chín. Những đứa trẻ lang thang dọc bờ sông với cái cần câu không có mồi vì cá nhiều vô kể, nhiều đến nổi chỉ cần ném lưỡi câu không xuống nước là có thể câu được những con cá to như bắp tay. Mùa nước lên có thể bắt được những con cá ngược to như thân cây chuối. Mùa nước rút cá con bay vun vút, mang rổ hứng chừng vài chục phút về kho tiêu ăn không hết...
Tôi thật sự ngạc nhiên bởi dòng sông Đồng Nai trong ký ức của ông Mười Cao lại huyền thoại và đẹp đẽ như vậy. Tôi nhìn dòng sông oằn mình chở nặng các chất thải của đời sống công nghiệp và thì thầm hỏi: "Có thật như thế sao sông ơi?". "Có thật đấy, ngày xưa như thế đấy!". Câu trả lời xa xăm vọng lại, đầu óc mơ hồ tôi không rõ câu trả lời của dòng sông hay của ông Mười Cao đang ngồi dõi ánh mắt thăm thẳm về phía bên kia sông, nơi vạt nắng vàng đang trải lụa trên những hàng cây.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.