Thứ sáu, 22/11/2024

Gốm Bình Dương theo những chuyến đò hoài niệm

14/02/2024 11:00 AM (GMT+7)

Trong 4 bí quyết "nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí", giao thông thủy có thể kể đến là yếu tố thứ 5 đã làm nên danh tiếng gốm sứ Bình Dương. Thế nhưng, những chuyến đò mang chở gốm sứ Bình Dương ngang dọc xứ Nam kỳ nay chỉ còn trong hoài niệm.

Nghề làm gốm xuất hiện ở Bình Dương vào đầu thế kỷ XIX do các di dân đến lập nghiệp. Ba làng gốm lâu đời và nổi tiếng ở Bình Dương gồm Tân Phước Khánh, Lái Thiêu và Chánh Nghĩa đều có đặc điểm chung là sử dụng nguồn nguyên liệu từ loại đất sét có độ dẻo, độ kết dính cao nằm dọc theo những con sông ở địa phương để nhào nặn.

Thời vang bóng

Làng gốm ở Lái Thiêu là trung tâm phát triển của gốm sứ Bình Dương. Theo niên giám Đông Dương năm 1912, "Lái Thiêu là tụ điểm giao lưu thủy bộ nên chợ phát triển nhanh, tiệm ăn tấp nập, chè cháo, cà phê bán suốt đêm, với nhiều khách vãng lai, không kém một tỉnh lỵ…". 

Gốm Bình Dương theo những chuyến đò hoài niệm- Ảnh 1.

Nghệ nhân Công ty Phước Dũ Long tạo hình sản phẩm gốm linh vật năm Giáp Thìn 2024. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sách xưa cũng chép, trong thế kỷ XVIII và XIX đã có tàu buôn của Anh, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà, Trung Quốc… đến Việt Nam buôn bán. Gốm sứ Bình Dương là một trong những mặt hàng được lưu thông vào thời gian này.

Trong 4 bí quyết "nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí", giao thông thủy có thể kể đến là yếu tố thứ 5 đã làm nên danh tiếng gốm sứ Bình Dương. Thế nhưng, những chuyến đò mang chở gốm sứ Bình Dương ngang dọc xứ Nam kỳ nay chỉ còn trong hoài niệm.

Ông Vương Siêu Tín - Phó Chủ tịch - Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương

Hiện nay, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của gốm sứ Bình Dương. Theo nhà văn Sơn Nam, Lái Thiêu chỉ cách Cây Mai (lò gốm cổ của TP.HCM) chừng 15km. Khi các lò gốm ở Cây Mai thiếu nguồn nguyên liệu, Lái Thiêu lại có nguồn đất sét trù phú, rừng bạt ngàn thuận lợi trong việc sản xuất, hệ thống giao thông thủy thuận lợi vận chuyển nên một số lò gốm ở Cây Mai đã dời về Lái Thiêu.

PGS.TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, với trung tâm là Thủ Dầu Một cùng vùng phụ cận bên bờ sông Sài Gòn, cư dân Bình Dương có những đặc điểm riêng từ lịch sử hình thành đến kỹ năng nghề nghiệp. Những lớp cư dân đầu tiên từ các vùng khác nhau, từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau đã hình thành nên văn hóa đất Thủ - Bình Dương, thể hiện rõ nét qua những sản phẩm gốm do con người ở đây tạo nên.

Những sản phẩm của nghề gốm Bình Dương không chỉ được sử dụng tại chỗ mà thông qua các cảng thị nhỏ như Lái Thiêu, Bà Lụa... vươn xa hơn để chiếm một thị phần quan trọng trên toàn vùng Nam bộ, Tây Nguyên và cả Trung bộ. Không dừng lại ở nội địa, gốm Bình Dương đã vượt biên giới, đến những vùng xa hơn ở các nước trên thế giới.

Chỉ còn trong hoài niệm

Bến chợ Lái Thiêu (TP.Thuận An) nằm dọc theo rạch Lái Thiêu thông ra sông Sài Gòn. Nơi đây một thời sầm uất với hàng chục hộ buôn bán gốm sứ và ghe thuyền tấp nập chờ lấy hàng những ngày giáp Tết. Anh Trần Hữu Bình, quê ở Long An là thế hệ thứ tư theo nghiệp thương hồ, gắn bó với bến chợ Lái Thiêu này. Thâm niên của anh cũng đã hơn 15 năm. 

Gốm Bình Dương theo những chuyến đò hoài niệm- Ảnh 2.

Anh Trần Hữu Bình neo thuyền ở Bến chợ Lái Thiêu chờ đợi thêm đơn hàng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Bình kể, thời mà gốm sứ còn đắt như tôm tươi, mùa giáp Tết, ghe thuyền xếp hàng hai, nằm dọc dài theo bến nước. Từ chủ thuyền cho tới thợ phụ giăng võng, trải chiếu nằm chờ để tranh hàng hóa từ các chủ vựa. Những năm 2000, đóng một chiếc thuyền hết 40 cây vàng. Gia đình anh có cả thảy bảy chiếc, nay người nhà đã bán bớt ba chiếc. Giá bán mỗi chiếc chỉ 100 triệu đồng, ngang một cây rưỡi vàng. "Như thế là đủ biết nghề đi thuyền chở gốm đã lụn bại nhiều. Sau đời tôi, chắc không ai theo nghề này nữa", anh Bình nói.

Ngày trước, cứ hai tuần anh lại đi một chuyến. Mỗi chuyến anh kiếm lời 80 triệu đồng. Giờ đây, dọc bờ rạch chỉ có hai chiếc thuyền đang tập trung gốm để chở về miền Tây. Một chiếc của anh Bình, chiếc kia là của chủ vựa. Anh Bình neo thuyền ở đây đã hơn một tuần. Mỗi ngày, anh mỏi mắt nhìn ra phía sông Sài Gòn xem có bạn thuyền nào cùng lên cho vui mà chờ hoài chẳng thấy. Anh neo thuyền vừa chờ lấy cho đủ số hàng, vừa đợi xem có thêm đơn hàng nào mới từ dưới miền Tây gọi lên. Trước anh đi toàn hàng gốm, nay chỉ một phần là gốm, như lư hương, bình bông, chum, heo đất… Số hàng còn lại là các mặt hàng vật liệu xây dựng. Kinh tế khó khăn, nguồn hàng gốm về miền Tây nay đã giảm sút, chỉ còn 30% so với trước.

Cuối đường Châu Văn Tiếp cặp bến chợ Lái Thiêu, ông Ngô Văn Tuấn dân địa phương đang mắc võng nằm chờ các chủ vựa gốm sứ gọi khuân vác mướn. Ông Tuấn bảo, có chủ gọi thì ông phụ bốc hàng lên xe. Tùy số lượng hàng nhiều ít mà chủ cho tiền, ít 10.000 đồng, nhiều 50.000 đồng. "Không chỉ gốm đi miền Tây bằng đường thủy mà hàng phân phối nói chung cũng giảm. Gốm chờ sẵn trên lộ nhưng bến nước thì đìu hiu lắm", ông Tuấn nói.

Gốm Bình Dương theo những chuyến đò hoài niệm- Ảnh 3.

Các mặt hàng chum, hũ, vại để dọc theo bến nước chờ khách ghé mua. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bảo tồn một di sản quý

Theo bà Văn Thị Thùy Trang, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Dương, từ giữa thế kỷ XX trở về trước, nghề gốm ở Bình Dương sản xuất các loại gốm gia dụng như lu, khạp, hũ, vại… Đỉnh cao là từ 1930 - 1950, gốm dân dụng ở Bình Dương mang danh là gốm Lái Thiêu đi khắp Nam kỳ lục tỉnh. 

Chính con sông Sài Gòn, từ bến Lái Thiêu, thuyền ghe xuôi dòng ngang vùng đô hội Sài Gòn - Gia Định, lan tỏa gốm Bình Dương khắp các vùng. Hình ảnh các thương thuyền chở gốm trên sông, các vựa, chành dày đặc trên bến sông đi vào tiềm thức nhiều thế hệ.

Từ năm 2004 đến nay, để phát triển công nghiệp, đô thị mà vẫn bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ lên phía Bắc. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thay đổi công nghệ lò nung, xử lý chất thải. Việc di dời và thay đổi công nghệ đòi hỏi vốn tái đầu tư lớn. Thêm phần khó khăn về nguồn nhân lực, nhất là các thợ lành nghề, số lượng lò gốm ở Bình Dương đã giảm đáng kể. Hiện nay, lò nung truyền thống ở Bình Dương còn rất ít. Tuy nhiên, chính sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại đã tạo ra những cơ sở sản xuất gốm theo hướng công nghệ mới như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long...

Ông Vương Siêu Tín - Giám đốc Công ty Phước Dũ Long (TP.Tân Uyên) cho biết, ngày trước, giao thông thủy góp phần đáng kể về việc đưa hàng gốm sứ đi khắp miền gần xa. Ngày nay, giao thông thuận tiện. Đường bộ hữu dụng hơn, giao thông thủy dần lép vế.

Là Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương, ông Tín cho rằng dù không còn phát triển như những giai đoạn hưng thịnh, nhưng nghề gốm ở Bình Dương vẫn có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh nhà. Mặt khác, gốm sứ còn là một phần trong văn hóa của người Bình Dương. Trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy nghề gốm ở Bình Dương là hết sức cần thiết. Chủ trương của Bình Dương sẽ di dời các cơ sở gốm sứ lên khu vực Bố Lá, huyện Phú Giáo, cạnh dòng sông Bé. Hiệp hội đánh giá cao việc lựa khu vực này làm cụm công nghiệp chuyên về gốm sứ.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.