Thứ hai, 29/04/2024

Nhớ khách thương hồ

13/02/2024 6:00 PM (GMT+7)

Cái từ "khách thương hồ" vừa đắt, vừa độc, vừa văn, vừa đời. Thương lái lênh đênh sông nước, rày đây mai đó, lang bạt kỳ hồ, tới đâu cũng chỉ là khách thôi. Đi bán buôn ai cũng giắt trong người dăm ba miếng võ phòng thân, phòng cướp, thú dữ. Bán buôn mà hào sảng như đi bôn tẩu giang hồ…

Có những từ ngữ ta vẫn dùng thường ngày mà ít khi để ý đến xuất xứ của nó. "Cho quá giang" chẳng hạn, là xin đi nhờ xe đò, xe nhà, hoặc chỉ đơn giản nhờ người khác chở bằng xe máy. Đường bộ rõ rành, chứ quá giang nào ở đây. Vậy hẳn "quá giang" có nguồn gốc xuất xứ sông nước.

Bán buôn mà như bôn tẩu giang hồ

Khi xưa đò dọc, đò chuyến hiếm, muốn đi đâu đó xa chỉ còn cách ngoắc ghe dân thương hồ "cho quá giang". Có những chuyến đi cả vài ngày mới đến nơi. Chủ ghe không phân biệt khách giàu nghèo, nấu cơm ngày ba bữa cho ăn. Người khách giữ ý, thấy chủ ghe cần người bốc vác, chèo chống gì cũng xắn tay vào làm. Khách nữ phụ làm cơm nước. Tới bến, khách đòi trả tiền, nhưng chủ ghe nhất quyết không nhận, "đâu hết bao nhiêu", lỡ độ đường, quá giang mà.

Nhớ khách thương hồ- Ảnh 1.

Ghe hàng buôn bán trên chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang). Ảnh: Đặng Quang Minh

Từ "chơi tới bến" dân nhậu bây giờ hay dùng cũng từ sông nước, rõ ràng có "bến" trong đó mà. Đã đi là phải tới bến, đã làm là phải tới cùng, đã chơi là phải sướng. Ngày chèo, tối cắm sào, bên ly rượu xây chừng chủ khách "tới bến". Tới đủ bến đủ sướng, chứ làm quá đáng anh em lại quay ra cự nự nhau cũng bằng ngôn ngữ sông nước: Đừng có "được nước lấn tới" nghen!

Nhiều lắm. Ngôn ngữ miền Tây phần đa là ngôn ngữ của khách thương hồ chứ đâu. Họ không chỉ giúp trao đổi lương thực, hàng hóa giữa miệt này với miệt kia, họ còn giúp trao đổi ngôn ngữ, văn hóa nữa, trong một cái tổng thể chung mà ta vẫn thường nghe là "văn hóa sông nước". Từ "khách thương hồ" đã hồn nhiên đi vào văn xuôi, thơ ca, cải lương, hò vè của dân Nam bộ bao đời. Cái từ "khách thương hồ" này hay quá, vừa đắt, vừa độc, vừa văn, vừa đời. Thương lái lênh đênh sông nước, rày đây mai đó, lang bạt kỳ hồ, tới đâu cũng chỉ là khách thôi. Đi bán buôn ai cũng giắt trong người dăm ba miếng võ phòng thân, phòng cướp, phòng thú dữ. Bán buôn mà hào sảng như đi bôn tẩu giang hồ.

Lên bờ dạ lại nhớ sông

Thương hồ một mái chèo rong bến đời…

Dòng sông mang tên "Nhật Bản"

Giao thương sông nước Nam bộ được mở ra bởi sự năng động thương nghiệp của người Hoa. Nhưng trước đó, sông Mékong đã là tuyến đường giao thương, tầm cỡ quốc tế. Thế kỷ XVII, tập đoàn Lê Trịnh rất cởi mở với các thuyền buôn châu Âu, tạo ra kỳ tích Phố Hiến. Một trong những đối tác thân nhất của họ là Công ty Đông Ấn Hà Lan. Họ Trịnh ước hẹn phối hợp với người Hà Lan tấn công Đàng Trong từ biển, nhưng mấy phen thất bại.

Người Hà Lan vì thế mà bị cấm, không được cập thuyền buôn bán được suốt cả dải miền trung. Nhưng họ vẫn vào được sông Mékong qua cửa Đại, ngược lên Nam Vang để trao đổi hàng hóa. Khi đó, họ đặt tên cho sông Tiền là sông Nhật Bản. Trong các bản đồ và bản tường trình được trưởng đại diện Công ty Đông Ấn Hà Lan, ông Hagenaar gửi về khi đó có ghi tên con sông bằng tiếng Pháp, Anh và Hà Lan là Rivière Japonaise, Japanese River, Japansche Rivier. Các thư tịch này hiện vẫn được lưu trữ tại cục thư khố Hà Lan ở thành phố La Haye. Người Hà Lan đặt tên sông Nhật Bản là vì trước khi buôn bán ở Việt Nam, họ đặc biệt thành công khi buôn bán với Nhật Bản. Cái tên mang biểu tượng kỷ niệm của riêng họ, chứ không phải đã có người Nhật Bản đến sinh sống hay giao thương ở Nam bộ vào thời kỳ này.

Từ đầu thế kỷ XVIII, làn sóng di dân vào Nam bộ ngày một lớn, lưu dân tứ xứ từ Trung thổ vào Nam, lính thú, lính đào ngũ, tù nhân bị lưu đày, phạm nhân trốn nã, dân nghèo bỏ xứ tìm đất sống, kẻ bị làng xóm khinh khi chèn ép, có khi là những người có của muốn tìm vùng đất mới… Các chúa Nguyễn còn cho người ra Đàng Ngoài để chiêu mộ di dân một cách kín đáo. Sang đầu thế kỷ XIX, nhập thêm nhóm từng theo quân Tây Sơn, trốn chạy triều đình Gia Long.

Gia Định kể ra, ngoài Huế kể vô

Phần đông người "đi mở cõi" là dân Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) chán nản với những thửa ruộng khô cằn sỏi đá và biển Đông không một lúc bình yên. Nói về những vị quê Ngũ Quảng có công với đất Nam bộ rất dài: Nguyễn Hữu Cảnh (Quảng Bình), Phạm Đăng Dinh, Nguyễn Quang Đăng, Lê Văn Duyệt (ba ông này quê Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Thoại (Quảng Nam). Ông nội của Tả quân Duyệt từ quê vào Cái Bè trong lớp người khẩn hoang đầu tiên.

Ghe bầu các lái đi buôn

Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga

Bắt từ Gia Định kể ra

Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô

Mấy câu trong bài "Vè Các Lái" cho thấy không khí giao thương nhộn nhịp, cái tình tứ hải giai huynh đệ, và nhân dạng vùng miền "ngoài Huế kể vô". Dân biển miền Trung không mất thời gian hòa nhịp với sông rạch. Có thể thấy con đường di cư chủ yếu là trên biển. Con đường cái quan khi đó nhỏ hẹp, chỉ đủ đi kiệu, đi cáng, đi ngựa, đi bộ, vượt dốc, vượt đèo, vượt sông, gặp thú dữ. Di dân phải gồng gánh bao thứ nữa. Lên thuyền đi cho khỏe. Hải trình dọc bờ theo hai mùa gió chính, mùa gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10 còn gọi là mùa gió Nồm, mùa gió Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 còn gọi là mùa gió Bấc. Vô Nam nhằm mùa gió Bấc, còn ra Huế theo mùa gió Nồm.

Nhớ khách thương hồ- Ảnh 2.

Bán buôn mà như bôn tẩu giang hồ... Ảnh minh hoạ: Minh Tú

"Vè Các Lái" như một dạng phổ biến kinh nghiệm đi dọc biển theo vần điệu cho dễ nhớ. 180 câu vè đi vô chỉ rõ kinh nghiệm từ Huế tới Gia Định thì gặp chỗ nào con nước nguy hiểm, nơi nào linh thiêng, nơi nào cảnh quan đẹp, ở đâu nạp liệu, nghỉ ngơi. Thế còn 180 câu vè đi ra Huế nữa. Còn vè biển Tây, vè Hà Tiên. Có lẽ tiếng hò trên sông nước miền Tây sau này bắt nguồn từ các câu hát vè đi sông đi biển của di dân miền Trung.

Tư thù cá nhân, Nam Kỳ chậm nhịp

Mạch khẩn hoang, phát triển không phải suôn sẻ, tất có nhiều đứt gãy. Non sông liền một dải đầu triều Nguyễn vừa có phát triển, vừa có đứt gãy. Các đại công trình đào kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế ghi danh Thoại Ngọc Hầu vào sử xanh. Ông vua Gia Long sau một thời tuổi trẻ bôn tẩu ngang dọc náo nhiệt, kết giao với đủ loại người, 27 năm nằm gai nếm mật phục quốc, về già trở nên thận trọng bế quan tỏa cảng, không giao thương với nước ngoài.

Vua Minh Mạng sau đó còn cực đoan hơn nữa bằng việc cấm đạo, cấm giao thương. Điểm cộng cho ông là về công tác nội trị, củng cố chính quyền trung ương, và tham vọng mở rộng lãnh thổ. Là một nho sinh thuần thành, ông đặt ra Nam kỳ Lục tỉnh dựa trên 6 từ cuối của một câu thơ cổ "Khoái mã gia biên vĩnh định an hà" (Phóng ngựa ra roi giữ yên non nước), từ đó ta có Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Nhưng chuyện lập 6 tỉnh chỉ xảy ra sau khi Tổng trấn Gia Định thành cuối cùng Lê Văn Duyệt qua đời. Chức tổng trấn này bị bãi bỏ, 5 trấn đổi thành 6 tỉnh, không còn lực lượng nào quá lớn đến mức đe dọa nữa.

Giữa vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt không phải là thành kiến, mà là tư thù và hiềm khích. Ông Duyệt ủng hộ con trai Hoàng tử Cảnh lên ngôi, chứ không phải Minh Mạng. Quản cả Nam bộ, ông Duyệt không cấm đạo và không cấm giao thương với nước ngoài. Khi ông Duyệt còn sống, uy thế của lão thần tiền triều quá lớn, vua chưa dám làm gì. Ông Duyệt nằm xuống, vua nhổ hết thuộc hạ của ông Duyệt, chèn ép quá đến mức Lê Văn Khôi phẫn uất làm binh biến. Dẹp được binh biến, triều đình cũng một phen nghiêng ngả, rồi đến một màn trả thù rùng rợn. Tả quân đã chết bị nghị tội, 9 tội đáng chém. Mộ ông Duyệt bị đào lên, bị xiềng xích, nguồn gốc thái giám của ông Duyệt bị bêu riếu. Một vết nhơ với ông vua Minh Mạng.

Tai hại hơn là mối tư thù cá nhân đó làm chậm nhịp Nam Kỳ và cả đất nước. Vua nhận xét dân Nam chỉ biết có soái phủ Gia Định, có Tả quân mà không đoái hoài gì về triều đình Huế. Sau vụ này vua luôn nghi ngờ và cảnh giác dân Nam. Sự xa cách, mất lòng kể từ đó kéo dài cho đến khi người Pháp tới. Có gì ngẫu nhiên đâu, khi Nam Kỳ trở thành xứ thuộc địa của Pháp trong khi Trung kỳ và Bắc kỳ chỉ là xứ bảo hộ. Bài học lịch sử: Triều đình ở đâu? Ở trong lòng dân chứ đâu.

"Đời vươn lên, thuyền ghé bến…"

Người Pháp vào Nam kỳ, họ biết ngay phải làm gì. Năm 1867, sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam kỳ, Pháp thành lập ngay một ủy ban nghiên cứu xác định những kinh rạch cần ưu tiên đào, nạo vét, mở rộng theo thứ tự trước sau nhằm mục đích quân sự và kinh tế. Năm 1875, Pháp thành lập một ủy ban lo việc hoàn chỉnh hệ thống đường thủy từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây.

Công trình đầu tiên người Pháp làm là cải tạo kinh Bảo Định nối sông Tiền từ Mỹ Tho tới sông Vàm Cỏ Tây ở Tân An. Bảo Định là con kinh đầu tiên ở Nam kỳ được đào bằng sức người hai lần vào các năm 1705 và 1819. Đến năm 1867, nó tiếp tục là con kinh đầu tiên được người Pháp nạo vét bằng cơ giới, chứng tỏ vai trò quan trọng của nó trong lịch sử mở mang phát triển đất phương Nam.

Nhớ khách thương hồ- Ảnh 3.

Làng gốm ven sông. Ảnh: Minh Tú

Đi khắp miền Tây, không khó để nhận ra các địa danh bắt đầu từ chữ Xáng: Vàm Xáng, Búng Xáng, Cầu Xáng, Bờ Xáng, Kinh Xáng, Xáng Cụt, Xáng Thổi, Xáng Nổ, Xáng Chìm. Chúng bắt nguồn từ những chiếc tàu xáng của người Pháp đi đào đất, múc bùn, nạo mương, tạo thành những kinh đào. Xáng có xáng cạp, xáng múc, xáng thổi. "Những con quái vật bằng sắt, khổng lồ, vô địch, ngày đêm gào thét 4, 5 ngàn thước còn nghe lồng lộng", ông Sơn Nam thuật lại trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam. Mở cõi khẩn hoang là người Việt, người Hoa nhưng chính người Pháp đã làm cho vùng này trở nên trù phú.

Ô ồ ô, đây miền Nam

Nước sông dâng cao, cá lội ngù ngờ

Nước sông xanh lơ, bóng in cây dừa

Về về đây miền Đồng Nai với Cửu Long

Cuộn chảy dâng trời Nam mạch sống

Một sáng em ra khơi, Vĩnh Long vui cười

Và Cần Thơ, Long Xuyên, rợp vườn cau lúa chín

Đời vươn lên, thuyền ghé bến…

Từ những tàu xáng, người Pháp đào kinh Chợ Gạo và kinh Nước Mặn để có tuyến đường thủy ngắn nhất từ Mỹ Tho về Sài Gòn. Đào kinh Cái Sắn để hoàn tất Tứ giác Long Xuyên. Đào kinh Xà No thông liền sông Hậu ở Cần Thơ với sông Cái Lớn ra tận biển Tây ở Rạch Giá. Dọc kinh Xà No, cách mỗi cây số, họ cho đào các kinh nhỏ để lấy nước sông Hậu tưới tắm đồng ruộng. Trên đường đi Vị Thanh ta có thể bắt gặp cầu 1000, cầu 2000, cầu 3000… chính là những cây cầu bắc qua các con kinh nhánh đó.

Những con kinh như mạch máu dẫn về tim

Chợ nổi Ngã Bảy mà người Pháp gọi "Ngôi sao Phụng Hiệp" hình thành năm 1915 từ bảy con kinh đào từ bảy ngả Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và Kinh Xáng chụm vào. Từ ngã bảy, đi khắp mọi hướng, trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam kỳ. Ngã bảy có thể ai đó chưa đến, nhưng chắc hẳn đã nghe qua trong bản vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu.

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào

Anh bán chiếu từ tận miệt Cà Mau lên, không gặp cô gái mơ ước, cô đã cất bước lên ghe về nhà chồng có lẽ ở một miệt sông nước nào khác, bảy ngả đường, tìm sao cho đặng, tan nát cõi lòng.

Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không... hồn. Hỡi ôi, con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã, thì lệ của tôi sao nó cũng lai láng muôn dòng…

Cõi lòng anh bán chiếu tan nát, thì các ngã năm, ngã bảy cũng kịp ghim vào tim ta những ghe sào, vàm sông, bên lở bên bồi, gió lạnh chiều đông, nỗi buồn man mác làm ta không sao quên được miền Tây. Hơn 100 năm kể từ ngày có chợ nổi Ngã Bảy, biết bao con kinh nữa đã được đào thêm. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ĐBSCL có 28.600 km sông, kinh, rạch, trong đó có khoảng 13.000 km có khả năng khai thác vận tải (sâu trên 1m). Còn tính gộp cả hệ thống kênh thủy lợi tưới tiêu cấp nước thì lên đến 92.000 km (gấp hai lần đường xích đạo)... Nói thế là biết sông rạch quan trọng đến thế nào với đời sống người phương Nam.

Bây giờ không còn anh chèo ghe bán chiếu nữa, các con đò dọc cũng vắng thưa người đi bởi đường bộ được mở mang nhiều, nhưng hồn cốt, tự tình, chất khách thương hồ vĩnh viễn chảy trong huyết quản người miền Nam. Những con kinh chằng chịt vẫn như mạch máu dẫn về tim, khi reo vui, lúc vỗ về an ủi, hoặc có khi chỉ lặng yên để lắng nghe niềm tâm sự của một người xa xứ.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Giá vàng giảm nhẹ đầu tuần

Giá vàng giảm nhẹ đầu tuần

Giá vàng hôm nay 29/4 ghi nhận giảm nhẹ mở phiên đầu tuần. Tin tức kinh tế nổi bật trong tuần tới là quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang vào thứ Tư và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu.

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, chuyên gia nói thẳng sự thật

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, chuyên gia nói thẳng sự thật

Mặc dù thị trường ô tô Việt Nam đang vô cùng ảm đạm về doanh số, nhưng nhiều hãng xe Trung Quốc vẫn "nhảy" vào cuộc đua thị phần.

Các ông lớn Google, Facebook, Tiktok... nộp hơn nửa tỷ USD tiền thuế ở Việt Nam

Các ông lớn Google, Facebook, Tiktok... nộp hơn nửa tỷ USD tiền thuế ở Việt Nam

Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, 4 tháng đầu năm 2024, các "ông lớn" như Google, Facebook, Tiktok, Microsoft, Netflix hoạt động ở Việt Nam đã nộp hơn 3.000 tỷ đồng tiền thuế.

Quý I/2024, Vietjet ghi nhận tăng trưởng vượt trội, tạo sức bật mạnh mẽ cho cả năm

Quý I/2024, Vietjet ghi nhận tăng trưởng vượt trội, tạo sức bật mạnh mẽ cho cả năm

Vượt qua khó khăn chung của ngành hàng không về thiếu hụt tàu bay, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đã ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong quý I/2024, tạo sức bật mạnh mẽ cho cả năm.

Siêu thị đua giảm giá 5 ngày nghỉ lễ

Siêu thị đua giảm giá 5 ngày nghỉ lễ

Các siêu thị, hệ thống bán lẻ đang đua giảm giá, khuyến mãi dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Nghỉ đến 5 ngày nên các mặt hàng tươi sống giảm giá sâu để người dân mua sắm, mở tiệc tại nhà.

Nhộn nhịp đại công trường nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Nhộn nhịp đại công trường nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Dưới cái nắng gay gắt, hàng trăm công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài lao động để sớm đưa dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất về đích đúng hẹn.