Kết thúc buổi làm việc, ông bạn thân hiện là trưởng phòng nông nghiệp của một huyện rủ chúng tôi đi thăm một khu du lịch sinh thái, có view cực đẹp nằm ven sông Vàm Cỏ Đông hoạt động đã vài năm nay.
Sau vài chén trà trong gió sông Vàm Cỏ Đông mát lạnh, ông chủ khu du lịch còn khá trẻ tỉ tê, việc xây dựng khu lịch này được lấy cảm hứng từ con sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng uốn lượn chảy quanh địa bàn các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước.
"Dòng sông này chất chứa phù sa nuôi nấng biết bao thế hệ người con Long An. Đây là con sông gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi. Nuôi nấng tình yêu với con sông, anh em chúng tôi rủ nhau thành lập khu du lịch sinh thái này với mong muốn đóng góp một chút công sức và trí tuệ bản thân vào sự phát triển của địa phương và tạo ra các giá trị hữu ích cho cộng đồng", ông chủ trẻ thổ lộ.
Nói xong, anh dẫn chúng tôi đi thăm quan các khu ăn uống, vui chơi trong khu du lịch. Tại khu du lịch này, du khách sẽ tham dự các hoạt động sông nước, như chèo xuồng ba lá đi hái bần, hái dừa nước, chèo thuyền sub trên sông, ẩm thực trên sông kết hợp thưởng thức đờn ca tài tử… Bên cạnh đó, du khách được trải nghiệm du lịch nông nghiệp, như tham quan nông trại, vườn trái cây, các hoạt động canh tác của nông dân… "Ở đây khu du lịch này đỉnh nhất, khách du lịch ngày càng đông", ông bạn thân kề tai thủ thỉ.
Tuy nhiên, trong các hoạt động đánh thức đôi bờ sông Vàm, tôi lại thích cách làm "du phà" của anh Bùi Hữu Phương (xã Long Cang, huyện Tân Trụ) hơn. Tôi quen biết anh Phương thông qua một chị lãnh đạo Sở VH-TT và DL tỉnh Long An. Mới đây, chị cho biết vừa đi ăn đám cưới con anh Phương trên… phà. "Ăn đám cưới trên phà và ngắm hoàng hôn trên sông Vàm Cỏ không gì độc đáo hơn", chị phấn khích.
Theo anh Phương, anh nối nghiệp cha mình sống nghề sông nước hơn 30 năm nay. Hiện anh có bốn bến phà trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Ba năm trước, một một công ty lữ hành ở TP.HCM rủ anh liên kết mở tour du lịch đường sông. Dùng chính những chiếc phà làm phương tiện đưa du khách xuôi ngược sông Vàm ngắm cảnh. "Tôi đang ấp ủ làm lớn tour du lịch trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Hai bờ sông Vàm chỉ rộng 300 - 400m, với dòng nước chảy lững lờ nên rất thuận lợi cho việc ngắm cảnh ven sông rất nên thơ, đẹp nao lòng", anh Phương tấm tắc.
Nhà gần khu di tích đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực, lại có đất, có điều kiện kinh tế, nên bước đầu anh Phương định đầu tư xây dựng bến tàu đón du khách, mở tuyến du lịch trên sông. "Nhìn hướng lâu dài, nơi đây gần TP.HCM nên khách rất tiện đi tour trên sông trong ngày. Sắp tới, tuyến QL 50B, du khách từ TP.HCM đi thẳng về huyện Tân Trụ để du lịch càng thuận tiện hơn", anh Phương bộc bạch.
Gia đình nhiều thế hệ sống ven sông Vàm Cỏ Tây, anh Phương quá thấm thía với con sông này. Anh Phương bảo, nó như máu thịt của anh. Hai nhánh sông với hệ sinh thái đa dạng, có giá trị kinh tế và phát triển du lịch. Dù ngược dòng lên thượng nguồn hay xuôi dòng về hạ nguồn, du khách đều có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên ban tặng. Dọc hai bờ sông là những mảng dừa nước xanh mát, dung dị, những rặng bần mộc mạc rung rinh trái…
Trong một lần khảo sát dòng sông Vàm để tính kế mở tuyến du lịch sông nước cho du khách TP.HCM, ông Lê Hồng Tú, Giám đốc Công ty BT Tour (TP.HCM), một công ty lữ hành thổ lộ, ông sinh ra ở vùng sông nước nên khi di du lịch bằng đường thủy cảm giác như đang trở về nơi tuổi thơ. Vì thế, khi đi khảo sát trên dòng sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây ông thấy sự khác biệt hoàn toàn với những chuyến đi bằng đường bộ về Long An. "Một trải nghiệm hương vị quê hương rất lạ, rất đậm đà", ông Tú cảm nhận.
Sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây thường bị nhầm lẫn là hai nhánh của sông Vàm Cỏ. Thực tế, đó là hai dòng sông hoàn toàn khác nhau, hòa làm một trước khi đổ ra biển. Cả hai dòng Vàm Cỏ đều bắt nguồn từ Campuchia. Nếu Vàm Cỏ Đông chảy qua các huyện vùng thượng, như Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức rồi vào Cần Đước trở thành Vàm Cỏ, thì Vàm Cỏ Tây lại qua vùng Đồng Tháp Mười và các địa phương, như Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thủ Thừa, TP.Tân An, Châu Thành, Tân Trụ rồi nhập vào sông Vàm Cỏ và đổ ra cửa biển Soài Rạp.
Để "đánh thức" dòng sông Vàm, vừa qua Sở VH-TT và DL tỉnh Long An phối hợp với Công ty Saigon WaterBus (TP.HCM) tổ chức khảo sát đường sông Vàm để hoạch định kế hoạch mở tour du lịch sông nước ở Long An. Trong chuyến khảo sát này, đoàn xuôi dòng Vàm Cỏ Đông, cặp bến Vàm Nhựt Tảo. Đây là nơi giao nhau giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ). Tại đây có Khu tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Trung Trực, nơi diễn ra chiến công oanh liệt đốt tàu Tây khi xưa.
Men theo bờ sông ngắm những rặng bần còn sót lại và đón không khí mát rượi từ sông Vàm Cỏ Đông lùa ngang mặt, đoàn lại ghé huyện Tân Trụ đi thăm "con đường hạnh phúc" với 300 gốc cau vua thẳng tắp, dừng chân tại ngôi nhà cổ hơn 100 năm của ông Lê Văn Nhân. Tiếp tục chuyến hành trình, đoàn di chuyển về hướng huyện Thủ Thừa đến Vàm Thủ men theo kênh Trà Cú đến điểm tiếp giáp nước của hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Cuối ngày, đoàn tổ chức ngồi tàu ngắm hoàng hôn trên sông, ăn tối và giao lưu đàn ca tài tử, tận hưởng những câu hát mùi mẫn trong không gian sông nước hữu tình.
Giám đốc Saigon Waterbus (TP.HCM) Nguyễn Kim Toản cho biết, sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông như vòng tay ôm Long An vào lòng. "Chúng tôi, những người hoạt động gắn với sông nước, làm tour sông nước xem đây là quà tặng thiên nhiên rất quý và đẹp", ông Toản nói.
Bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Long An cho biết, hiện hàng tuần các công ty lữ hành của TP.HCM đã tổ chức tour du lịch trên sông Vàm vào thứ bảy, chủ nhật. Mỗi tour khoảng 100 khách. Tour du lịch trên sông Vàm sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm với góc nhìn mới, cảm nhận mới về vùng đất Long An trung dũng, kiên cường, rất dung dị và bình yên, nhưng cũng rất hấp dẫn.
Du khách đi trên sông Vàm là một hình trình ngược dòng và cả xuôi dòng để nghe dòng sông đã đi vào thi ca kể chuyện…
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.