Theo dữ liệu từ Vietdata, Circle K dẫn đầu thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam về cả kết quả doanh thu lẫn lợi nhuận.
Trong khi đó, các chuỗi lớn khác như Family Mart, GS25 hay 7-Eleven dù thu nghìn tỷ vẫn liên tục báo lỗ.
Không chỉ nắm "ngôi vương" về doanh thu và lợi nhuận, Circle K hiện cũng là thương hiệu có độ phủ rộng nhất Việt Nam với tổng cộng 464 cửa hàng. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Thương hiệu có xuất xứ từ Mỹ, hiện được sở hữu bởi Alimentation Couche-Tard (Canada), đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2008. Vietdata cho biết những năm qua, hệ thống cửa hàng tiện lợi này luôn giữ tốc độ tăng trưởng trung bình 20-30%/năm.
Đáng chú ý, sau giai đoạn đại dịch, Circle K Việt Nam đã bứt phá với doanh thu năm 2022 tăng gần 45% so với năm 2021, lên đến gần 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận hơn trăm tỷ đồng.
Điều này đánh dấu sự "lột xác" hoàn toàn so với khoản lỗ lũy kế trong 2 năm trước đó, giúp Circle K thành một trong số ít chuỗi cửa hàng tiện lợi thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh giữa GS25 và Family Mart đang dần "nóng" lên khi cả hai đều thu về khoảng 1.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2023.
Với Family Mart - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 3 Nhật Bản, mục tiêu đề ra là sở hữu 1.500-2.500 cửa hàng tại Việt Nam trong năm 2023, tuy nhiên tính đến tháng 7 vừa qua, số lượng thực tế mới đạt mốc 160.
Dù vậy, Family Mart Việt Nam vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực với doanh thu tăng trưởng đều đặn trong 3 năm qua, đạt 1.600 tỷ đồng trong năm 2023 và giảm lỗ dần qua các năm, với mức lỗ dưới 10 tỷ đồng.
Còn GS25 gia nhập thị trường muộn nhất (năm 2018) nhưng lại bứt phá mạnh mẽ với doanh thu tăng đều đặn trong giai đoạn 2021-2023, kết quả năm 2023 đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước đó.
Với tiềm lực của liên doanh giữa GS Retail Hàn Quốc (nắm 30% cổ phần) và Sơn Kim Retail của Tập đoàn Sơn Kim, hiện chuỗi này đã sở hữu 209 cửa hàng, phần lớn đặt tại TP.HCM và trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 2 cả nước về độ phủ.
Song, với chiến lược đầy tham vọng là 700 cửa hàng đến năm 2027, đơn vị này đang chấp nhận lỗ ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần. Năm 2023, GS25 dù đã giảm lỗ so với năm trước đó nhưng vẫn là chuỗi cửa hàng tiện lợi lỗ nặng nhất thị trường với gần 120 tỷ đồng.
Ministop, chuỗi cửa hàng tiện lợi thuộc sở hữu của "gã khổng lồ" bán lẻ Nhật Bản Aeon, cũng được đánh giá là một đối thủ "đáng gờm". Thâm nhập Việt Nam từ năm 2015, đến nay chuỗi này đã mở rộng quy mô với 184 cửa hàng, đứng thứ 3 thị trường về độ phủ và thứ 4 về doanh thu.
Thương hiệu này đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng trong năm ngoái, tăng trưởng 12% so với năm 2022, tuy nhiên vẫn không thể thoát lỗ, thậm chí tăng gần gấp đôi số lỗ sau một năm.
"Ông lớn" khác từ quốc tế là 7-Eleven cũng đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng quy mô, từ mức 79 cửa hàng vào tháng 1/2023 lên 114 cửa hàng hiện nay.
Doanh thu của 7-Eleven giai đoạn 2021-2023 qua từng năm đều tăng lần lượt gần 18%, 26% và 37%, đạt gần 850 tỷ đồng vào năm 2023. Tuy nhiên, chuỗi này cũng nằm trong nhóm có mức lỗ hàng năm cao nhất ngành.
Ngoài ra, thị trường còn có các chuỗi khác như B’s Mart, Co-op Smile, K-Market... với doanh thu thuần hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo Vietdata, mặc dù chỉ chiếm 0,3% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa nhưng mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi chứng kiến đà phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2020-2022 đạt hơn 18%.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường này được đánh giá còn rất lớn nhờ vào một số đặc tính về cơ cấu dân số, tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, và sự phát triển của ngành du lịch.
Tuy nhiên, áp đảo thị trường vẫn là các chuỗi bán lẻ tiện lợi ngoại quốc. Sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm quản lý dày dặn và chiến lược marketing rầm rộ, các "ông lớn" này đang dần chiếm lĩnh thị phần, khiến cho "miếng bánh" thị trường bán lẻ tiện lợi Việt Nam ngày càng thu hẹp đối với các doanh nghiệp nội địa.
Trong số những tên tuổi lớn, chỉ duy nhất Co.op Smile là thương hiệu Việt Nam, nhưng sau gần 10 năm phát triển, mảng kinh doanh này của "ông lớn" ngành bán lẻ Saigon Co.op cũng chỉ có tổng cộng 96 cửa hàng (bao gồm nhượng quyền), doanh thu tăng trưởng chưa tới 2% mỗi năm với kết quả 2023 đạt 380 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, cuộc chơi này cũng không hề dễ dàng với các thương hiệu quốc tế, đặc biệt khi chi phí thuê mặt bằng ngày càng leo thang trong khi các chuỗi đều muốn tăng cường độ phủ. GS25 và 7-Eleven đang lỗ nặng nhất thị trường, trong khi Ministop và B’s Mart đều tăng dần số lỗ qua từng năm.
Dữ liệu của Vietdata cho thấy thị trường chỉ có hai chuỗi hiếm hoi là Circle K và K-Market duy trì lợi nhuận. Đơn vị nghiên cứu này lý giải đây là kết quả của việc tối ưu hóa hoạt động và chiến lược kinh doanh giữa thị trường đầy thách thức.
Thực tế, bên cạnh cuộc đua cạnh tranh thị phần lẫn nhau, các chuỗi cửa hàng tiện lợi còn chịu áp lực lớn từ sự bùng nổ thương mại điện tử. Vietdata đánh giá xu hướng mua sắm trực tuyến đang ngày càng chiếm ưu thế, dần lấn át các kênh bán lẻ trực tiếp, bao gồm cả cửa hàng tiện lợi.
Dù vậy, nhìn chung các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã có sự phục hồi khả quan về tình hình kinh doanh sau giai đoạn đại dịch Covid-19.
"Các doanh nghiệp đang chấp nhận dồn sức vào mở rộng quy mô, nhằm gia tăng thị phần và tạo sức ép khiến các đối thủ phải từ bỏ cuộc đua", báo cáo của Vietdata nhấn mạnh.
Theo Zing
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.