Theo đó, từ ngày 21-10 đến 3-11, bốn hãng hàng không Việt Nam đã tổ chức khai thác 42 đường bay nội địa tới toàn bộ 22 cảng hàng không của Việt Nam với tổng cộng 979 chuyến bay khứ hồi (1.958 chặng bay), vận chuyển đạt 170.270 hành khách, hệ số sử dụng ghế trung bình 47,8%.
Đường bay có kết quả vận chuyển tốt nhất là Hà Nội - TP.HCM với 80 chuyến bay khứ hồi, vận chuyển 35.508 lượt hành khách, hệ số sử dụng ghế 83,5%; trong đó chiều Hà Nội - TP HCM vận chuyển 16.027 khách, chiều TP.HCM - Hà Nội vận chuyển 19.481 khách.
Còn theo thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, trong tuần lễ bay từ ngày 1 đến 5-11, số chuyến bay đạt 182 lượt chuyến/ngày và hơn 8.200 lượt khách/ngày. Nếu tính riêng sản lượng vận chuyển nội địa, trong tuần bay trên, sản lượng chuyến bay nội địa đạt 638 lượt chuyến, tăng 37,8% so với tuần trước và sản lượng hành khách nội địa đạt 53.329 lượt khách, tăng 43%.
Như vậy, so với giai đoạn trước khi bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ 4, số hành khách qua sân bay Nội Bài hiện đã đạt 13% (tháng 4-2021, số chuyến bay đạt hơn 42%). Đại diện sân bay Nội Bài cho biết đường bay trục có sản lượng hành khách tăng nhanh, còn các đường bay ngách về các địa phương vẫn rất vắng khách. Tuy nhiên, trong nỗ lực hồi phục hàng không, vẫn phải mở lại và duy trì các đường bay ngách.
Hành khách làm thủ tục đi máy bay tại sân bay quốc tế Vân Đồn Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) cho biết các đường bay thương mại tại đây chính thức hoạt động trở lại từ ngày 27-10, mở đầu là đường bay Vân Đồn - TP.HCM. Từ ngày 1 đến 7-11 có 14 lượt chuyến bay với 470 hành khách.
"Song song với công tác phòng dịch, tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu và quy định, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ cùng tỉnh Quảng Ninh trong các hoạt động kích cầu du lịch, xúc tiến mở rộng các đường bay khác trong và ngoài nước, đưa sân bay Vân Đồn thành cửa ngõ quan trọng kết nối, phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh cũng như khu vực Đông Bắc với cả trong nước và quốc tế, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch" - ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, nói.
Trong khi đó, từ ngày 20-10 đến nay, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã tổ chức phục vụ các chuyến bay nội địa theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo, Vietjet Air khai thác đường bay Cần Thơ - Hà Nội - Cần Thơ, Cần Thơ - Côn Đảo - Cần Thơ, Cần Thơ - Hải Phòng - Cần Thơ với tần suất khai thác từ 3-5 chuyến bay/ngày (6-10 lần hạ cất cánh).
Tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang), từ đầu tháng 11 đến nay, mỗi ngày trung bình sân bay Phú Quốc đón khoảng 7-8 chuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng, với lượng hành khách đến và đi khoảng 1.800 khách/ngày. Hiện tại, các hãng hàng không đang khai thác đường bay đến và đi từ Phú Quốc gồm: Bamboo Airways, Vietjet Air, Vietnam Airlines.
Trước những tín hiệu hồi phục tích cực của các đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép tăng tần suất các đường bay để tiến tới khôi phục hoàn toàn hoạt động từ tháng 12-2021. Cụ thể là đề xuất tăng tần suất 3 đường bay trục Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và Đà Nẵng - TP.HCM lên tổng số không quá 19 chuyến khứ hồi/ngày trong tháng 11-2021 (tương đương 30% tổng tần suất giai đoạn tháng 4-2021). Đồng thời, tăng tần suất các đường bay khác lên 9 chuyến/ngày.
Đề xuất nối lại bay quốc tế từ năm 2022
Bộ Giao thông Vận tải ngày 8-11 có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các nước. Theo đó, kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn, dành cho công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Giai đoạn 1 dự kiến triển khai từ quý I/2022, đề xuất nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ quý IV năm nay với các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc. Dự kiến 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12.000 người/tuần). Hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, hành khách chưa tiêm đủ liều vắc-xin thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Giai đoạn 2: Từ quý II/2022, không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang "hộ chiếu vắc-xin". Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không. Tần suất dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không. Giai đoạn 3: Khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu, dự kiến từ quý III/2022.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.