Nhiều người tại TP.HCM cho biết những ngày qua, việc đặt xe công nghệ hết sức khó khăn. Nếu tài xế đã nhận chuyến, trước đây chỉ chờ khoảng 5-10 phút nhưng hiện có khi lên đến 15-20 phút.
Đặt taxi công nghệ ra sân bay Tân Sơn Nhất sáng 19/6, chị Ngọc Hạnh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết chị dùng ứng dụng Grab nhưng ứng dụng báo không tìm được tài xế. Chị chuyển sang Gojek và Be thì cũng tương tự.
"Tôi phải quay ngược trở lại Grab, lần này có tài xế nhận chuyến nhưng theo định vị, tài xế cách khoảng 2km nên tôi phải chờ hơi lâu, khoảng 15 phút. Gọi taxi công nghệ vào giờ cao điểm, giá tăng hơn so với khung giờ bình thường nhưng không dễ gọi được xe", chị Hạnh ca thán.
Thực tế, không riêng dịch vụ gọi xe mà giao nhận thức ăn cũng rất khó tìm được tài xế. Cũng tại quận Bình Thạnh, anh Phúc Thịnh đặt thức ăn qua ứng dụng Be nhưng nhiều lần vẫn không có tài xế nhận. Anh chuyển sang Gojek, ly trà sữa của anh đến nơi phải mất 20 phút, dù quán cách nhà chưa đến 2km.
Giá xăng và nhiều chi phí khác đều tăng khiến thu nhập giảm, nhiều tài xế xe công nghệ, nhất là tài xế taxi công nghệ chọn cách tắt ứng dụng.
Anh Hữu Việt (tài xế GrabBike) cho hay từ đầu tháng 6, nhiều tài anh xế xe công nghệ quyết định tạm tắt ứng dụng hoặc chuyển việc khác khi thấy giá xăng tăng quá cao, tác động trực tiếp đến thu nhập của họ.
"Hiện mỗi lít xăng đã hơn 32.000 đồng. Do công việc phải chạy cả ngày trên đường nên đổ xăng đầy bình, chúng tôi chỉ chạy được hai ngày. Giá xăng tăng quá cao, thêm nhiều chi phí khác cũng tăng nên nhiều người không trụ nổi. Trước đây làm cật lực, chạy suốt ngày thì mỗi tháng cũng được hơn chục triệu, bây giờ không có nổi", anh Việt than.
Trên các hội nhóm của cộng đồng tài xế xe công nghệ, giá xăng, giá cước, giá sinh hoạt và những loại giá khác đều là đề tài được quan tâm và thảo luận nhiều nhất. Nhiều tài xế "rủ" nhau tạm nghỉ việc để "ứng phó" với giá xăng cũng như mong muốn các hãng phải quan tâm nhiều hơn đến tài xế, trong bối cảnh khó khăn chung.
Về việc khách hàng phàn nàn khó đặt xe công nghệ, phía các hãng quản lý ứng dụng cũng thừa nhận điều này và giải thích là do chênh lệch cung cầu. Các hãng ghi nhận gần đây, nhu cầu đi lại, gọi xe công nghệ và giao nhận thức ăn tăng nhưng lượng tài xế không đủ phục vụ.
"Lượng nhu cầu của khách hàng tăng cao đột biến vào một số khung giờ nhất định không tránh khỏi dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung cầu cục bộ, chưa kể sự mất cân bằng cung cầu tại những điểm nóng về giao thông, hoặc trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi", đại diện Gojek Việt Nam cho biết.
Theo vị này, thời gian qua hãng đã liên tục đưa ra các điều chỉnh trong chính sách giá và chính sách ưu đãi và tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ tài xế, nhằm đảm bảo thu nhập cho các tài xế, đồng thời ổn định nguồn cung phục vụ nhu cầu.
Gojek đang áp dụng chương trình tăng doanh thu thêm tối đa 7% cho tài xế GoCar, dựa trên hiệu suất chạy của tài xế trong 1 tuần. Hiệu suất hoạt động của tài xế trong 1 tuần được đánh giá dựa trên số chuyến đi hoàn thành và thời gian hoạt động. Tài xế sẽ được xếp hạng và nhận được mức ưu đãi tương ứng là 3%, 5% hoặc 7% doanh thu.
Còn với tài xế xe hai bánh, hãng áp dụng chương trình tính ưu đãi theo từng mức điểm. Tại TP.HCM, nếu tài xế có tổng điểm tích lũy là 60 điểm thì được đảm bảo tổng doanh thu là 360.000 đồng, nếu đạt 95 điểm sẽ nhận được doanh thu 620.000 đồng và ở mức điểm cao nhất là 110 thì sẽ có được doanh thu 800.000 đồng.
Giám đốc Truyền thông Be nhận định sức ép giá xăng tăng khiến hoạt động của đối tác tài xế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ứng dụng gọi xe không thể tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm, hãng quyết định duy trì giữ mức giảm chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Trước đó, Be đã thực hiện chương trình này để hỗ trợ tài xế trước tình hình giá xăng tăng. Chương trình cũ dự kiến kéo dài đến 16/6, nhưng do tình hình giá xăng vẫn leo thang nên hãng quyết định duy trì, hỗ trợ bác tài yên tâm chạy xe.
"Chúng tôi cũng tiếp tục bổ sung nâng cao các chương trình thưởng hỗ trợ doanh thu cho tài xế Be nói chung", ông Linh nói thêm.
Grab vừa dành ra khoản ngân sách 6,3 tỷ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ tài xế. Từ nay đến ngày 10/7, hãng sẽ tặng phiếu xăng miễn phí cho tài xế 4 bánh đạt thứ hạng vàng và bạch kim tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu; và tài xế 2 bánh đạt thứ hạng vàng và bạch kim tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ.
"Chúng tôi vẫn liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi và chương trình phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút tuyển dụng đối tác tài xế mới để đảm bảo nguồn cung, phục vụ nhu cầu người dùng", đại diện Gojek nói.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.