Lãi suất ngân hàng năm 2025 sẽ ra sao?
Minh Thùy (tổng hợp)
18/12/2024 4:59 PM (GMT+7)
Dù lãi suất huy động tăng trong những tháng cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo nhiều khả năng lãi suất huy động năm 2025 sẽ đi ngang; nếu tăng, sẽ chỉ tăng nhẹ. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay có thể vẫn duy trì ở mức thấp.
Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong giai đoạn cuối năm 2024, và đà phục hồi dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025. Như vậy, nhu cầu vốn tín dụng sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Mặt bằng lãi suất hiện nay đang chịu áp lực tăng. Ảnh minh họa
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo "Triển vọng Phát triển châu Á" vào ngày 11/12. Trong đó, ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 lên 6,4%, cao hơn nhiều so với dự báo 6,0% được ADB đưa ra trong tháng 9 vừa qua. ADB cũng dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025.
ADB cũng nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt trong năm 2025. Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025 vào ngày 14/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết trong năm 2024, NHNN đã tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm 0,44% so với năm 2023.
Phó Thống đốc cho biết: "Tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2024 chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường. Đồng USD quốc tế tăng mạnh cộng hưởng với những yếu tố khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm âm, cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong nhiều giai đoạn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để hạn chế áp lực tỷ giá, ổn định thị trường".
Ông Tú cũng nhận định mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới.
Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Trong báo cáo phân tích về ngành ngân hàng năm 2025 vừa công bố, Công ty Chứng khoán VCBS cho biết, áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh USD được dự báo mạnh lên trong năm 2025. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Dự báo năm 2025, VCBS nhận định: Nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.
VCBS tiếp tục: "Do đó, chúng tôi kỳ vọng tốc độ lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước COVID-19, chúng tôi dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 20 - 30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025".
Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
VCBS cho rằng trong nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại theo hướng hỗ trợ nền kinh tế.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, xu hướng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt đối với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn.
Công ty chứng khoán này cũng dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế.
VCBS lưu ý: Việc lãi suất huy động tăng nhẹ sẽ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Tuy nhiên, room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 2,7 điểm phần trăm từ mức đỉnh của quý I/2023. Theo VCBS, đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong nhiều năm qua.
Các chuyên viên phân tích dự báo việc lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3 - 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đi ngang trong quý IV/2024.
Các chuyên gia của VCBS dự đoán lãi suất cho vay có thể tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm phần trăm (mức tăng rất nhẹ) vào các thời điểm nào đó trong năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định: Ngày 18/12 tại Mỹ (ngày 19 theo giờ Việt Nam), có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nhưng gần như chắc chắn là đồng USD vẫn neo cao, gây sức ép lên tỷ giá trong nước.
Nếu tỷ giá tiếp tục tăng, mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và NHNN sẽ khó khăn hơn. Thậm chí, ở một số thời điểm, không loại trừ khả năng NHNN có thể nâng lãi suất để hạ nhiệt tỷ giá.
Khi NHNN thay đổi lãi suất điều hành, các ngân hàng thương sẽ phải điều chỉnh cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay.