Thực tế cũng cho thấy, hầu hết ngân hàng lựa chọn việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, giúp gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.
Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp NHNN kêu gọi các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm giúp bản thân các nhà băng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Với kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu đưa ra trong năm 2021, các nhà băng cho biết, sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua việc chia cổ tức năm 2021 trên dưới 25%. Cụ thể, MSB cho hay, sẽ trình đại hội cổ đông thông qua tỷ lệ cổ tức 30% cho năm 2021.
ACB, HDBank, VPBank, MB, OCB... là các nhà băng chia tỷ lệ cổ tức cao 20-25% bằng cổ phiếu để tăng vốn trong các năm gần đây và kế hoạch dự kiến cổ tức 2021 không thấp hơn mức này.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng đã có sự tăng trưởng so với trước cũng được cổ đông và nhà đầu tư quan tâm, thay vì chỉ tiền mặt như trước.
Vả lại, việc khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Chỉ thị 01 cũng nêu rõ các đơn vị cần điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ,...
Đặc biệt, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Các tổ chức tín dụng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đối với các tổ chức tín dụng, yêu cầu tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng.
Cùng với đó triển khai hiệu quả công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tuân thủ các quy định về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng…
Để chống đỡ rủi ro trong hoạt động, nhất là đối với các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng dịch, các ngân hàng đã chủ động trích dự phòng rủi ro, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Đơn cử tại Vietcombank tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 424% lên cuối năm 2021; tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV lên 235% cuối năm 2021; tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietinbank lên 171%...