Những ngày gần đây, lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt so với thời điểm trước tết. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người vay tiền. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn quá cao, vì vậy người vay tiền đang sốt ruột chờ các ngân hàng thực hiện lời hứa.
Lãi suất rục rịch hạ nhiệt
Cách đây vài ngày, bốn ngân hàng lớn gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đã đồng thuận sẽ hạ lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy của bốn ngân hàng lớn nêu trên cao nhất ở mức 7,4%/năm, áp dụng cho một số kỳ hạn dài. Còn với tiền gửi online, lãi suất quanh mức hơn 8%/năm.
Kinh tế phát triển, ngân hàng mới phát triển được
Các ngân hàng cần tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động với sự vào cuộc của NHNN. Từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí… Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được.
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH
Không chỉ bốn ông lớn trên mà nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng tuyên bố giảm lãi suất huy động 0,3%-1%/năm. Ví dụ Sacombank giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, Techcombank giảm lãi suất từ mức 9%/năm xuống 8,7%/năm… Nhìn chung hiện lãi suất huy động cao nhất ở mức 9,5%-10%/năm tùy ngân hàng.
Đáng chú ý, bên cạnh giảm lãi suất huy động, hàng loạt ngân hàng như Agribank, Vietcombank, ACB, Sacombank… tuyến bố sẽ giảm lãi suất cho vay. Đơn cử ACB vừa công bố triển khai gói 20.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi với mức giảm lãi vay tối đa 3%. Agribank cũng giảm 3% lãi suất cho vay.
Không đứng ngoài cuộc, Techcombank tung ra gói tín dụng 30.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất 2%, áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp. Tương tự, MB cũng vừa thông báo giảm lãi suất vay 1% cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỉ đồng.
Nhìn chung nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay 1%-3%/năm để chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết ngay từ đầu năm nay, đơn vị đã giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu.
Sốt ruột chờ giảm nhưng chưa thấy
Dù nhiều ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi suất nhưng nhiều người vay tiền khẳng định họ vẫn chưa nhận được các gói ưu đãi này. Chị Nguyễn Tâm (quận 2, TP.HCM) nói hiện lãi suất khoản vay mua nhà của chị vẫn ở mức hơn 14%/năm. Cách đây vài ngày, chị liên lạc với nhân viên tín dụng để hỏi xem ngân hàng này đã có chính sách giảm lãi suất cho vay chưa thì được trả lời “chưa tiếp nhận bất cứ thông tin gì từ ban lãnh đạo về việc hạ lãi suất cho vay”.
Tương tự, chị Thu Minh (chủ một cơ sở kinh doanh ở Đắk Lắk) chia sẻ tháng 4-2022 chị vay tại một ngân hàng để thu mua nông sản với lãi suất cố định kỳ hạn 10 tháng là 8%/năm và có mua bảo hiểm. Đến tháng 1-2023, khi làm thủ tục đáo hạn và vay mới thì lãi suất đã bật lên 13,5%/năm.
“Hiện tại tôi chờ xem có thông tin gì về việc giảm lãi suất cho vay hay không. Chứ lãi suất đang áp dụng tăng tới 5,5%/năm so với gần một năm trước là quá cao đối với người vay làm nông nghiệp như chúng tôi” - chị Thu Minh ngao ngán.
Đại diện một công ty bất động sản cũng cho hay từ cuối năm ngoái đến nay lãi suất cho vay tăng nhanh, trong đó có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Do đó, công ty đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay.
Không giảm lãi suất, người vay khó trụ nổi
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, khẳng định ngay sau tết Nguyên đán đơn vị đã xem xét giảm lãi suất trước với người vay mua nhà để ở, có yếu tố đầu cơ thấp và những người lao động có thu nhập trung bình... Tuy vậy, ông Tùng cho rằng muốn giảm lãi suất cho vay diễn ra đồng loạt trên toàn thị trường là rất khó và dự báo đến hết quý II-2023 thì kỳ vọng này mới có thể trở thành hiện thực.
“Không chỉ có người dân hay doanh nghiệp mới mong lãi suất cho vay đi xuống, mà bản thân ngân hàng cũng muốn hạ lãi suất cho vay. Bởi nếu lãi vay tăng cao sẽ khiến tình trạng tài chính của khách hàng có thể xấu đi, vì lãi suất tăng kéo theo chi phí tài chính của người vay cũng tăng lên. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến khách hàng rất khó xoay xở dòng tiền để trả nợ lãi vay ngân hàng, từ đó rất dễ để xảy ra nguy cơ nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng. Mà nợ xấu là tai họa đối với các ngân hàng” - ông Tùng phân tích.
Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng nhìn nhận một khi đã cho vay thì ngân hàng và khách hàng ngồi trên cùng một chiếc thuyền. Khách hàng khó khăn thì ngân hàng cũng vậy, ngược lại khách hàng dễ thở hơn thì ngân hàng vừa có tình trạng tín dụng tốt vừa có lợi nhuận.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một ngân hàng khác thừa nhận hiện vẫn chưa nhìn thấy khả năng việc giảm lãi suất cho vay diễn ra đồng loạt. Bởi lãi suất huy động thời gian qua tăng cao nên muốn giảm lãi cho vay cần có độ trễ.
Tuy nhiên, năm nay dự báo nhu cầu về tín dụng có thể sẽ không cao như mọi năm. Do nhu cầu tín dụng không cao nên muốn cạnh tranh được thì bắt buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất. Thậm chí các ngân hàng sẽ phải hy sinh lợi nhuận, tức là giảm lãi suất cho vay trước khi giảm lãi suất huy động để kéo khách hàng tốt về phía mình. “Không giảm thì làm sao người vay chịu nổi, mà khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng càng nguy to” - vị lãnh đạo ngân hàng phân trần.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mới đây cũng cho hay cơ quan này đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để cố gắng giảm mặt bằng lãi suất. Trước đó, cơ quan này cho hay sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.
Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% rất chậm
Bộ KH&ĐT vừa công bố báo cáo cho biết gói hỗ trợ 2% lãi suất của NHNN đang thực hiện với tiến độ giải ngân rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực và khó có thể giải ngân hết trong năm 2023. Đến nay số tiền hỗ trợ 2% lãi suất mới chỉ đạt hơn 134 tỉ đồng.
Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị NHNN báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định 31 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay. Qua đó tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí vay.
Chính sách tiền tệ sẽ dễ chịu hơn
Tại một hội thảo trực tuyến mới đây, TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhận xét: NHNN đang tương đối thận trọng về lạm phát. Việc nới lỏng tiền tệ hay không phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu lạm phát trong thời gian tới.
NHNN thường sử dụng công cụ lãi suất để điều hành. Có nghĩa là đứng trước nguy cơ sức ép lạm phát và lãi suất tăng cao từ bên ngoài, NHNN sẽ ưu tiên sử dụng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ và chống lạm phát thay vì thả nổi tỉ giá.
NHNN sẽ hành động khi có tín hiệu lạm phát giảm và nguy cơ tăng lãi suất bên ngoài có xu hướng xuống thấp. Do đó, cần quan sát thêm lạm phát của tháng 2 và tháng 3 tới. Nếu thấy rõ xu hướng giảm lạm phát, lãi suất sẽ giảm.
“Một yếu tố khác cần quan sát là sau một năm bán ra khá nhiều ngoại tệ để bảo vệ đồng nội tệ thì cơ quan điều hành đang tích trữ kho dự trữ ngoại hối trở lại. Trong những tháng tới, nếu NHNN thành công trong việc mua ngoại tệ tương đối khá, chính sách tiền tệ sẽ dễ chịu hơn. Vì khi mua vào ngoại tệ, NHNN cung ứng tiền đồng nhiều hơn và tạo ra việc hạ lãi suất, qua đó giúp triển vọng kinh tế tốt hơn” - TS Anh đánh giá.
Theo PLO
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.