Những năm qua, Mỹ luôn nằm trong top thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Từ năm 2020, Mỹ đã trở thành bạn hàng lớn nhất trong thương mại nông, lâm, thủy sản với Việt Nam. Ngay cả trong giai đoạn Covid-19, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng cả xuất khẩu và nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Mỹ đều tăng ở mức 2 con số.
Nếu như năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản san Mỹ đã đạt 11,9 tỷ USD, chiếm 27,5% thị phần trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam thì năm 2022, con số này tăng lên khoảng 14 tỷ USD, khẳng định vị trí Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ trong năm 2022 là: thủy sản đạt 2,1 tỷ USD (tăng 4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,67 tỷ USD (giảm nhẹ 1%), điều 842 triệu USD (giảm 19%).
Còn trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ chiếm 20,6%, giảm 27,4% nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đang được Mỹ mua nhiều nhất, chiếm phần lớn thị phần, khẳng định vị trí nguồn cung không thể thiếu từ Việt Nam.
Đơn cử như mặt hàng tiêu, trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 26.620 tấn, trị giá 117,79 triệu USD, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ ổn định ở mức 79,1%.
Tương tự với mặt hàng điều, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ trong 6 tháng năm 2023 đạt 87,17% (giảm nhẹ so với mức 91,61% của cùng kỳ năm 2022), đạt 55.830 tấn, trị giá 317,85 triệu USD.
Dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính trong 7 tháng đầu năm 2023 giảm đáng kể do chịu tác động bởi lạm phát cao nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 3,9 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có tín hiệu khả quan khi lạm phát hạ nhiệt sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 854,1 triệu USD, giảm 41,8% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Báo cáo thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, nhập khẩu nông sản của Mỹ năm 2023 được dự báo ở mức 199 tỷ USD, cao hơn 5 tỷ USD so với mức thực hiện của năm ngoái. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào thị trường này.
Tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam hồi tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích cụ thể, dài hạn, tạo sức hấp dẫn bằng các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư trong lĩnh vực này.
Thủ tướng đề nghị, doanh nghiệp Mỹ tăng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Việt Nam trong việc kết nối cơ sở sản xuất với thị trường tiêu thụ, hai bên đàm phán để tiếp tục mở rộng thị trường cho trái cây, cá da trơn, tôm… của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được đón nhiều đoàn cấp cao của Mỹ sang làm việc như đoàn Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), 2 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, 2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thống đốc các bang Nebraska, California… Điều này thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong hợp tác nông nghiệp với Mỹ.
Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu là doanh nghiệp đầu tiên được lựa chọn xuất khầu lô xoài đầu tiên vào thị trường Mỹ (năm 2019), xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ (tháng 11/2022). Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty, tháng 5/2022, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà được tham dự buổi làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với Tập đoàn Walmart để kết nối nông nghiệp Việt Nam với chuỗi đại siêu thị toàn cầu này. Đại diện Tập đoàn Walmart nói họ muốn mua xoài Việt Nam, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, và nhiều sản phẩm trái cây khác.
"Các doanh nghiệp Việt Nam có thể ngồi lại với nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Mỹ. Chúng ta đang có thị phần không quá lớn, doanh nghiệp không quá nhiều cho nên phải cùng nhau xây dựng chiến lược để có thể tạo ra sự cạnh tranh. Chiến lược để khai thác thị trường như thế nào, đa dạng hóa sản phẩm ra làm sao để tạo được sự tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường Mỹ mới là điều nên làm và phải làm", bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh.
Trong buổi làm việc với 2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Alexis Taylor và Jenny Moffitt hồi tháng 2/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mong muốn phía Mỹ khi đưa ra các chuẩn mực với sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhân lực trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp để có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các chuẩn mực đó.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nông nghiệp Việt Nam không chỉ là ngành hàng kinh tế mà còn là một cấu trúc xã hội, gắn liền với cuộc sống của nhiều người nông dân, do đó, mỗi sự thay đổi trong thương mại cũng ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm trong giao thương quốc tế, trong đó có giao thương với Mỹ. “Tương tự đối với các sản phẩm biến đổi gen, Việt Nam có tư duy rất mở và sẽ thúc đẩy quá trình đánh giá các sản phẩm này”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) là một trong những minh chứng sinh động nhất cho thấy sự hợp tác khoa học kỹ thuật hiệu quả giữa các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ khuyến cáo, Việt Nam cần tăng đầu tư cho công nghệ bảo quản để trái cây tươi có thể đi đường biển sang Mỹ, tận dụng các FTA để có ưu đãi thuế quan tốt nhất, giúp hàng hóa cạnh tranh hơn.
Ngoài trái cây tươi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh các mặt hàng chế biến sẵn bằng công nghệ hiện đại. Về dài hạn, phải triển khai các giải pháp phát triển mô hình “nông nghiệp thông minh”, với việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao năng suất, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý những vụ việc điều tra chống bán phá giá, lưu trữ hồ sơ hàng hóa xuất khẩu. Thị trường Mỹ ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đó sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy một số sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Mỹ trong thời gian gần đây như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản; đồng thời tích cực mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi phân phối với các sản phẩm tiềm năng như cây công nghiệp, rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ.
Tăng cường kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam với các cảng nhập khẩu, chuỗi logistics nông sản lớn, hệ thống phân phối và các hiệp hội ngành hàng Hoa Kỳ. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, địa phương Việt Nam trực tiếp với các địa phương có tiềm năng và nhu cầu thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với Việt Nam.
Một số mặt hàng ưu tiên xuất khẩu sang Mỹ:
- Gỗ và sản phẩm gỗ: Tập trung vào sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như: đồ nội thất bằng gỗ, đồ nội thất phòng khách, phòng ăn và đồ nội thất phòng ngủ;
- Thủy sản: Thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm cá ngừ, mực và bạch tuộc, các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có thương hiệu (tôm, cá da trơn, cá rô phi) và các sản phẩm chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng của thị trường Mỹ;
- Hạt điều: Tiếp tục tập trung mở rộng thị phần hạt điều nguyên liệu cung ứng vào thị trường Mỹ, và tìm cơ hội xúc tiến thương mại cho sản phẩm điều chế biến.
- Hồ tiêu: Chú trọng phát triển sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu từ hồ tiêu và đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm có thành phần của hồ tiêu; từng bước xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam tại thị trường Mỹ.
- Cà phê: Tiếp tục mở rộng thị phần cung ứng cà phê nguyên liệu vào thị trường Mỹ bằng nguồn nguyên liệu chất lượng cao.
- Rau quả: Tiếp tục đàm phán mở cửa cho các loại rau quả tươi Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, chanh leo, bơ, dừa, măng tây… và các sản phẩm chế biến như bột rau quả, đóng hộp, nước ép…
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.