
Quỹ ngoại từng kiến nghị gì với Lộc Trời trước khi hết làm cổ đông lớn?
Minh Thùy
21/12/2023 3:51 PM (GMT+7)
Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp mới nổi trong ngành lúa gạo của Việt Nam từng được một quỹ ngoại góp ý nhằm thay đổi quan hệ với nhà đầu tư để cổ phiếu LTG của Lộc Trời có thể được định giá sát với giá trị thực hơn nhằm tăng lợi ích cho cổ đông.
Tuy nhiên, quỹ ngoại này – Endrance Capital Vietnam – gần đây đã bán 1.32 triệu cổ phiếu LTG (được niêm yết trên UPCoM), qua đó không còn là cổ đông lớn ở Lộc Trời vào cuối tháng 11/2023.
Theo đó, 2 thành viên thuộc quỹ là Endurance Capital Vietnam I Limited và Endurance Capital Vietnam II S.A. SICAV-RAIF đã bán ra lần lượt 784,740 và 535,260 cổ phiếu LTG. Sau giao dịch, Endurance Capital giảm tỷ lệ sở hữu tại Lộc Trời xuống còn 4.09% từ 5.4% trước đó.

Gạo của Lộc Trời được bán tại 1 siêu thị châu Âu. Ảnh tư liệu
Trang web của Endurance Capital khẳng định đây là quỹ chuyên đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam. Ông Christopher Beselin, người sáng lập của quỹ, và gia đình đã sống ở Việt Nam gần 15 năm qua, có kinh nghiệm thành lập và phát triển nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Trang web này đăng một bản tin "case study" (nghiên cứu điển hình) vào tháng 8/2023 để nói về đầu tư của quỹ vào Lộc Trời. Trong đó, ông Beselin nói Lộc Trời về cốt lõi là "một doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu nhưng chưa được định giá đúng do những giới hạn về quản trị. Nếu đi đúng hướng, Lộc Trời có thể vươn tầm quốc tế trong hoạt động kinh doanh".

"Case study" về Lộc Trời do Endurance Capital công bố tháng 8/2023 trên website của quỹ.
Cũng trong "case study" này, ông Beselin nêu một số lý do khiến khả năng tăng trưởng của Lộc Trời đang bị hạn chế.
Thứ nhất, cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM dù đã nhiều lần hứa hẹn chuyển sàn từ Đại hội đồng Cổ đông năm 2019. UPCoM chỉ phù hợp với những công ty có quy mô nhỏ hơn nhiều so với LTG, có thanh khoản kém, khó thu hút được nguồn vốn của các tổ chức tài chính, được định giá thấp, với các quy định lỏng lẻo hơn so với sàn HOSE ở TP.HCM. Việc chuyển sàn của LTG đã bị trì hoãn nhiều lần với những nguyên nhân không thuyết phục.
Thứ hai, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành không chú trọng việc đối thoại với cổ đông, dù nhỏ hay lớn. "Endurance Capital đã gửi một bức thư 12 trang đề xuất lộ trình cụ thể để giúp vốn hóa công ty tăng thêm 65-85 triệu USD (tương đương mức tăng trưởng khoảng 75-95% tại thời điểm đó). Dù đã nhiều lần nhắc đến bức thư này với thành viên BĐH cũng như HĐQT, Endurance Capital vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức dù đã 4 tháng trôi qua. Việc công ty chần chừ không phản hồi cổ đông chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến cách nhà đầu tư nhìn nhận công ty".
Ông Beselin tiếp tục: "Thật không may, do Lộc Trời hiện đang bị định giá thấp, chủ yếu vì hai nguyên nhân mà tôi đã nêu trên, cổ đông công ty sẽ bị pha loãng đáng kể nếu công ty tăng vốn".
Theo Endrance Capital Vietnam, quỹ ngoại này này chuyên đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn tại Việt Nam với thời gian nắm giữ khoảng 3 – 5 năm. Tuy nhiên, quỹ chỉ làm cổ đông lớn tại Lộc Trời trong 4 tháng trước khi thoái vốn vào cuối tháng 11 vừa qua.
Ngoài Lộc Trời, Endrance Capital Vietnam cũng từng hiện diện tại NaFoods Group (mã NAF), Savico (SVC), VNDirect (VND). Sau khi rót vốn, Endrance Capital cử người tham gia Hội đồng Quản trị hoặc Ban Kiểm soát của cả ba công ty này.
Công ty chứng khoán VNDirect, nơi ông Beselin từng tham gia hội đồng quản trị, cũng là công ty sở hữu cổ phiếu LTG nhiều năm.
Cổ phiếu LTG từng mất hơn 70% giá trị khi liên tiếp giảm trong giai đoạn tháng 7/2017 – 3/2020. Hai lần sau đó, mã này trở lại vùng giá khi bắt đầu chào sàn vào 4/2022 và tháng 9/2023. Mức giá hiện tại đang ở mức cao hơn 25.000 đồng chút ít. Trước đó, vào ngày 23/10/2023, giá LTG đạt đến hơn 33.000 đồng.
Quý 3/2023, Lộc Trời báo lỗ ròng 327 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, LTG đạt doanh thu thuần hơn 10.440 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng quý 3 lỗ nặng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận của công ty chỉ đạt 19 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ.
Nhiều quỹ ngoại từng thoái vốn khỏi Lộc Trời
Trước quỹ Endrance Capital Vietnam, lần gần nhất ghi nhận một tổ chức rời vị trí cổ đông lớn là quỹ Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund. Quỹ ngoại này trở thành cổ đông lớn cuối tháng 7/2018 và giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% vào tháng 11/2020.
Cuối năm 2014, Lộc Trời gây tiếng vang lớn khi quỹ đầu tư vốn tư nhân Standard Chartered Private Equity (SCPE) thuộc tập đoàn ngân hàng và tài chính toàn cầu Standard Chartered chi hơn 90 triệu USD để mua 21,5 triệu cổ phiếu của Lộc Trời (tương đương 34,4% vốn) từ VinaCapital; giá mua tương đương với 85.000 đồng. Ngoài ra, SCPE còn cho Lộc Trời vay 70 triệu USD để phát triển chương trình "Cánh đồng lớn".

Một cánh đồng lúa của Lộc Trời ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh tư liệu.
Sau hơn một năm mua vào, đầu năm 2016, SCPE thông báo đã chuyển nhượng gần 17 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 25,21% vốn) cho công ty Marina Viet Pte. Ltd của Singapore và còn nắm giữ hơn 8% vốn. Tháng 6/2019, SCPE thoái toàn bộ số vốn còn lại.
Trong khi VinaCapital chuyển nhượng vốn cho SCPE cuối năm 2014 do không còn cùng mục tiêu trong hoạt động kinh doanh, Mekong Capital cũng thoái vốn khỏi Lộc Trời năm 2017.
Hà Nội sắp khởi công cụm công nghiệp gần 160 tỷ đồng gần Vành đai 4, ngay chân cầu Hồng Hà
Hà Nội giao 60.000m² đất tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Đây là cụm công nghiệp có vị trí nằm ngay đường vành đai 4, chân cầu Hồng Hà sắp khởi công xây dựng.
Bật mí cách duy nhất giúp Đông Nam Á đẩy lùi 'cơn lũ' hàng giá rẻ Trung Quốc
Từ tủ gỗ đến quần áo, sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng giá rẻ Trung Quốc đang làm đảo lộn hoạt động kinh doanh và sinh kế tại Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra là điều gì đang chờ đợi phía trước và làm thế nào để Đông Nam Á có thể đẩy lùi 'cơn lũ' hàng hóa giá rẻ Trung Quốc?
TikTok có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu vì vi phạm quy định của EU
Ứng dụng truyền thông xã hội TikTok đã bị các cơ quan quản lý công nghệ EU buộc tội vì vi phạm các quy tắc về nội dung trực tuyến của EU, khiến chủ sở hữu ByteDance có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.
Hai trường đại học hàng đầu Châu Á về tạo ra số người siêu giàu
Theo nghiên cứu của Altrata, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Thanh Hoa Trung Quốc là những trường đại học hàng đầu châu Á về đào tạo ra những cựu sinh viên siêu giàu.
Giới siêu giàu châu Á 'tháo chạy' khỏi tài sản Mỹ vì lo sợ thuế quan của ông Trump
Các gia đình giàu nhất châu Á đang cắt giảm đầu tư vào tài sản tại Mỹ vì cho rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên khó dự đoán hơn nhiều, theo Bloomberg.