
Sóc Trăng sẵn sàng cho mùa đua ghe ngo
Thạch Pích
25/11/2023 10:13 AM (GMT+7)
Hằng năm, trước khi đến với Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer, ngoài công tác chuẩn bị tập luyện thể lực, tu sửa, sơn phết, vẽ hoa văn, hay đóng mới ghe ngo, các chùa có đội ghe ngo tham gia hội đua còn tổ chức nghi lễ hạ thủy.
Đây là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer đã có từ lâu đời và vẫn duy trì, giữ gìn cho đến hôm nay.
Tại chùa Pích Meang Kol (chùa Wath Pích), phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nơi có đội ghe ngo giành ngôi vô địch tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, đông đảo vận động viên nam và bà con phật tử trong bổn đạo đã đến xem để chứng kiến buổi lễ hạ thủy ghe ngo của chùa. Nghi lễ được Ban Quản trị chùa tổ chức trang trọng, với ý niệm “vạn vật hữu linh”, người Khmer tin rằng ghe ngo cũng là vật thiêng liêng. Nhất cử nhất động với ghe ngo đều phải làm lễ cầu xin.
Ông Sơn Pôl - Phó Ban tổ chức đội ghe ngo chùa Wath Pích cho biết: “Hằng năm, cứ mỗi lần tham gia lễ hội, nhà chùa đều tổ chức nghi lễ hạ thủy (xuống ghe) thật trang trọng, với niềm tin đội ghe đi tham gia lễ hội sẽ giành chiến thắng và bình an trên đường đua”.

Sau khi làm nghi thức lễ, các vận động viên đội ghe ngo chùa Sang Ke, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) hợp sức nhấc bổng chiếc ghe xuống nước để đưa đến nơi tập luyện. Ảnh: THẠCH PÍCH
Việc tổ chức nghi lễ hạ thủy ghe ngo tùy theo một số chùa tự chọn ngày lành, giờ tốt. Tại chùa Sang Ke, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng), trước khi hạ thủy, đội nhạc cụ truyền thống của chùa cũng bắt đầu mở màn thỉnh nhạc và dạo nhạc cúng ghe ngo.
Các lễ vật gồm Sla-thor đôn (làm bằng quả dừa) hoặc Sla-thor chếk (thân cây chuối) để cắm nhang và nến (đèn cầy), Pê-ruốth cúng (làm bằng bẹ chuối). Trước khi buổi lễ được tiến hành, tại vị trí của các tay bơi, achar cúng đặt Sla-thor dọc theo hai bên ghe.
Các vị sư đến tụng kinh chúc phúc và thành viên trong ban quản trị đứng ra làm chủ lễ, khấn nguyện để ghe giành chiến thắng trong các cuộc so tài sắp tới. Còn lực lượng vận động viên tham gia bơi đứng hai bên chiếc ghe ngo. Sau đó, vị sư cầm Ptol tứk (1 thố nước) có áp mùi thơm của sáp hoa, đi trước ghe để vẩy nước lành cho các vận động viên, cầu sự bình an và tăng thêm sức mạnh, kỳ vọng mùa giải mới, đội ghe ngo của chùa thi đấu đạt kết quả cao.
Còn tại chùa Kompong Tróp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), theo cụ Thạch Ên, nghi lễ hạ thủy là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu. Bởi mục đích chính là cúng các vị thần bảo hộ ghe ngo.
Với ghe ngo chùa Kompong Tróp, cúng ở đầu ghe và mũi ghe thường có các mâm bánh, đầu heo, vịt luộc. Sau nghi thức vẩy nước của vị sư trụ trì cho các tay bơi là phần lễ cúng đầu ghe của thầy cúng. Trước khi tiến hành lễ cúng đầu ghe ngo, thầy cúng bắt đầu bằng màn thỉnh nhạc và dạo nhạc cúng vang lên. Các bài hát cũng sẽ theo trình tự các bước như Sene Kru (cúng thần trên), chom riêng bơk both tuk ngo (hát mở đầu) và run tua (hát theo dàn).
Dựa theo linh vật của từng đội ghe, khi hát xướng, thầy cúng sẽ hát theo biểu tượng ấy. Như chùa Kompongtrop lấy hình tượng Pós vék rua-neam (rắn hổ mang) dành cho đội ghe ngo nam để mong tăng thêm sức mạnh cho cả đội. Sau đó, các tay bơi đồng loạt hợp sức nhấc bổng từng chiếc ghe xuống nước để đưa đến nơi tập luyện, kiểm tra đon san-tuoch (chiếc cần câu ghe) và thử tốc độ ghe ngo có phù hợp hay chưa.

55 đội ghe của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tham gia Giải đua ghe ngo tại Sóc Trăng năm 2022. Ảnh: báo Bạc Liêu.
Với đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh. Ghe ngo luôn được bảo quản trong một mái nhà rất cẩn thận, được đặt ở những vị trí trang trọng nhất trong chùa và thuận tiện trong việc hạ thủy mỗi khi tham gia hội đua.
Lễ hội Oóc Om Bóc 2023 được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 25 đến 27/11 tại thành phố Sóc Trăng, với các hoạt động chính gồm: Liên hoan tiếng hát Truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ; triển lãm ảnh nghệ thuật; Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền-Sóc Trăng năm 2023; liên hoan ẩm thực đường phố "Hương vị Sóc Trăng" lần V năm 2023; hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng; tổ chức xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam đối với Bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST; trình diễn Lôiprotip (thả đèn nước)-ghe Cà Hâu; khai mạc giải đua ghe Ngo; lễ cúng trăng.
Đặc biệt, giải đua ghe Ngo sẽ diễn ra vào ngày 26 và 27/11/2023, tại Khán đài đường đua ghe Ngo, thành phố Sóc Trăng.
Theo báo Sóc Trăng
Hà Nội sắp khởi công cụm công nghiệp gần 160 tỷ đồng gần Vành đai 4, ngay chân cầu Hồng Hà
Hà Nội giao 60.000m² đất tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Đây là cụm công nghiệp có vị trí nằm ngay đường vành đai 4, chân cầu Hồng Hà sắp khởi công xây dựng.
Bật mí cách duy nhất giúp Đông Nam Á đẩy lùi 'cơn lũ' hàng giá rẻ Trung Quốc
Từ tủ gỗ đến quần áo, sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng giá rẻ Trung Quốc đang làm đảo lộn hoạt động kinh doanh và sinh kế tại Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra là điều gì đang chờ đợi phía trước và làm thế nào để Đông Nam Á có thể đẩy lùi 'cơn lũ' hàng hóa giá rẻ Trung Quốc?
TikTok có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu vì vi phạm quy định của EU
Ứng dụng truyền thông xã hội TikTok đã bị các cơ quan quản lý công nghệ EU buộc tội vì vi phạm các quy tắc về nội dung trực tuyến của EU, khiến chủ sở hữu ByteDance có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.
Hai trường đại học hàng đầu Châu Á về tạo ra số người siêu giàu
Theo nghiên cứu của Altrata, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Thanh Hoa Trung Quốc là những trường đại học hàng đầu châu Á về đào tạo ra những cựu sinh viên siêu giàu.