Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vừa được Bộ Công an hoàn thiện để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Toàn văn dự thảo Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, thời hạn lấy ý kiến đóng góp trong 60 ngày.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân.
Mục tiêu của chính sách này là bổ sung quy định về việc tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân (ngoài thông tin về căn cước công dân) vào thẻ căn cước công dân (qua chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân và mã QR) để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ Công an.
Những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp. Việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước công dân do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Trong trường hợp thẻ căn cước công dân được sử dụng thay thế hoàn toàn cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại các luật chuyên ngành có liên quan.
Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Bộ Công an cho rằng hiện nay việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt đem lại những kết quả thiết thực. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, theo Luật Căn cước công dân, thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin. Qua triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư.
Bộ Công an cho rằng cần phải mở rộng, bổ sung nhiều thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân như: Thông tin về số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về người gốc Việt Nam; thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người gốc Việt Nam; tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (có hoặc không có).