Con sông Mê Kông chảy qua sáu nước: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và đổ ra biển Đông qua chín cửa sông Cửu Long của Việt Nam tạo nên đồng bằng phì nhiêu bậc nhất nhì của thế giới.
Khám phá dòng sông hùng vĩ
Mê Kông là một trong những dòng sông dài nhất châu Á và đứng thứ 7 trên thế giới. Nhiều tài liệu cho rằng dòng sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, có sách nói nó phát nguyên từ khu tự trị Tây Tạng hoặc khởi nguồn từ sông Lan Thương của Trung Quốc. Chính sự nhầm lẫn đó mà cuốn Tự điển Le Petit Larousse của Pháp xuất bản năm 1993 đã ghi: "Dòng sông ở Đông Dương dài 4.200km" hay trang Wikipedia Việt Nam ghi "sông Mê Kông dài 4.350km… bắt nguồn từ Tây Tạng chảy qua Vân Nam, Trung Quốc sau đó đến Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam rồi đổ ra biển Đông".
Thực ra chiều dài của sông Mê Kông có nhiều con số khác nhau. Lúc đầu là 4.200km, sau đó là 4.350km. Mê Kông ký sự thực hiện phần trên lãnh thổ Trung Quốc có 21 tập (trong tổng số 90 tập, mỗi tập phim dài 20 phút) vào năm 2004 ghi nhận con số 4.880 cây số tính chiều dài cả dòng Mê Kông. Đoàn làm phim phát hiện thêm ở thượng nguồn có đoạn Lan Thương nối với Trác Khúc Hà dài khoảng 680 km nhập vào Xương Đô ở Tây Tạng chảy xuống đến hết tỉnh Vân Nam.
Sau khi bộ phim Mê Kông ký sự được phát sóng phần 1 (dòng sông chảy trên lãnh thổ Trung Quốc) thì một ê kíp làm hậu kỳ tiếp dòng Mê Kông chảy qua các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia. Một ê kíp khác đi ghi hình các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, dòng Mê Kông chia hai nhánh chảy vào đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền có sáu cửa chảy ra biển Đông: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu. Sông Hậu trên các bản đồ cũ có ba cửa: cửa Định An, cửa Bassac và cửa Trần Đề. Nhưng trên thưc tế khảo sát ghi hình từ đường bộ, đường sông, trên máy bay cũng không tìm thấy cửa Bassac (có tài liệu ghi cửa Ba Thắc) ở đâu?
Lúc này cố Tổng đạo diễn - NSND Phạm Khắc và cố biên kịch Trần Đức Tuấn cùng đoàn phim trở lại Cần Thơ tìm các bản đồ cũ mà nhà thơ Nguyễn Bá cất giữ, tìm không thấy cửa Bassac. Đoàn phim tiếp tục đi Bến Tre gặp nhà văn Trang Thế Hy, về TP.HCM gặp nhà Nam bộ học - nhà văn Sơn Nam để xem các ông có lần nào đặt chân đến cửa Bassac? Tất cả trả lời chưa gặp, chưa ngao du trên dòng Bassac mà chỉ gặp Cổ miếu Ba Thắc, Chùa Luông Bassac của người Khmer xây dựng vào năm 1892 tại ấp Chợ Cũ, Bãi Xàu, huyện Mỹ Xuyên của Sóc Trăng ngày nay.
Không dừng bước ở vùng đất Chín Rồng, đoàn phim tiếp tục đến cảng Trần Đề di chuyển bằng thuyền máy đi từ cửa sông Trần Đề vòng ra phía biển chạy ngược lên hướng cửa Định An. Chúng tôi tìm gặp những người sống cố cựu gần hai cửa sông. Họ cho biết: Nghe ông cha của họ nói lại, cửa sông Bassac (người địa phương đọc trại ra Ba Thắc) là có thật nhưng do phù sa bồi lắng lâu dần cửa Bassac bị lấp kín từ thế kỷ XIX. Từ đầu thế kỷ XX đến nay chỉ còn hai con rạch nhỏ là rạch Cồn Cọc chảy ra nhánh sông Định An và rạch Cồn Tròn đổ ra nhánh sông Trần Đề. Như vậy, chín dòng Cửu Long có tên trên bản đồ hay cách gọi quen mà thành, nay chỉ còn 8 cửa sông chảy ra biển Đông mà đoàn phim Mê Kông ký sự đã tìm thấy trên thực tế mà thôi.
Dòng Mê Kông hùng vĩ chảy theo hướng Bắc - Nam rồi đổ ra 8 cửa sông của vùng Tây Nam bộ với trữ lượng nước bình quân 475 tỷ mét khối mỗi năm. Theo chu kỳ hằng năm từ tháng 8 - tháng 11 dương lịch (tức tháng 7 - tháng 10 âm lịch) là mùa nước lũ (nước nổi) từ dòng Tonlésap (Campuchia) tràn vào hai nhánh sông đầu nguồn: Sông Tiền, sông Hậu rửa phèn, bồi lắng phù sa cho ruộng lúa trĩu bông, vườn cây ăn trái vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên... thêm tươi tốt, bội thu. Khi mùa lũ kết thúc, nước trên đồng cạn dần nhường chỗ cho những mảnh ruộng xanh um vào vụ Thu - Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long (tháng 12, tháng 1, tháng 2 của năm kế tiếp), có diện tích gieo trồng như năm 2022 lên đến 650.000 hecta. Đóng góp công sức của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa tổng sản lượng lúa cả nước ước đạt trên 42 triệu tấn (2023) và xuất khẩu trên 8 triệu tấn, thu về khoảng 4,5 tỷ USD từ lúa gạo, xếp vào hạng nhất, nhì của thế giới.
Những nhánh sông Cửu Long chảy ra biển Đông gặp dòng đối lưu đưa phù sa bồi đắp các bãi biển thêm dài rộng. Chỉ riêng bờ biển Mũi Cà Mau mỗi năm được bồi đắp từ Đông sang Tây 80 - 100m, nới rộng Mũi gần 120 hecta/năm. Nhờ biết cách rào chắn, tạo kè bãi bồi mà cây mắm, cây đước bám rễ vào đất phù sa vươn mình ra biển cả. Các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre ít lợi thế tự nhiên như Cà Mau thì trồng cây gây rừng, lấn biển.
Bà Phạm Thái Liên, người Khmer ở Ấp Chợ, xã Trung Bình của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đi đầu trong việc trồng cây Thủy Liễu (cây Bần) lấn biển từ năm 1987. Rừng cây mắm, cây bần bám đất bãi bồi vươn mình ra phía biển dọc dài từ Mỏ Ó của Trần Đề đến Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng trên diện tích hàng chục ngàn hecta. Cây bần phát triển, bộ rễ chồi lên mặt nước làm rào chắn sóng tự nhiên, ngăn xoáy lở khi nước biển dâng hoặc làm nơi trú ngụ lý tưởng các loài thủy hải sản sinh sôi nẩy nở. Nhiều tỉnh như: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre học cách trồng cây mắm, cây bần lấn biển theo mô hình của người đàn bà Khmer Phạm Thái Liên.
Một làng nghề mới hình thành bên cửa sông Ba Lai của Bến Tre được che chắn từ những rặng bần, rừng mắm mà đoàn phim Mê Kông ký sự tìm đến. Đó là làng nghề nuôi nghêu sinh thái theo tiêu chuẩn MSC (MSC: Marine Steward Ship Council - Hội đồng Quản lý biển Thế giới). Tỉnh Bến Tre có trên 7.145 hecta nuôi nghêu thịt với sản lượng gần 4.500 tấn, mỗi năm thu về trên 111 tỷ đồng. Chỉ riêng Hợp tác xã Đồng Tâm ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại nuôi nghêu giống, nghêu thịt trên bãi biển cát pha bùn theo tiêu chuẩn môi trường bền vững MSC trên diện tích 246 hecta. Hằng năm chỉ khai thác 70 - 80% sản lượng nghêu hiện có nên duy trì mức thu hoạch sản lượng 700 tấn, lợi nhuận trên 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho hàng ngàn xã viên của hợp tác xã. Không chỉ ở các làng nghề nuôi nghêu Bến Tre, dòng Mê Kong còn phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế: Nông, lâm, thủy điện, giao thông vận tải, du lịch... nuôi sống trên 250 triệu người, trong đó có 100 triệu nông dân và ngư dân hưởng lợi từ dòng sông này.
Mê Kông ký sự là bộ phim tài liệu dài nhất Việt Nam: 90 tập; Thời gian thực hiện (quay phim) lâu nhất: gần 4 năm; Bán được nhiều đĩa nhất: 30.000 đĩa với 6 lần tái bản liên tục trong vòng 1 năm và cũng là bộ phim tài liệu đầu tiên bán được và có lãi, do Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) thực hiện. Bộ phim là những khám phá sự kỳ vĩ của thiên nhiên và bí ẩn của Mê Kông, một trong những con sông lớn và nổi tiếng nhất thế giới.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.