Tại hội nghị "Phát triển bền vững 2024" với chủ đề "Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 19/9 ở TP.HCM, các diễn giả thảo luận những vấn đề liên quan tới tăng trưởng xanh và giảm phát thải carbon, trong đó có nguồn vốn đầu tư để chuyển đổi và thị trường tín chỉ carbon.
Đánh giá thị trường tín chỉ carbon, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) nhận định Việt Nam đang đi chậm hơn đáng kể so với quốc tế.
Đánh giá tổng thể, chuyên gia này cho rằng cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam còn thụ động đối với thử thách về carbon này. Ông An giải thích: "Giá tín chỉ carbon ở Việt Nam đang thấp một phần do tính thụ động, thể hiện bằng việc chưa chủ động tìm người mua để đàm phán về giá".
Ngoài ra, thị trường tín chỉ carbon cũng chưa có dự án chất lượng cho khách hàng, theo ông An.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải carbon xét trên tăng trưởng GDP cao trong khu vực châu Á. Để đạt cam kết mức phát thải ròng bằng (Net Zero) vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%, dù có hàng loạt thách thức phía trước.
TS Nguyễn Quốc Việt chỉ ra hàng loạt thách thức với doanh nghiệp hiện nay. Đầu tiên, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi châu Âu phải đối mặt với hàng loạt chính sách xanh từ thị trường khó tính này.
Có thể kể ra một số rào cản thương mại của khối EU như: Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn; Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan); Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 (EU Biodiversity Strategy for 2030), và gần đây là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
TS Việt nhấn mạnh: Hệ quả của CBAM tới doanh nghiệp có hàng xuất đi EU rất lớn. Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thải nhiều carbon như hóa chất hữu cơ, polyme và hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh trên hệ thống thương mại khí thải của EU.
Trong bối cảnh này, nếu cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam không kiên định trong quá trình giảm khí thải carbon, sẽ khó cạnh tranh với những nước khác.
Cũng tại sự kiện, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn nói thị trường đón nhận tin mừng là Chính phủ quyết tâm xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, thực tế diễn ra vẫn còn khá chậm.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần hành động quyết liệt hơn, theo các chuyên gia tại hội thảo.
Thực hiện ESG để thúc đẩy chuyển đổi xanh
Thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị công ty) là xu thế tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp thế giới. Tuy nhiên, Tiến sĩ Việt cho biết mức độ thực hành ESG của doanh nghiệp trong nước hiện nay còn khá thấp.
Trích một báo cáo của tập đoàn tư vấn PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022-2023, ông cho biết có đến 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới nhưng số lượng báo cáo về thực hành ESG được công bố năm 2023 cho thấy còn rất hạn chế. Nguyên nhân là lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp chưa tham gia thúc đẩy thực hành các cam kết ESG.
Nguyên nhân một phần là do chi phí đầu tư vào thực hành ESG. Đơn cử, các công nghệ mới cho kinh tế xanh yêu cầu nhiều vốn đầu tư. Ngoài ra, muốn đạt được Net Zero, doanh nghiệp phải phân tích dữ liệu về phát thải carbon để thống kê, nhưng quá trình này cũng thách thức doanh nghiệp.
TS Việt cũng nêu lên vấn đề hành lang pháp lý liên quan đến ESG. Ông cho biết Nhà nước đang tiếp tục xây dựng chính sách và quy định về bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon nhưng chưa đủ những quy định và hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp thực hiện.
Tổ chức tài chính quốc tế IFC thuộc World Bank (Ngân hàng Thế giới) và ngân hàng UOB Singapore cho biết hai định chế lớn này đã chuẩn bị nguồn tài chính hỗ trợ Việt Nam "xanh hóa" các lĩnh vực kinh tế cho mục tiêu phát triển bền vững.
IFC là tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới trong khu vực tư nhân. Trong khi đó, UOB là ngân hàng quốc tế với vị trí hàng đầu ở ASEAN và châu Á.
Ông Darryl James Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng TP.HCM của IFC, và ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ thông tin về nguồn vốn phục vụ các dự án xanh, phát triển bền vững; những cơ hội để doanh nghiệp có thể huy động vốn cho mục tiêu tăng trưởng phát thải thấp.
Đại diện IFC nhấn mạnh rằng thế giới đang đối diện với nguy cơ tổn thất ngày càng tăng do thiên tai, bão lũ… Vì vậy, cả thế giới đang khẩn trương trong tiến trình chuyển đổi xanh toàn cầu để hướng tới Net Zero.
Tương tự đại diện IFC, ông Lim từ UOB Việt Nam khẳng định: "Các ngân hàng có vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh này. Là người gác cổng vốn, họ có quyền chỉ đạo các quỹ hướng đến các dự án bền vững và tránh xa các ngành công nghiệp có lượng phát thải carbon cao".
Các sáng kiến tài chính xanh như trái phiếu xanh và các khoản vay bền vững có thể huy động sự tham gia rộng rãi hơn của khu vực tư nhân vào các dự án carbon thấp, theo ông Lim. Ông cho biết UOB đến nay đã cấp khoảng 40 tỷ USD cho các khoản vay xanh.
Ông Lim phát biểu: "Trong danh mục cho vay của mình, chúng tôi đã xác định 6 lĩnh vực thải nhiều carbon, chiếm khoảng 60% danh mục cho vay doanh nghiệp của chúng tôi mà UOB đã và đang tích cực hỗ trợ thông qua chương trình tài chính xanh. Sáu lĩnh vực này là năng lượng, bất động sản, xây dựng, thép, điện và ô tô. Chúng tôi rất mừng khi thấy những khách hàng này đã vượt mục tiêu giảm carbon của họ khoảng 7-14%".
TP.HCM vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bé gái tử vong do mắc sởi. Trước tình hình đó, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đầy nhanh việc tiêm vaccine cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi để kiểm soát dịch sởi.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia nhiều hành vi phạm tội, một lúc phạm nhiều tội, xâm phạm nghiêm trọng tới hoạt động tài chính ngân hàng. Cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình là đúng người, đúng tội, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo này.
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản ban hành thông báo phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô trong nước ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên từ 01/12/2024 trở đi, xe sản xuất và lắp ráp trong nước không được miễn 50% phí trước bạ sẽ ảnh hưởng nhiều đến lượng tiêu thụ xe.
TP.HCM triển khai kế hoạch sắp xếp lại đơn vị hành chính, giảm 39 phường, nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Trong khi các sản phẩm như rượu bia và bánh kẹo giảm sút, xu hướng mới của người tiêu dùng dịp Tết năm 2025 đó là chuộng sản phẩm giản đơn, tiện lợi và sản phẩm liên quan chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.