Thủ tướng đề nghị khẩn trương thực hiện việc thí điểm cấp phép internet vệ tinh Starlink
Theo VGP
01/03/2025 7:49 PM (GMT+7)
Tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang có nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng hơn với Hoa Kỳ, đồng thời chưa bao giờ Việt Nam tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhiều như hiện nay. Thủ tướng mong các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là cứ điểm đầu tư lâu dài, với tầm nhìn 50 năm, 100 năm.
Sáng 1/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: VGP.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương, lãnh đạo 11 tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Về phía Hoa Kỳ, có Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Courtney Beale, lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, đại diện 38 tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Courtney Beale cho biết, với quá trình phát triển nhanh chóng của Việt Nam, các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường rất quan trọng; các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực của Việt Nam; các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng cường đầu tư vào Hoa Kỳ.
Phó Đại sứ cho rằng hai nền kinh tế có sự giao thoa mạnh mẽ, là cơ hội tuyệt vời cho đầu tư, thương mại song phương, giúp Hoa Kỳ trở nên an toàn, thịnh vượng hơn và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, nhất là quá trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, theo Phó Đại sứ, Hoa Kỳ và Việt Nam có quan hệ đối tác lâu dài về sản xuất bán dẫn; trong đó có công đoạn lắp ráp, kiểm thử, đóng gói của nhiều doanh nghiệp được tiến hành tại Việt Nam. Việt Nam là một trong những đối tác đóng góp quan trọng, bền bỉ trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực AI, chuỗi khối, lượng tử, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị Việt Nam; hợp tác an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, du lịch, hàng không, y tế…
Chủ tịch AmCham tại Hà Nội Eric Johnson cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và những lợi ích đem lại thiết thực cho hai nước. Phía Hoa Kỳ đang tiếp tục xem xét các quy định, những hàng rào chưa công bằng để gỡ bỏ.
Theo ông Eric Johnson, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao Việt Nam đang rất tích cực chủ động thực hiện các cam kết của mình; cũng như nỗ lực tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại các bộ ngành, làm thông thoáng thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, có thể dự đoán được, đặc biệt là chỉ đạo gần đây nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm về giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Hợp tác hiệu quả
Các ý kiến tọa đàm đánh giá, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2025), trên cơ sở đối thoại chân thành, thẳng thắn và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã không ngừng được củng cố và đã chính thức nâng cấp thành Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023. Từ đó đến nay, quan hệ kinh tế- thương mại song phương tiếp tục phát triển bền vững.
Về thương mại, Hoa Kỳ trong 20 năm qua là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 137 tỷ USD (tăng 19% so với cùng kỳ 2023), Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam đạt trên 13 tỷ USD (tăng 33%).
Về đầu tư, tính đến cuối năm 2024, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam ước đạt 11,94 tỷ USD với trên 1.400 dự án, đứng thứ 11 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đều đã hiện diện và đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tham gia đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đều đánh giá cao thành tựu phát triển đã đạt được và những mục tiêu lớn mà Việt Nam đề ra cho thời gian tới; phát biểu về cơ hội hợp tác, các đề xuất, kiến nghị trong các lĩnh vực như hợp tác đầu tư (Warburg Pincus), phát triển kinh tế số và trí tuệ nhân tạo (Meta), ô tô (Polaris, Ford), thúc đẩy sản xuất công nghệ cao (Amkor), thương mại điện tử (Amazon Web Services - AWS), lĩnh vực hàng không – quốc phòng (Boeing), dệt may (Gap), năng lượng (GE Venora, AES), chuyển đổi số trong tài chính ngân hàng, bảo hiểm (Mastercard, AIG)
Đại diện Coca Cola, các công ty tư vấn như Bower Group Asia, Bay Global Strategies… cũng nêu một số kiến nghị liên quan việc tham vấn công chúng trong quá trình xây dựng chính sách, các luật thuế, ứng phó với các chính sách đang thay đổi trong thương mại toàn cầu…
Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát biểu về hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Vietnam Airlines đang triển khai việc mua 50 tàu bay Boeing với tổng giá trị khoảng 11 tỷ USD. Trong khi đó, Vietjet cũng đang triển khai việc mua 200 tàu bay từ Boeing. Một số hợp đồng máy bay khác giữa các đối tác hai nước cũng đang được xem xét.
Riêng về nội dung này, Thủ tướng cho biết Việt Nam có vị trí chiến lược và nhiều lợi thế để phát triển ngành hàng không, do đó đề nghị Boeing xem xét giảm giá cho các hãng hàng không Việt Nam, cũng như nghiên cứu triển khai đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện, trung tâm bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam.
Cho ý kiến về một số nội dung cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương thực hiện việc thí điểm cấp phép internet vệ tinh Starlink; Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc trực tiếp, khuyến khích Fedex đầu tư xây dựng kho hàng hóa, chuyển phát nhanh tại khu vực sân bay Long Thành (Đồng Nai) và cả sân bay Chu Lai (Quảng Nam), sân bay Gia Bình (Bắc Ninh)…
Chưa bao giờ tập trung cải cách thể chế nhiều như hiện nay
Về môi trường đầu tư kinh doanh, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng hơn với Hoa Kỳ, trong đó có các hợp đồng mua bán máy bay, thương mại quốc phòng, mua bán khí LNG, thương mại nông sản, dược phẩm… với Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực với tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh, để tạo thuận lợi, điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng các chính sách của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, nhanh chóng, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thời gian, chi phí, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
"Tóm lại, Việt Nam đang đổi mới toàn diện và bao trùm, phù hợp tình hình hiện nay. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam tập trung vào cải cách thể chế nhiều như hiện nay để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các chủ thể, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động an toàn, bền vững và đạt hiệu quả ngày càng cao hơn, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nói.
Không còn “lách cửa” vào thị trường Mỹ như trước, các ông lớn thời trang như Shein và Temu chuẩn bị đối mặt với cú sốc lớn: hàng loạt sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc sắp bị đánh thuế nặng. Người tiêu dùng Mỹ cũng rơi vào thế khó – muốn tiết kiệm thì phải tìm hướng đi mới.
Giá vàng vượt ngưỡng 3.300 USD một ounce và đạt mức cao kỷ lục khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn khỏi sự bất ổn xung quanh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng giá vàng có thể lên tới 3.500 USD trong tương lai không xa.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc, tuyên bố của Nhà Trắng rằng một số hàng hóa Trung Quốc phải chịu mức thuế 245% đã gây ra hoang mang ở Bắc Kinh.
Các hãng hàng không đang gấp rút tăng tải trên nhiều đường bay từ TP.HCM, Hà Nội đến nhiều địa phương để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp 30/4-1/5.
Còn 2 tuần nữa sẽ đến kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5 và được dự báo là cao điểm du lịch nội địa. Trước nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, Bộ Xây dựng đã yêu cầu tăng chuyến, kiểm soát giá vé và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho người dân.
Tỷ phú Ray Dalio cho biết cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã đẩy nước Mỹ đến gần suy thoái — hoặc thậm chí là "điều gì đó tồi tệ hơn".
Không còn “lách cửa” vào thị trường Mỹ như trước, các ông lớn thời trang như Shein và Temu chuẩn bị đối mặt với cú sốc lớn: hàng loạt sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc sắp bị đánh thuế nặng. Người tiêu dùng Mỹ cũng rơi vào thế khó – muốn tiết kiệm thì phải tìm hướng đi mới.
Giá vàng vượt ngưỡng 3.300 USD một ounce và đạt mức cao kỷ lục khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn khỏi sự bất ổn xung quanh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng giá vàng có thể lên tới 3.500 USD trong tương lai không xa.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc, tuyên bố của Nhà Trắng rằng một số hàng hóa Trung Quốc phải chịu mức thuế 245% đã gây ra hoang mang ở Bắc Kinh.
Các hãng hàng không đang gấp rút tăng tải trên nhiều đường bay từ TP.HCM, Hà Nội đến nhiều địa phương để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp 30/4-1/5.
Còn 2 tuần nữa sẽ đến kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 - 1/5 và được dự báo là cao điểm du lịch nội địa. Trước nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, Bộ Xây dựng đã yêu cầu tăng chuyến, kiểm soát giá vé và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho người dân.
Tỷ phú Ray Dalio cho biết cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã đẩy nước Mỹ đến gần suy thoái — hoặc thậm chí là "điều gì đó tồi tệ hơn".