Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả năm 2022
Nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy được đà phục hồi tích cực trong bối cảnh lạm phát gia tăng, siết chặt chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Các biến động trên thị trường thế giới gần đây cũng là cơ hội để Việt Nam củng cố nội lực, thu hút đầu tư trong xu thế toàn cầu hóa kiểu mới hậu COVID-19. Với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho cho Chính phủ, doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện đang là tâm điểm dành được sự quan tâm chú ý của cộng đồng. Hàng loạt giải pháp liên quan đến thanh kiểm tra và bình ổn thị trường của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được nhà đầu tư đón nhận một cách tích cực nhờ tính thiết thực, giải quyết nhiều nút thắt, đóng góp cho tính bền vững của TTCK Việt Nam.
Triển vọng TTCK Việt Nam năm 2022
Năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của TTCK Việt Nam khi VN-Index lập đỉnh kỷ lục trên 1,500 điểm và ghi nhận mức tăng +35,7% yoy vượt trội so với mức tăng bình quân 15,2% của 5 năm gần nhất. Bên cạnh những kỷ lục mới về điểm số, TTCK còn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng với sự bùng nổ của thanh khoản, giá trị vốn hóa và sự hào hứng tham gia của nhà đầu tư (NĐT) mới. Bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đã trở thành chất xúc tác mạnh định hướng dòng tiền nhàn rỗi, qua đó nối dài đà tăng trưởng đã được định hình từ năm 2020.
Với những thành quả đã đạt được trong năm 2021, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng lớn hơn trong năm 2022. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng trong quá khứ, khi thị trường tăng điểm kéo dài cùng với sự gia tăng quá mạnh của dòng tiền đầu tư cá nhân luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng của Vietnam Report chỉ ra 2 nhóm rủi ro hàng đầu có thể kéo tăng trưởng xuống thấp hơn kỳ vọng, bao gồm: (1) lạm phát tăng cao và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ; và (2) xung đột chính trị Nga-Ukraine.
Hình 1: Top 10 yếu tố ảnh hưởng đến TTCK trong năm 2022
Áp lực lạm phát đến từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đà leo thang của giá nhiên, nguyên, vật liệu và sự gia tăng đột biến trong tổng cầu. Tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, EU… khi xung đột tại Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh và đè nặng lên tăng trưởng nền kinh tế, theo đó buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương phải nâng mức lãi suất. Tại Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát (qua việc quản lý giá đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu) hơn là theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu. Thời gian qua, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%). Như vậy so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% thì hiện tại dư địa không còn nhiều.
Đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, VN-Index đã điều chỉnh giảm khá sâu trong 5 tháng đầu năm. Từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm xác lập trong tháng 1, VN-Index có thời điểm giảm mạnh về mức dưới 1.200 điểm và có nhịp hồi phục khá tích cực vào 2 tuần cuối của tháng 5. Thị trường đã xuất hiện những quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng. Chỉ có khoảng 31% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5/2022 cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động và diễn biến tích cực. Phần lớn cho rằng thị trường sẽ có nhiều biến động và những cú sốc mới hoặc diễn biến trầm lắng, thanh khoản cầm chừng, theo đó, tăng trưởng VN-Index cuối năm 2022 sẽ ở mức dưới 10%.
Hình 2: Dự báo diễn biến TTCK 6 tháng cuối năm
Hình 3: Dự báo tăng trưởng chỉ số VN-Index cuối năm
Mặc dù thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh bởi tâm lý thận trọng của NĐT, nhiều chuyên gia đều cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ môvà các yếu tố nội tại của thị trường.
Triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam rất rõ ràng và tích cực. Việt Nam tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi COVID-19 theo đánh giá của Nikkei Asia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất được ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, Moody's, S&P đánh giá tích cực trong bối cảnh lạm phát, siết chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Việt Nam có lợi thế thu hút dịch chuyển đầu tư sản xuất khi là cầu nối kinh tế giữa 2 khu vực đông dân và năng động Trung Quốc và Đông Nam Á, cùng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký trong nhiều năm qua. Theo đánh giá của Dragon Capital, nếu duy trì được lợi thế này, mức tăng trưởng GDP đều đặn hàng năm từ 6,5-7%/năm là kịch bản khả quan trong vài năm tới. Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối dồi dào (110 tỷ USD) giúp NHNN có nhiều dư địa để duy trì chính sách ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Đây đều là những nhân tố quyết định đến thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.
Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước và quốc tế hồi phục là động lực trọng yếu của TTCK Việt Nam. Theo Bloomberg, các bên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 25% so với năm 2021 và dự báo của Yuanta Việt Nam là 21%. Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 với mức tăng trưởng nền thấp trong năm 2021.
Các biện pháp sàng lọc thị trường của Chính phủ và nỗ lực thúc đẩy nâng hạng thị trường trong năm 2024-2025. Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu. Các biện pháp như yêu cầu công bố số liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán, cảnh báo cổ phiếu "tăng sốc, giảm sâu", thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng đáo hạn hợp đồng tương lai VN30… được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường. Những biện pháp thanh lọc, chấn chỉnh thị trường cũng như những giải pháp bình ổn và phát triển thị trường được đánh giá là thiết thực, giải quyết nhiều nút thắt, đóng góp cho tính bền vững của TTCK Việt Nam.
Một trong những mục tiêu của chứng khoán Việt Nam là sớm nâng hạng trong thời gian tới. Việc nâng hạng thị trường đồng nghĩa với việc nâng chất để đáp ứng các tiêu chí đặt ra, từ đó, thu hút thêm lượng lớn vốn ngoại, giúp chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh, minh bạch và bền vững. Các tiêu chí nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi tập trung vào hai yếu tố chính: quy mô và thanh khoản của thị trường (định lượng) và khả năng tiếp cận thị trường (định tính). Vấn đề chính của Việt Nam là những tiêu chuẩn định tính. Những biện pháp thanh lọc thị trường thời gian vừa qua của Chính phủ cũng nằm trong nỗ lực tiếp cận các tiêu chuẩn định tính. Thêm vào đó là việc đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho TTCK trong thời gian tới.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, TTCK Việt Nam hiện đang là thị trường hiếm hoi trong khu vực châu Á được khối ngoại mua ròng liên tục tính từ đầu năm đến nay. Điều này phần nào củng cố thêm cho nhận định TTCK Việt Nam được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động hiện nay và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, từ giờ đến cuối năm dòng tiền vào TTCK sẽ chảy nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ không còn dòng tiền dễ dãi đổ vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Theo khảo sát của Vietnam Report, 92% số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng ngành Bán lẻ có triển vọng khả quan hơn hẳn. Bán lẻ là ngành được hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế nhưng lại chịu rủi ro khi lạm phát gia tăng và người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu. Phần lớn chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng đều nhận định rằng các ngành nghề chịu chi phí đầu vào nặng về nguyên liệu đều sẽ có một năm 2022 kém khả quan do diễn biến lạm phát và giá cả hàng hóa leo thang trên toàn cầu nhưng không phải là một câu chuyện lớn để thay đổi giá trị nền tảng của doanh nghiệp.
Xây dựng và phát triển uy tín trong bối cảnh thị trường biến động
Nền kinh tế và TTCK đang chuyển tiếp sang trạng thái mới mà ở đó, cơ hội đến nhiều hơn từ sự vận động nội tại của doanh nghiệp, vươn lên trong môi trường kinh tế phục hồi, và từ đây năng lực cạnh tranh và khả năng tận dụng cơ hội để tăng trưởng sẽ là chìa khóa tạo sự khác biệt đối với doanh nghiệp đại chúng cũng như cổ phiếu mà họ đại diện. Đối với các doanh nghiệp đại chúng, việc xây dựng và phát triển uy tín là nhiệm vụ hàng đầu bởi tầm ảnh hưởng của uy tín thương hiệu đến tâm lý và quyết định của nhà đầu tư, là cơ sở để phát triển bền vững và tăng giá trị doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy rõ mối quan hệ tương hỗ giữa sự uy tín và tính hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng.
Hình 4: Những yếu tố ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng
Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng của Vietnam Report chỉ ra rằng, kết quả kinh doanh, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như các tiêu chí về minh bạch thông tin, quan hệ NĐT (Investor Relations), quản trị truyền thông là hai nhóm nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp. Trong đó, quản trị truyền thông là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động trên TTCK. Thông thường, các doanh nghiệp quản trị truyền thông bằng cách tăng cường hoạt động, quản lý thông tin liên lạc và có sự hiện diện mạnh mẽ với các bên liên quan. Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report chỉ ra rằng, trong giai đoạn 5/2021-4/2022, ngân hàng, bất động sản, sản xuất thực phẩm, chứng khoán và bán lẻ là những nhóm ngành thu hút sự quan tâm của truyền thông nhiều nhất với tỷ trọng xuất hiện tương ứng đạt 36,2%, 12,5%, 10,5%, 8,5%, 6,2%. Cũng cần lưu ý rằng, doanh nghiệp càng xuất hiện nhiều trên truyền thông thì việc đạt hiệu quả về chất lượng thông tin càng khó hơn so với các doanh nghiệp có ít sự hiện diện, đặc biệt là duy trì tỷ lệ này trong suốt 12 tháng của một năm hoạt động.
Xét về độ đa dạng thông tin trên truyền thông, kết quả phân tích Media Coding của Vietnam Report chỉ ra 3 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với các doanh nghiệp đại chúng, bao gồm: (1) Cổ phiếu, (2) Tài chính/ Kết quả kinh doanh; và (3) Hình ảnh/PR/Scandals. Trong bối cảnh TTCK đã có một năm 2021 tăng trưởng ngoạn mục, sau đó có những nhịp điều chỉnh mạnh vào đầu năm 2022, nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals ghi nhận mức tăng đáng kể so với giai đoạn trước.
Hình 5: Top 10 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông
Sự chủ động của doanh nghiệp trên truyền thông cũng được đánh giá là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến việc quản trị rủi ro uy tín truyền thông của doanh nghiệp. Theo nhận định của Vietnam Report, để đảm bảo thông tin chính xác và tăng độ tin cậy với các đối tượng tiếp nhận, ít nhất 1/3 lượng thông tin về doanh nghiệp trên truyền thông cần được dẫn nguồn từ doanh nghiệp và các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp (thành viên của Ban quản trị/Ban lãnh đạo). Dữ liệu phân tích Media Coding cho thấy trong giai đoạn 5/2021 - 4/2022, chỉ có gần 9% số doanh nghiệp trong nghiên cứu của Vietnam Report đáp ứng tỷ lệ này, thấp hơn rất nhiều giai đoạn trước đó (17%). Đây là một dấu hiệu cảnh báo đối với hoạt động quản trị truyền thông của doanh nghiệp đại chúng khi những lo ngại về bảo mật dữ liệu, uy tín thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội đang gia tăng.
Giờ đây, TTCK sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển mình trong bối cảnh thế giới đang chuyển dần sang xu thế toàn cầu hóa kiểu mới theo kiểu tập trung khu vực hơn, bảo hộ hơn. Thế giới sẽ chứng kiến giai đoạn tái cấu trúc trật tự phân bổ dòng vốn lớn nhất trong nhiều thập niên qua. Khi đó, những quốc gia có nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng lớn như Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Điều quan trọng nhất là liệu chúng ta sẽ nắm lấy cơ hội này để thực hiện những thay đổi và cải cách toàn diện cho các hoạt động kinh tế như thế nào? Sự thay đổi của các hoạt động kinh tế sẽ kéo theo sự thay đổi trong cấu trúc TTCK. Dù còn nhiều hạn chế và bất cập nhưng xu hướng tăng trưởng trong dài hạn của thị trường vẫn được đảm bảo.
Một số chuyến bay đến và đi sân bay Tân Sơn Nhất ở TP.HCM đã phải điều chỉnh lịch trình khai thác do ảnh hưởng của thời tiết. Nhà chức trách hàng không yêu cầu các đơn vị tăng cường giải pháp ứng phó.
Sự kiện hoà nhạc "Bài ca không quên" lần đầu tiên được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) dự kiến thu hút hơn ngàn hàng người dân, du khách.
Hệ thống siêu thị và bán hàng của Aeon là mục tiêu của hàng loạt sản phẩm organic, nông sản tươi như bưởi da xanh, trà kombucha, mỹ phẩm thiên nhiên… từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng cho đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các công ty đa quốc gia muốn mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, theo AmCham. Thành viên của hiệp hội này dự kiến tuyển thêm lao động.
Tình trạng nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch hiện nay là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của TP.HCM. Vì vậy, lãnh đạo địa phương đang quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý.
Hôm nay 13/12, giá vàng thế giới giảm mạnh hơn 1% sau khi Mỹ công bố loạt dữ liệu kinh tế với các biến động trái chiều.