Chuyên trang thị trường lúa gạo quốc tế SS Rice News cho biết Ấn Độ vừa ban hành quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati (gạo không phải là giống basmati). Tuy nhiên, kèm theo điều kiện giá sàn để Ấn Độ xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn, bắt đầu áp dụng ngày 29/9.
Trước khi hạn chế tham gia thị trường xuất khẩu gạo, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm đến 40% thị phần nên các chính sách điều hành của nước này ảnh hưởng lớn đến thương mại gạo toàn cầu và giá gạo của các nước xuất khẩu chính trên thế giới như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan.
Về việc Ấn Độ quay lại thị trường toàn cầu, ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, nói với báo Thanh Niên rằng Việt Nam đã xuất khẩu lượng lớn gạo và chỉ còn vụ thu hoạch Thu Đông vào cuối năm, do đó áp lực bán gạo trong 3 tháng cuối năm không quá lớn.
Hơn nữa, tình hình bão lũ tại châu Á cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gia tăng nhu cầu gạo. Do vậy, giá gạo Việt Nam khó giảm mạnh trong ngắn hạn, theo ông Có.
Về dài hạn, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice), nhận định cần chờ thêm 1-2 tuần để đánh giá chính xác tác động của sự thay đổi này.
Ông Tài cho rằng doanh nghiệp trong nước tránh giảm giá xuất khẩu ồ ạt mà phải bình tĩnh theo dõi thị trường. Việt Nam cần kiên trì chiến lược nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo, với mục tiêu tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được kỳ vọng sẽ là chìa khóa giúp gạo Việt Nam tăng giá trị trên thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 27/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam còn 562 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 532 USD/tấn. Việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và những loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25.
Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 9/2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 6,5 triệu tấn với trị giá trên 4 tỷ USD, tăng 6,2% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành hơn 80% kế hoạch xuất khẩu năm và dự kiến đạt mục tiêu 7,6 triệu tấn gạo trong năm nay.
Dù Ấn Độ đã tái xuất khẩu gạo, giá gạo Việt Nam được dự báo khó giảm xuống dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào. Mới đây, Việt Nam cũng đã trúng thầu 2 lô gạo với tổng khối lượng gần 60.000 tấn trong đợt mở thầu tháng 9 của Indonesia, với giá trúng thầu là 548 USD/tấn, giảm 32 USD so với tuần vửa rồi.
Ngoài ra, nhu cầu từ các thị trường chính như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn ở mức cao, tiếp tục tạo áp lực cầu cho gạo Việt Nam, theo giới phân tích.
Theo bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo quốc tế SS Rice News, hiện tại giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Myanmar từ 480 - 500 USD/tấn, Pakistan khoảng 500 - 510 USD/tấn. Do vậy, việc Ấn Độ đưa ra giá sàn 490 USD/tấn khá sát với thị trường hiện tại, hạn chế tình trạng giảm giá ồ ạt.
Như ông Tấn Tài, bà Hương cho rằng lúc này, doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh theo dõi thị trường. Tuy nhiên, bà dự báo từ năm 2025, hoạt động xuất khẩu gạo thế giới sẽ trở lại trạng thái trước khi Ấn Độ cấm xuất hàng. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam và các nước có thể gặp nhiều thách thức.
Cuối quý 3/2022, Ấn Độ bắt đầu hạn chế xuất khẩu gạo do tình hình trong nước. Sau đó, vào tháng 7/2023, đất nước đông dân nhất thế giới cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati.
Việc áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati từ tháng 7/2023 làm cho nguồn cung nội địa Ấn Độ tăng mạnh, và lượng gạo tồn kho của chính phủ cũng tăng mạnh. Tình trạng này khiến các quốc gia như Anh, Mỹ và Nhật Bản đã thúc giục Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm vì lo ngại về vấn đề an ninh lương thực. Chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ tuy đã thành công trong việc kiềm chế giá trong nước, nhưng cũng gây áp lực lên thị trường gạo toàn cầu.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.