Xuất khẩu chưa khả quan
Từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 làm cho xuất khẩu nhiều loại trái cây của nước ta gặp các ách tắc và bị giảm đà phát triển. Ðặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn thuê mướn tàu biển, tìm container rỗng và giá cước vận tải biển đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Từ đó, doanh nghiệp cũng chậm thu mua trái cây của nông dân, thậm chí có thời điểm không mua, gây ra tình trạng ứ đọng rau quả hàng hóa cục bộ tại các địa phương.
Theo ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khâu bảo quản và chế biến rau quả của nước ta còn hạn chế nên xuất khẩu ở các thị trường xa như châu Âu, Mỹ... còn gặp nhiều khó khăn và trái cây tươi phải vận chuyển đi tiêu thụ nhanh bằng máy bay, số lượng không lớn. Trong khi đó, xuất khẩu nhiều loại trái cây sang thị trường Trung Quốc như thanh long, xoài, nhãn... cũng gặp khó do các loại trái cây này đã được phát triển trồng khá nhiều trong nước. Hiện số lượng vườn cây ăn trái ở nước ta trồng đạt theo quy trình GAP còn ít nguồn nguyên liệu trái cây đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Nguyên cho biết: “Sắp tới đây, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2022, chúng ta có thể gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc do họ dự định ngưng hoạt động toàn bộ các cảng xuất nhập hàng trong vòng 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết để kiểm soát dịch bệnh vì Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero COVID”.
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trái cây của Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để xuất khẩu do đa dạng chủng loại cây trái ngon và có thể cho trái rải vụ quanh năm. Nước ta ở gần thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc nên chi phí vận chuyển hàng thấp hơn so với nhiều nước khác khi xuất khẩu hàng sang Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng đang tăng cường mua các loại rau quả từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Hiện nước ta cũng ký nhiều hiệp định tự do thương mại với các nước và đối tác, tạo thuận lợi cho phát triển thị trường xuất khẩu. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu rau quả 10 tháng năm 2021 vẫn tăng, đạt 2,82 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020, với các loại trái cây xuất khẩu chủ lực gồm thanh long, xoài, chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dứa, dưa hấu, vải... Hiện mặt hàng trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và các nước châu Âu.
Mở rộng thị trường
Nam Bộ, một trong những vùng trồng cây ăn trái chủ lực của cả nước, với tổng diện tích hơn 505.000ha, chiếm hơn 44,6% diện tích cả nước và sản lượng đạt hơn 7 triệu tấn/năm. Từ nay đến quý I-2022, toàn vùng Nam Bộ dự kiến có một lượng lớn trái cây bước vào thu hoạch và cần tiêu thụ.
Trong khi tình hình xuất khẩu nhiều loại cây được dự báo còn gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trước thực tế này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan chức năng, tại các địa phương cần rà soát, nắm kỹ diện tích, sản lượng từng loại trái cây dự kiến được thu hoạch trong thời gian tới để chủ động hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ kịp thời, trong đó chú ý khai thác tốt thị trường nội địa gắn với mở rộng xuất khẩu tại các thị trường còn tiềm năng. Theo ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngành chức năng cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ và khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết theo chuỗi, phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), có mã số vùng trồng… để trái cây đảm bảo chất lượng, an toàn đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Kịp thời khắc phục những hạn chế trong khâu bảo quản, chế biến nhằm giảm áp lực tiêu thụ khi trái cây bước vào rộ mùa thu hoạch và nâng cao được giá trị gia tăng.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Năm 2021, sản lượng trái cây tại vùng Nam Bộ dự kiến đạt hơn 7,1 triệu tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm 2020. Riêng trong tháng 12, trái cây được thu hoạch tại Nam Bộ ước đạt sản lượng hơn 700.000 tấn, trong đó ÐBSCL chiếm khoảng 52% sản lượng. Loại trái cây chiếm sản lượng lớn nhất là thanh long, với khoảng 200.000 tấn, kế đó là chuối, bưởi, xoài, mít, dứa, cam, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, quýt, mãng cầu... Thanh long sẽ có nhiều ở tỉnh Bình Thuận, Long An, bưởi có nhiều ở Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang, xoài ở An Giang, Ðồng Tháp, Tiền Giang, mít ở Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long… Còn dự báo trong quý I-2022, Nam Bộ tiếp tục có nhiều cây ăn trái bước vào thu hoạch, với sản lượng ước hơn 1,6 triệu tấn, với loại trái cây có sản lượng lớn gồm thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa…”.
Theo ông Lê Thanh Tùng, về tiêu thụ trái cây, dự báo chúng ta có thể gặp một số khó khăn nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ðiều này cũng đã diễn ra trong các tháng 8, 9 và tháng 10-2021 và chúng ta đã tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và bằng nhiều cách khắc phục để vượt qua. Tới đây, cần tiếp tục xây dựng các phương án để tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt các địa phương cần rà soát, nắm rõ số lượng, chất lượng các loại trái cây, có thể bằng hình thức thủ công hoặc số hóa và có các dự báo kịp thời về nguồn hàng để cung cấp, kết nối với các doanh nghiệp thu mua trái cây tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ trái cây một cách cụ thể, chi tiết và phương án để giải quyết những ách tắc có thể xảy ra. Hiện Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã có khoảng 1.600 địa chỉ để kết nối tiêu thụ nông sản và đang tích cực hỗ trợ các địa phương thông qua kênh kết nối tiêu thụ này, cũng rất mong có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà tiêu thụ tiếp tục tham gia để tiêu thụ trái cây và nông sản tốt hơn.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán. Thời điểm này, các nhà sản xuất đã bắt đầu đưa hàng Tết ra thị trường. Nhiều đơn vị bán lẻ rầm rộ tổ chức kết nối với các doanh nghiệp, khách hàng lớn để bán hàng Tết.
Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.
Thời gian qua, lượng khách đặt mua vé máy bay Tết đang có xu hướng tăng cao. Vì thế, các hãng đã có kể hoạch điều chỉnh, bổ sung tăng tải để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.
Những ngày qua, các cơ sở làm đẹp phun môi, phun chân mày, chăm sóc da, trị nám… tại TP.HCM đang khá nhộn nhịp nhờ các khách hàng nữ tranh thủ đi làm đẹp sớm đón Tết.