Trong phiên giao dịch hôm qua 27/2, thị trường chứng kiến sự chuyển biến tích cực của chỉ số VN-Index ngay từ khi mở cửa. Lực mua chiếm ưu thế giúp cho chỉ số giữ được sắc xanh đến hết phiên giao dịch. Đóng cửa, VN-Index tăng hơn 13 điểm, leo lên mốc 1.237,46 điểm; HNX-Index tăng 2,5 điểm, leo lên mốc 235,38 điểm; trong khi UPCoM-Index giảm nhẹ 0,09 điểm, còn 90,4 điểm.
Độ rộng thị trường hôm nay nghiêng về phía tích cực với 17/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành tài nguyên cơ bản dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành dầu khí, bất động sản,… Thanh khoản phiên đạt hơn 25,8 nghìn tỷ đồng.
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt, phiên giao dịch hôm qua (27/2), thị trường tiếp tục đà tăng điểm khá mạnh bất chấp diễn biến giằng co quanh mốc 1.230. Thanh khoản cũng tăng so với phiên trước đó cho thấy dòng tiền vẫn đang nỗ lực hỗ trợ thị trường và có động thái lan tỏa.
Tín hiệu hiện tại đang giúp thị trường duy trì đà tăng, khả năng tăng điểm có thể tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo và đưa thị trường tới vùng cản 1.240 - 1250 điểm. Dự kiến thị trường sẽ có trạng thái tranh chấp tại vùng cản này. Tín hiệu cung cầu trong vùng cản này sẽ ảnh hưởng lớn đến diễn biến tiếp theo của thị trường. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng cản để đánh giá lại trạng thái thị trường.
Hiện tại, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để nắm giữ, tuy nhiên cũng nên tận dụng nhịp tăng để chốt lời các cổ phiếu đang có diễn biến thận trọng tại vùng kháng cự.
Trong khi đó, Chứng khoán TPS nhận định, phiên tăng điểm tích cực của ngày hôm qua (27/2) đã đưa chỉ số tiến sát về vùng 1.240 điểm – mức kháng cự tương đối mạnh trong ngắn hạn.
Trong phiên hôm nay, chỉ số VN-Index sẽ kiểm định lại vùng đỉnh 1.240-1250 điểm. Nếu vượt trên vùng này, khả năng đi lên trong trung hạn của chỉ số VN-Index là khá chắc chắn.
Tuy nhiên, nếu lực mua không có thêm sự cải thiện, khả năng lượng cổ phiếu từ phiên khớp lệnh lớn ngày thứ 6 về tài khoản sẽ tạo áp lực lên thị trường và thử thách đà tăng của chỉ số. Vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index vẫn là 1.160 - 1.180 điểm.
Còn theo Chứng khoán KBSV, phiên giao dịch hôm qua (27/2), sau nhịp mở gap tăng điểm đầu phiên, VN-Index chững lại và suy yếu dưới tác động của áp lực bán gia tăng, trước khi dần hồi phục và mở rộng đà tăng điểm về cuối phiên.
Chỉ số tiếp tục xác lập nhịp hồi phục với việc hình thành mẫu nến tăng điểm thân đặc, đi kèm cùng thanh khoản gia tăng, thể hiện trạng thái hưng phấn của phe mua diễn biến trên hầu hết các nhóm ngành.
Phiên giao dịch hôm nay (28/2), mặc dù nhiều khả năng VN-Index sẽ đối mặt với áp lực rung lắc trở lại quanh vùng ngưỡng 1.250, đà hồi phục của chỉ số được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì dưới sự hỗ trợ của lực cầu tiềm năng tham gia trở lại.
Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh mua từng phần khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ, đặc biệt là các điểm đỡ tương ứng với vùng quanh 1180 (+-10) của VN-Index.
Chứng khoán Mirae Asset khuyến nghị mua cổ phiếu FMC của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta với giá mục tiêu 58.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Mirae Asset, FMC là doanh nghiệp hàng đầu trong chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam, hơn 95% doanh thu đến từ các thị trường xuất khẩu lớn như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản… DN hiện sở hữu 3 nhà máy với công suất chế biến đạt 45.000 tấn/năm và 2 vùng nuôi tôm cung cấp hơn 16.000 tấn/năm, tổng diện tích nuôi trồng hơn 525 ha.
Thị phần nhập khẩu của Nhật Bản tại FMC tăng lên đáng kể, từ 28,1% (năm 2020), 38,9% (2021) lên 43,8% (2022). Mirae Asset kỳ vọng thị trường Nhật Bản sẽ là điểm sáng khi FMC là một trong những DN đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu tôm vào thị trường khó tính như Nhật Bản.
Tháng 7/2023, FMC đã vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, giúp mở rộng vùng nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha. Đồng thời nâng khả năng tự chủ nguyên liệu lên 40%. Kỳ vọng từ năm 2024, vùng nguyên liệu đi vào hoạt động hoàn toàn sẽ làm tăng khả năng tự chủ của FMC, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Năm 2023, FMC ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng sau thuế công ty mẹ lần lượt là 5.087 tỷ đồng và 276 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,1% và 11,9% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, Mirae Asset dự phóng doanh thu và lãi ròng của FMC đạt 5.793 tỷ đồng và 319 tỷ đồng, tăng 13,9% và 15,5% so với cùng kỳ.
Từ những cơ sở trên, Mirae Asset khuyến nghị mua cổ phiếu FMC với giá mục tiêu 58.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu QNS của Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS).
Với dự báo lợi nhuận 2024 tiếp tục ở mức cao lịch sử, cổ phiếu QNS chỉ đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 6,3 lần, thấp hơn 30% so với P/E bình quân kể từ 2019 đến nay.
Ngoài ra, suất cổ tức ở mức 6,3% cũng khá tốt và tỷ lệ cổ tức tiền mặt năm nay có thể sẽ được nới tăng thêm khi doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao trong khi chưa có kế hoạch đầu tư lớn.
Trên cơ sở đó, BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu QNS với giá hợp lý 60.000 đồng/cp, tương ứng với P/E mục tiêu 8 lần.
Được kỳ vọng trở thành khu thể dục thể thao hiện đại bậc nhất TP.HCM, nhưng Khu Liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc sau 30 năm quy hoạch vẫn còn dở dang, được người dân tận dụng làm ao nuôi cá.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu đổi ngoại tệ. Với người dân nên mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng, không mua bán ở thị trường tự do, trái với quy định và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công đề xuất, Chính phủ có chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, hiệu quả thông qua voucher mua sắm. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất, phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân làm đường sắt cao tốc.
Hiện tại ACV đang dần hoàn thiện quy trình, thủ tục để tìm kiếm các nhà thầu thi công loạt gói thầu thuộc Dự án thành phần 3, sân bay Long Thành.
Nếu chào bán thành công gần 50 triệu cổ phiếu, Đồng Tâm Group sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 995 tỷ đồng lên gần 1.493 tỷ đồng.
Các ngân hàng cần kiểm soát, tránh việc lợi dụng hoạt động thu đổi ngoại tệ để giao dịch, mua bán ngoại tệ tự do, vi phạm pháp luật.