Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia theo lộ trình 2026- 2030 với mức thuế lên 100%.
Luật thuế TTĐB hiện hành quy định thuế suất thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên 65%, rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%.
Theo Tờ Trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, rượu bia dù đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình 2016-2018. Tuy nhiên, sức tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá bia rượu tăng chậm.
Bên cạnh đó, hiện nay thuế và giá rượu bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi nhiều nước tỉ trọng thuế rượu bia chiếm 40%-85% giá bán lẻ.
Bộ Tài chính cho rằng, trước mắt cần tiếp tục tăng thuế, để ít nhất tỉ trọng thuế rượu bia chiếm 40% giá bán lẻ.
Theo đó, cần tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB theo phương pháp tính thuế tỉ lệ phần trăm (thuế tương đối) đối với rượu bia để tăng giá bán ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên và bia, từ năm 2026 thuế TTĐB 80%; năm 2027 là 85%; năm 2028 là 90%, năm 2029 là 95%; từ năm 2030 là 100%.
Bộ Tài chính đánh giá, với phương án trên, giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025. Các năm tiếp theo mỗi năm giá sẽ tăng 2%-3% so với năm trước để đảm bảo giá tăng tương ứng mức độ lạm phát và tăng thu nhập.
Bộ Tài chính cho rằng, giải pháp này có hiệu quả tức thì theo phương pháp tăng nhanh và mạnh sau khi Luật có hiệu lực để mang lại hiệu quả ngay trong giảm sử dụng. Nếu tăng từ từ, người sử dụng lại có thời gian để thay đổi, đáp ứng ứng với sự tăng thuế chậm.
Việc tăng thuế làm tăng giá bán, góp phần hạn chế sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này. Từ đó, hạn chế tác hại việc uống rượu bia nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của DN do tác động giảm tiêu thụ.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia nhằm tăng nguồn thu ngân sách không phải là mục tiêu hàng đầu mà là sức khỏe người dân, an toàn xã hội , sự phát triển sức khỏe người Việt trong tương lai.
“Nếu có giải pháp nào để giảm tiêu thụ rượu bia tốt hơn tôi rất ủng hộ. Hiện nay trên thế giới một số quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia rất cao. Nếu Việt Nam chỉ tăng 5% người tiêu dùng vẫn mua bình thường. Do đó, đánh thuế cao để tạo khoảng cách về giá, người tiêu dùng nhận thức có thể sử dụng ít hơn”, TS Thịnh nói.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN) sản xuất, Hội đồng quản trị Tổng Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, năm 2024 ngành bia Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Bên cạnh đó là tác động từ một số chính sách như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100 khiến kết quả kinh doanh các DN chưa đạt như kỳ vọng.
Theo Sabeco, thông tin Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu bia trong dự thảo Luật thuế TTĐB sẽ tiếp tục là một sức ép không nhỏ đến DN trong ngành.
Trong khi đó, Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, DN ngành đồ uống đang chịu rất nhiều khó khăn.
Khảo sát nhanh của một đơn vị tiến hành cuối năm 2020 cho thấy, trước sức ép của dịch COVID-19, có đến 63,7% khách hàng cắt giảm chi tiêu cho rượu bia. Vì vậy, DN đồ uống phải giảm năng lực sản xuất xuống dưới 80% so với trước dịch.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay rủi ro lạm phát gia tăng, chi phí vận hành cao đang là những thách thức lớn đối với các DN. Chưa kể, Nghị định 100 thực hiện gắt gao đã gây nhiều khó khăn không chỉ cho DN đồ uống mà cả chuỗi giá trị của ngành.
"Với đề xuất trên, đây là cú tăng sốc lớn nhất chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tăng thuế TTĐB ngành rượu bia. Các DN vô cùng bất ngờ với đề xuất tăng thuế TTĐB lần này trong bối cảnh bản thân DN đã và đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất"- đại diện VBA nói
Theo VBA, việc tăng thuế TTĐB rượu bia khiến DN vốn khó khăn càng khó khăn hơn, đồng thời sẽ giảm thu ngân sách và việc làm tại các địa phương khi ngành đồ uống đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp khắp cả nước.
Đặc biệt, việc tăng thuế còn tác động tới niềm tin và môi trường đầu tư kinh doanh của các tập đoàn lớn tại Việt Nam.
Bà Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, mục tiêu của chính sách thuế TTĐB rượu bia tại Việt Nam nhằm điều tiết sản lượng tiêu thụ và hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn. Đồng thời, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Qua nghiên cứu của CIEM năm 2020 cho thấy phương pháp thuế tương đối mà Việt Nam đang áp dụng còn nhiều hạn chế, khó đáp ứng được các mục tiêu đề ra của chính sách thuế TTĐB. Do đó, cần xem xét áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp.
Bà Hoài lý giải, nếu tăng thuế TTĐB theo phương pháp tương đối như đang áp dụng khiến giá sản phẩm đồ uống có cồn chính thức trong nước cao hơn tương đối so với các sản phẩm này ở thị trường quốc tế . Như vậy, sẽ thúc đẩy hàng lậu, hàng giả vào thị trường trong nước. Người tiêu dùng khó tiếp cận các sản phẩm hợp pháp, đóng thuế đầy đủ, hàng hóa có chất lượng cao, ít ảnh hưởng hơn tới sức khỏe. Trong khi thúc đẩy họ sử dụng mặt hàng phi chính thức, hàng chất lượng thấp với giá rẻ hơn rất nhiều.
Theo nghiên cứu của CIEM, khu vực đồ uống có cồn phi chính thức chiếm 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất (LPA), 28% tổng giá trị thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam. Trong đó, rượu thủ công phi chính thức chiếm từ 70%- 90%, tương đương khoảng 1.156 triệu USD.
Tổn thất về thuế đối với rượu thủ công gây ra khoảng 751,6 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức.
Ngoài ra, khu vực sản xuất và nhập khẩu bất hợp pháp chiếm khoảng 20% tổng khối lượng khu vực phi chính thức gồm các sản phẩm rượu mạnh, bia được buôn lậu từ biên giới và các sản phẩm được làm giả, pha chế.
“Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân cũng như DN hoạt động kinh doanh hợp pháp mà còn làm thất thoát nguồn thu thuế của nhà nước”, bà Hoài nói.
Bà Hoài cho rằng bên cạnh áp dụng tăng thuế TTĐB, thay đổi phương pháp tính thuế, Nhà nước cần kết hợp những biện pháp khác như giám sát và quản lý tốt hơn khu vực đồ uống có cồn phi chính thức từ khâu sản xuất cho đến tiêu dùng…Từ đó, chính sách thuế đạt được hiệu quả cao nhất.
Theo VBA, DN ngành đồ uống luôn tuân thủ pháp luật, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, ước tính gần 60 ngàn tỉ đồng/năm trong đó thuế TTĐB đối với rượu bia khoảng 56.434 tỉ đồng.
Theo PLO
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
Thời điểm này, dù còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday, nhưng theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, không khí giảm giá sớm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.