Doanh nghiệp Mỹ ngày càng chú trọng đến thị trường Việt Nam
Nguyễn Thụy
06/11/2024 9:25 AM (GMT+7)
Dù ai trong hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris sẽ trở thành Tổng thống Mỹ, Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng với Mỹ, theo AmCham.
Ông Travis Mitchell, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam - TP.HCM (AmCham Việt Nam TP.HCM), khẳng định điều này với phóng viên sáng hôm nay 6/11 tại TP.HCM khi cuộc bầu cử đang diễn ra ở Mỹ tối 5/11 (chưa có kết quả bầu cử).
Ông Travis Mitchell, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam TP.HCM
Hai nước đã thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023. Cuối tháng 10 vừa qua, ông Arun Venkataraman, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ về thị trường toàn cầu, vụ trưởng Dịch vụ thương mại Mỹ và nước ngoài, có chuyến công tác đến Việt Nam, đánh dấu một năm thiết lập quan hệ này.
Ông Venkataraman cho biết Mỹ lạc quan về quan hệ thương mại và kinh tế với Việt Nam sau bầu cử. Lý do là vào đầu năm 2025, nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới tại Nhà Trắng thay cho Tổng thống Joe Biden hiện nay (thuộc Đảng Dân chủ), nhưng quan hệ kinh giữa 2 nước sẽ vẫn tiếp tục phát triển vì cả 2 quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu tăng cường chuỗi cung ứng và đối phó với các thách thức trong an ninh mạng.
Tương tự, ông Mitchell, CEO AmCham Việt Nam TP.HCM, cho biết cộng đồng doanh nghiệp Mỹ khá lạc quan về quan hệ thương mại và đầu tư giữa 2 nước hiện nay và sắp tới.
"Quan hệ kinh tế giữa 2 nước đang phát triển rất mạnh. Trong khảo sát mới nhất của AmCham, tới 69% công ty trả lời họ lạc quan về quan hệ thương mại song phương và nhấn mạnh rằng việc củng cố và tăng cường làm ăn với các công ty Mỹ sẽ mang lại các kết quả kinh doanh khả quan hơn".
Được hỏi về điều các công ty Mỹ mong muốn khi làm ăn ở Việt Nam, ông Mitchell cho biết: "Doanh nghiệp Mỹ cần sự minh bạch, các chính sách rõ ràng và những bước cụ thể để triển khai thự hiện các dự án chứ không nói chung chung".
Ông Travis Mitchell là người có nhiều kinh nghiệm về thương mại quốc tế và đầu tư qua một giai đoạn làm việc dài ở Đông Nam Á.
CEO của AmCham Việt Nam TP.HCM khẳng định Việt Nam đã trở thành một lựa chọn cho các công ty đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn Mỹ, trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất. Vì vậy, FDI từ Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng hơn trước.
Các lĩnh vực được các công ty Mỹ quan tâm ở Việt Nam hiện nay bao gồm các ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, năng lượng sạch (năng lượng tái tạo hoặc phát thải carbon thấp), chăm sóc sức khỏe…
Về năng lượng, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao Quy hoạch điện VIII (PDP VIII) đang thực hiện tại Việt Nam.
PDP VIII thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 vì tăng cường phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Ông Mitchell lưu ý rằng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là quá trình rất dài và nhiều thách thức, đòi hỏi cả Nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp chung tay nỗ lực. Về phía Mỹ, đây chính là thị trường cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất cho Việt Nam hiện nay; các dự án nhiệt điện chạy bằng LNG cũng được nhấn mạnh trong Quy hoạch điện VIII, nhưng hướng tới Net Zero năm 2050 thì tỷ lệ điện từ LNG trong tất cả các nguồn cung sẽ giảm.
Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp mới của Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đoàn đại diện của hơn 50 tập đoàn lớn của Mỹ, bao gồm những cái tên như SpaceX, Netflix và Boeing… đã đến Việt Nam để tìm kiếm thị trường đầu tư và kinh doanh, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào quốc gia khác. Các tập đoàn lớn như Boeing, Google, Walmart cũng không đứng ngoài cuộc khi tìm kiếm mạng lưới cung ứng để phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam.
Bỏ lại đằng sau thời kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, Fed (Cục dự trữ liên bang, tức ngân hàng trung ương Mỹ) đang trong quá trình cắt giảm lãi suất liên tục; và điều này có khả năng sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam vì lãi suất thấp thì việc tiền sinh ra thêm tiền không có lợi bằng việc bỏ vốn ra đầu tư.