Thứ năm, 21/11/2024

Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ

05/11/2024 11:51 AM (GMT+7)

Dù ứng cử viên nào sẽ trở thành tân Tổng thống Mỹ, quan hệ thương mại, đầu tư và kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục phát triển dựa trên những kết quả đã tích lũy được, theo các chuyên gia.

Việt Nam đã xác lập vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các tập đoàn đa quốc gia đã chọn Việt Nam là một địa điểm để phát triển chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng. Vị thế này càng được củng cố qua các khoản đầu tư mở rộng liên tục của các tập đoàn tên tuổi như Samsung, LG, SK Group, Hyosung, Foxconn (đối tác sản xuất lớn nhất của Apple), 2 tập đoàn bán dẫn lớn của Mỹ là Amkor Technology và Marvell Technology, công ty bán dẫn Hana Micron từ Hàn Quốc…

Ngay trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 5/11/2024 (giờ Mỹ), ông Arun Venkataraman, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ về thị trường toàn cầu, vụ trưởng Dịch vụ thương mại Mỹ và nước ngoài, vừa có chuyến công tác đến Việt Nam vào cuối tháng 10. Chuyến đi diễn ra trong thời điểm lịch sử, đánh dấu một năm kể từ khi hai nước Việt Nam - Mỹ thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Quan hệ thương mại, đầu tư giữ Việt Nam và Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ - Ảnh 1.

Đào và xuân đào của California được Việt Nam cho phép nhập khẩu chính thức từ tháng 8/2024. Ảnh: Tường Thụy

Tại TP.HCM, ông Venkataraman cho biết Mỹ lạc quan về quan hệ thương mại và kinh tế với Việt Nam sau bầu cử. Lý do là vào đầu năm 2025, nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới tại Nhà Trắng thay cho Tổng thống Joe Biden hiện nay (thuộc Đảng Dân chủ), nhưng quan hệ kinh giữa 2 nước sẽ vẫn tiếp tục phát triển vì cả 2 quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu tăng cường chuỗi cung ứng và đối phó với các thách thức trong an ninh mạng.

Ông Venkataraman khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội tại thị trường Mỹ, phát triển năng động. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nước này bán công nghệ cho Việt Nam để giúp Việt Nam phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và hướng tới sự thịnh vượng chung.

Quan hệ thương mại, kinh tế ngày càng mở rộng

Tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Alexis Taylor dẫn đầu phái đoàn thương mại nông nghiệp lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam, với sự tham gia của đại diện từ 50 doanh nghiệp Mỹ và 9 Bộ Nông nghiệp của các bang nhằm kỷ niệm một năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa 2 nước.

Trong tháng 6/2024, Đại sứ Mỹ Marc Knapper dẫn đầu một phái đoàn lớn kỷ lục gồm 65 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư "SelectUSA" tại thủ đô Washington, D.C.

Ngoài ra, Đối thoại Kinh tế Đối tác Chiến lược Toàn diện đầu tiên (một diễn đàn mới chuyên thảo luận hợp tác chính sách và kinh tế) cũng được tổ chức trong tháng 6.

Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đang hỗ trợ nền kinh tế số ngày càng phát triển của Việt Nam thông qua Biên bản ghi nhớ được ký kết với Bộ Công Thương cho 1 chương trình mới trị giá 3,2 triệu USD tập trung vào thương mại số.

USAID cũng đã khởi động quan hệ hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng VPBank nhằm mở rộng các cơ hội tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong tháng 8/2024, Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu quả xuân đào và đào từ bang California vào Việt Nam.

Còn trong tháng 11 này, dự kiến một phái đoàn đầu tư của Mỹ sẽ đến Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm về IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), góp ý xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM.

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế bán niên khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) ra tháng 10/2024, Ngân hàng Thế giới – World Bank cho biết xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn 2018 - 2021 tăng trưởng nhanh hơn gần 25% so với các thị trường khác.

Cũng theo báo cáo này, căng thẳng thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách kết nối các đối tác thương mại lớn.

Dự báo về những tác động có thể xảy ra

Trên báo Quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng nếu bà Kamala Harris thắng cử thì sẽ duy trì được sự tiếp nối, kế thừa nhất định trong đường lối chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ và của Tổng thống Joe Biden cho đến nay.

Về ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa, TS Sơn nhận định ông Trump sẽ không ngại đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc, nhất là về kinh tế. "Đặc biệt, cựu Tổng thống Mỹ có thiên hướng sử dụng các công cụ mà chúng ta vẫn gọi là 'vũ khí kinh tế' nhiều hơn so với ông Biden", TS Sơn cho biết.

Quan hệ thương mại, đầu tư giữ Việt Nam và Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ - Ảnh 2.

Một buổi trải nghiệm các loại thực phẩm từ Mỹ được tổ chức tại khách sạn 5 sao Sheraton ở TP.HCM trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại song phương giữa 2 nước. Ảnh: Tường Thụy

Trong báo cáo phân tích cập nhật hôm 4/11 xoay quanh sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận diện một số tác động có thể ảnh hưởng.

Agriseco cho rằng nếu bà Harris đắc cử, các chính sách ôn hòa sẽ không làm thay đổi nhiều về xu hướng kinh tế Việt Nam. Các nhóm ngành xuất khẩu vẫn sẽ hưởng lợi từ xu hướng ủng hộ thương mại đa phương của ứng viên Đảng Dân chủ.

Nếu ông Trump đắc cử, theo Agriseco, sẽ có hiều sự thay đổi trong đó có tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài về Mỹ và Tổng thống của họ có thể can thiệp vào chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang (Fed).

Theo Agriseco, Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của ông Trump. Thứ nhất là chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10-20% với tất cả các nước, gồm Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai là khoảng trống do các hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Trong một phân tích vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB của Singapore, cũng chỉ ra một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt Nam và các nước ASEAN.

Kết quả của cuộc bầu cử ngày 5/11 có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ và theo đó là chính sách tiền tệ, lãi suất và đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nền kinh tế trên toàn thế giới, bao gồm cả Đông Nam Á, sẽ bị ảnh hưởng. Theo chuyên gia của UOB, các chính sách của ứng cử viên Donald Trump có thể dẫn đến một kịch bản lạm phát mới, điều đó có thể góp phần làm cho lãi suất khó điều chỉnh hơn và góp phần củng cố sức mạnh của đồng USD.

Ngược lại, các chính sách kinh tế do bà Kamala Harris - ứng cử viên đảng Dân chủ đề xuất có mục tiêu cụ thể hơn và ít cực đoan hơn.

Không giống như các đề xuất của Trump về việc Tổng thống Mỹ giám sát nhiều hơn đối với các quyết định về chính sách tiền tệ, bà Harris đã ủng hộ sự độc lập đang diễn ra của Fed. Bà cũng không đề xuất bất kỳ biện pháp nào để đơn phương phá giá USD -- là đề xuất mà ông Trump đã đưa ra nhiều lần. Tuy nhiên, ông Heng Koon How dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á sẽ tăng thêm 38% lên 312 tỷ USD vào năm 2027 và lên 373 tỷ USD vào năm 2030.

Ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11, Fed sẽ có cuộc họp chính sách trong 2 ngày 6 và 7/11. Thị trường thế giới kỳ vọng cuối cuộc họp này, Fed sẽ quyết định hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa. Ngày 19/9 vừa qua, Fed đã cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản. Ngoài ra, thế giới còn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 12/2024.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.