Bình luận về vấn đề giá điện, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: Thực tế hiện nay, giá bán điện vẫn còn mang màu sắc bao cấp. Trong khi mấy năm gần đây, chi phí sản xuất điện tăng rất cao, các điều kiện đầu vào như vốn, tỷ giá hối đoái, giá các năng lượng khác… đều tăng cao thì giá điện tại Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp, chỉ tăng hầu như không đáng kể.
“Tinh thần của chúng ta là hỗ trợ người lao động, hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, cách tư duy này phải trả giá bằng câu chuyện thị trường mất cân bằng. Đặc biệt đối với bên sản xuất như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng”, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ý kiến.
Đáng nói, theo ông Thiên, giá điện thấp sẽ khiến tiêu dùng điện nhiều, sử dụng điện lãng phí. Đồng thời, giá quá thấp sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất điện. Và khi đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác dụng đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp thì sẽ không có điện dùng.
Do đó, vị chuyên gia nhấn mạnh giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện còn phần hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng yếu thế trong xã hội cần tách riêng vào phần an sinh xã hội chứ không thể hạch toán vào giá điện như hiện nay bởi “sự bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường”.
Cũng về vấn đề giá điện, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng phải có cách tiếp cận tổng quát. Vấn đề giá điện phải đặt trong tổng thể sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và với tất cả các chủ thể có liên quan.
Theo ông Hiếu, có ít nhất 2 bài toán ở đây. Thứ nhất, đó là bài toán liên quan đến nhà sản xuất điện, nhà phân phối điện, nhà tiêu dùng điện. Trong nhà tiêu dùng điện, lại có các đối tượng khác nhau với các nhóm lợi ích khác nhau.
Như vậy, rõ ràng các chủ thể tham gia vào quan hệ sản xuất, phân phối và sử dụng điện đều có những lợi ích khác nhau, có những nhu cầu ở các khía cạnh khác nhau. Ví dụ, ở giá thành này thì bên này có thể lợi nhưng bên kia thiệt hại. Đó là bài toán rất khó.
Thứ hai, ngoài câu chuyện hài hòa hóa lợi ích của các bên thì về mặt lý thuyết, giá điện được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy một số mục tiêu, chính sách như: phát triển xanh, tiết kiệm tiêu dùng điện…
Nhấn mạnh quan điểm giá điện phải đặt trong một bài toán tổng thể, không nên nhìn ở một góc này hoặc một góc kia, ông Hiếu nói rằng khi nói đến giá điện, chúng ta phải phân định các nguyên tắc rất mạch lạc.
“Tôi cho rằng, tính đúng, tính đủ có thể phù hợp ở một khía cạnh, từ phía nhà sản xuất thôi. Còn để hợp lý phải đặt trong tổng thể bài toán”, ông Hiếu nói.
Nguyên tắc thứ hai, chúng ta phải phân định giữa giá điện nói chung và các chính sách hỗ trợ khác. Theo ông Hiếu, hai câu chuyện này không thể nhập vào làm một.
Ví dụ, nếu giá điện tạm gọi là phù hợp, tính đúng, phản ánh thực tế về nguyên liệu đầu vào, cơ cấu ngành điện… thì giá điện có thể trở nên quá cao với nhóm đối tượng này và trung bình với nhóm đối tượng khác.
Rất khó để có thể xác định một mức giá điện như thế nào là phù hợp cùng với các chính sách hỗ trợ khác cho các nhóm đối tượng sử dụng giá điện như công cụ để thúc đẩy hành vi tiêu dùng.
Theo ông Hiếu, đầu tiên, về mặt phương pháp luận, phải đặt trong tổng thể, hài hòa lợi ích và đặt các công cụ chính sách khác nhau liên quan đến giá điện.
"Chúng ta phải biết được chính xác giá điện thực tế là bao nhiêu. Nếu chúng ta tính thấp thì sẽ không thu hút được nhà sản xuất điện, làm cho các bên tham gia vào sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, thậm chí họ không tham gia. Đầu tiên, chúng ta phải xác định được cơ chế để bảo đảm chính xác giá điện, từ đó chúng ta mới suy ra liệu có cơ chế, chính sách nào khác để thúc đẩy sự cạnh tranh hơn về giá", ông Hiếu nói.
Nếu giá như vậy tác động đến các đối tượng tiêu dùng khác nhau thì phải điều chỉnh chính sách về giá để bảo đảm lợi ích phù hợp cho các bên có liên quan, chứ không nên lẫn lộn. Bởi nếu lẫn lộn, một bên sẽ được lợi, một bên vô hình chung sẽ bị thiệt hại.
Vì vậy ông Hiếu cho rằng, rất khó để chỉ ra cụ thể điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Thị trường điện chia ra thành các phân khúc: nhà sản xuất, nhà phân phối, tiêu dùng. Các công cụ chính sách phải điều tiết lợi ích để không làm cho một bên được hưởng lợi và không gây thiệt hại quá mức cho bên kia, cũng như đạt được các mục tiêu, chính sách khác.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần tập trung vào những điều sau:
Thứ nhất, đối với sản xuất điện, đặc biệt phải rà soát các quy định, làm sao giảm bớt sự độc quyền trong sản xuất và tăng sự cạnh tranh. "Ngoài chi phí sản xuất bình thường - đó là cộng dồn của nguyên vật liệu, phương thức sản xuất… tôi cũng nghe nói, đâu đó chi phí về thủ tục, độ trễ về thủ tục, thủ tục trở nên khó khăn, với nhiều điều kiện, đã hạn chế việc gia nhập thị trường. Như thế sẽ giảm tính cạnh tranh và xu thế độc quyền tăng lên, gia tăng các chi phí khác sẽ cộng vào giá điện".
Thứ hai, liên quan đến phân phối điện, phải tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh trong phân phối.
Thứ ba, các chính sách tiêu dùng phải được rà soát, thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng đó là tiêu dùng tiết kiệm điện. Đó không chỉ là hành vi của người tiêu dùng mà còn cả các chính sách liên quan khác như các sản phẩm tiêu thụ ít nhiên liệu, công nghệ tiêu thụ ít nhiên liệu…
Theo vietnamfinance.vn
Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, An Giang vừa được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngoài lệ phí phải nộp ít hơn so với hình thức trực tiếp, người đổi giấy phép lái xe quốc tế online còn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại khi có thể thực hiện thủ tục và nhận ngay tại nhà. Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp được công nhận tại 85 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên
Bỗng dưng nhận được thông báo phí SMS Banking tăng gấp nhiều lần, không ít người đã quyết định hủy dịch vụ, chuyển sang lựa chọn miễn phí
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024 với chủ đề "Chính sách và hướng tiếp cận nhằm đảm bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành công văn số 9774 tối hôm nay 27/11/2024 để yêu cầu các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.