Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa có văn bản trình Quốc hội và Ủy ban Tài chính Ngân sách; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về một số bất cập và đề xuất sửa đổi về thuế giá trị gia tăng (VAT), nhằm kiểm soát tốt hoạt động giết mổ và hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi trong nước.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, công tác giết mổ và chế biến tập trung công nghiệp các sản phẩm chăn nuôi có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Mức độ phát triển của công nghiệp giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng là thước đo về trình độ khoa học công nghệ và tính chất công nghiệp hóa không chỉ đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp mà rộng hơn là của mỗi quốc gia.
Trong khi đó, nghị quyết của Trung ương và các Bộ, ngành đều chỉ rõ, mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Mục tiêu này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 06/10/2020. Chiến lược yêu cầu: Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng 60% và 40% vào năm 2025, đạt 70% và 50% vào năm 2030; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến công nghiệp/tổng sản lượng thịt, đạt 25-30% vào năm 2025 và 40-50% vào năm 2030.
Trong khi thực tế sản xuất hiện nay, theo số liệu báo cáo của các cơ quan chức năng và khảo sát thực tế, tỷ lệ giết mổ tập trung, nhất là giết mổ công nghiệp đối với gia súc, gia cầm của chúng ta còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 15-25% là giết mổ tập trung, trong đó chỉ có khoảng 5-7% là giết mổ công nghiệp.
So với yêu cầu mục tiêu chung của quá trình công nghiệp hóa đất nước và mục tiêu cụ thể của ngành, hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi không thể đạt được nếu chúng ta không có những chính sách phù hợp và biện pháp chỉ đạo quyết liệt.
Ngoài những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, sự bất hợp lý trong quy định về thuế VAT đối với sản phẩm chăn nuôi sơ chế đang gây khó khăn rất lớn cho các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp. Do đó, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Bỏ quy định tính thuế VAT 5% đối với các sản phẩm chăn nuôi sơ chế, vừa đúng với bản chất của thuế VAT (vì sản phẩm sơ chế, chưa có hoạt động gì làm gia tăng thêm giá trị) vừa tạo công bằng và thuận lợi cho các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh.
Phương án 2: Để mức VAT bằng 0% đối với các sản phẩm chăn nuôi sơ chế sẽ tạo động lực lớn khuyến khích phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Nhiều năm nay, Nhà nước khuyến khích phát triển loại hình giết mổ tập trung, công nghiệp và giết mổ có kiểm soát, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ nào phù hợp nên tình trạng giết mổ thủ công, nhỏ lẻ vẫn là phổ biến. Chính việc để thuế VAT bằng 0% của sản phẩm chăn nuôi sơ chế sẽ là điều kiện bắt buộc và hấp dẫn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào loại hình giết mổ tập trung, công nghiệp hoặc giết mổ thủ công có đăng ký, kiểm soát đảm bảo đủ điều kiện sản xuất kinh doanh để được hưởng khấu trừ đầu vào của hoạt động kinh doanh giết mổ vật nuôi áp dụng có VAT bằng 0%.
"Làm được như vậy, không lâu nữa, Việt Nam sẽ kiểm soát được những vấn nạn của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, như nhiều nước phát triển và đang phát triển đã làm. Điển hình là Trung Quốc, trước đây cũng tình trạng giết mổ tràn lan, nhưng hiện nay mọi hoạt động giết mổ động vật tại Trung Quốc nếu không có đăng ký hoạt động, đều được coi là phạm pháp" - Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định.
Về cơ sở đề xuất 2 phương án nói trên Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2016 thì thuế VAT của sản phẩm chăn nuôi sơ chế, như thịt tươi sống sau giết mổ, pha lóc (thịt nóng) hoặc làm mát, cấp đông... chỉ được miễn VAT 5% khi các doanh nghiệp làm ra bán cho doanh nghiệp hoặc bán cho các HTX. Còn nếu sản phẩm bán cho người tiêu dùng hoặc hộ kinh doanh cá thể (bếp ăn, chế biến giò, chả... là đối tượng tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm chăn nuôi hiện nay) thì lại phải chịu thuế VAT 5%.
Như vậy, sản phẩm giết mổ công nghiệp của các doanh nghiệp, HTX sẽ không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, vừa có giá thành rẻ lại không mất 5% thuế VAT. Cụ thể, giết mổ thủ công giá thành rẻ do bỏ bớt nhiều chi phí đảm bảo chất lượng, an toàn thực, phẩm. Ví dụ, chưa tính nhiều chi phí khác như điện làm mát, cấp đông, trang thiết bị, kho tàng, kiểm dịch...
Chỉ tính riêng chi phí nước sạch đã chênh lệch nhau rất nhiều. Cụ thể: Giết mổ công nghiệp 1m nước chỉ giết mổ được con lợn, trong khi giết mổ thủ công mỗi con lợn chỉ dùng có vài ba gáo nước giếng là xong...
Giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không mất 5% VAT (vì hầu hết các hộ giết mổ vật nuôi khu vực này đều không có hóa đơn, chứng từ) và khu vực này lại đang chiếm tới 80% số lượng vật nuôi giết mổ trên thị trường, nên Nhà nước không thu được bao nhiêu ngân sách từ dòng thuế này.
Một vấn đề bất cập khác, theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong quy định về thuế VAT 5% với sản phẩm chăn nuôi sơ chế hiện nay là không áp dụng với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu - nhóm mặt hàng đang cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Bằng chứng là, sản lượng các loại thịt đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, bình quân từ 15-20%/năm, trong khi thịt các loại sản xuất trong nước chỉ tăng từ 2-3%/năm.
"Nếu cứ đà tăng này thì đến sau năm 2027, khi các dòng thuế suất thuế thịt lợn, thịt gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam trở về mức 0% theo cam kết của các FTA, lúc này, sản phẩm thịt nhập khẩu các loại sẽ lấn át hoàn toàn sản phẩm trong nước và khi đó vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm và sinh kế của hàng chục triệu người chăn nuôi trong nước sẽ là như thế nào?" - Hội Chăn nuôi Việt Nam nêu băn khoăn.
Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định, đây là sắc thuế tuy không lớn, nhưng đang có tác động rất đáng kể đến ngành và người chăn nuôi trong nước, nhất là lĩnh vực giết mổ vật nuôi, vấn đề luôn gây bức xúc đối với xã hội và an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm hiện nay. Vì vậy, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi nhằm góp phần thúc đẩy công nghiệp giết mổ, chế biến trong nước, phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.