Báo cáo mới được công bố bởi SSI Research cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành là 443,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020.
Quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp BĐS (201,9 nghìn tỷ đồng - chiếm 45,5%); sau đó đến các ngân hàng (136,4 nghìn tỷ đồng - chiếm 30,8%); năng lượng và khoáng sản (21,9 nghìn tỷ - chiếm 5,0%); định chế tài chính phi ngân hàng (20,9 nghìn tỷ đồng - chiếm 4,7%); phát triển hạ tầng (17,5 nghìn tỷ - chiếm 3,9%); và các doanh nghiệp khác.
Trong đó, riêng nhóm BĐS, Vingroup có giá trị phát hành TPDN lớn nhất với 18.475 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Công ty CP Osaka Garden - một công ty có liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Masterise, với giá trị phát hành 11.100 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là Công ty CP Hưng Thịnh Land với giá trị phát hành 10.950 tỷ đồng.
"Ông lớn" Novaland xếp vị trí thứ 4 với giá trị trái phiếu phát hành là 10.270 tỷ đồng.
Tiếp theo là Công ty CP Vinpearl với lượng trái phiếu phát hành có giá trị lên tới 9.775 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng nhóm liên quan Vingroup, giá trị trái phiếu phát hành lên tới 28.250 tỷ đồng.
Công ty TNHH Mediterranean - một công ty có liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Masterise, xếp vị trí tiếp theo với giá trị phát hành 7.200 tỷ đồng. Thêm Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương với giá trị phát hành là 4.670 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng nhóm liên quan đến Masterise, giá trị phát hành đã lên tới gần 23.000 tỷ đồng.
Top 10 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2021 còn có những cái tên như: Công ty CP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (7.000 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư GoldenHill (5.760 tỷ đồng); Công ty CP BĐS BIM (5.600 tỷ đồng) và Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (4.700 tỷ đồng).
"Trong quý 3/2021, các doanh nghiệp BĐS tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khi phát hành 85,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm khoảng 4% so với Quý 2 và cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, sự kiện "Evergrande" cũng không làm thị trường trái phiếu BĐS kém sôi động hơn khi chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng giá trị TP BĐS phát hành là 30,4 nghìn tỷ đồng – chiếm 36% tổng lượng phát hành trong quý"… - SSI Research, nhận định.
Nếu xét về lãi suất, trong top 10 doanh nghiệp bất động sản này thì Công ty Cổ phần Osaka Garden hiện đang là doanh nghiệp trả lãi suất trái phiếu cao nhất, lên đến trung bình 13,28%/năm. Một thành viên khác liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Masterise là Công ty CP Hoàng Phú Vương cũng chịu chi lãi suất "khủng" tới 12,9%/năm.
Các lô trái phiếu này được phát hành nhằm mục đích tài trợ cho việc nhận chuyển nhượng một phần dự án Sài Gòn Bình An (TP.HCM) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.
Được biết, SDI Corp trước đây từng được biết đến là thành viên của Tập đoàn Him Lam. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, SDI có dấu hiệu "đổi chủ" khi bà Mai Thị Kim Oanh - Trưởng ban Kiểm soát Mastarise Group – trở thành Chủ tịch HĐQT SDI Corp.
Kế đến, Công ty CP dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn cũng chi trả lãi suất cho lô trái phiếu phát hành khá hấp dẫn ở mức 10,61%/năm. Mục đích phát hành là nhằm bổ sung vốn triển khai dự án Hải Giang Merry Land (TP Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định).
Nhận định về tình hình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, SSI Research, cho hay, nếu loại trừ trái phiếu phát hành quốc tế của Vinpearl và Novaland, lãi suất bình quân các trái phiếu BĐS trong quý 3/2021 là 10,34%/năm. Tính chung 9 tháng 2021, các doanh nghiệp BĐS phát hành 201 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm.
Nhìn chung, kỳ hạn bình quân của trái phiếu BĐS trong 2 năm gần đây là khoảng 3,5 - 4 năm, do vậy áp lực trả nợ gốc sẽ tăng dần trong giai đoạn 2023 – 2025.
Điểm đáng chú ý là tỷ lệ các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu là tương đối cao so với các ngành khác.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp BĐS niêm yết chỉ khoảng 58 nghìn tỷ đồng, tức chiếm khoảng 27% tổng TPDN BĐS phát hành. Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường TPDN chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.
"Riêng với những doanh nghiệp BĐS lớn trên sàn chứng khoán, nhìn chung, áp lực trả lãi và gốc TPDN từ các doanh nghiệp này là không lớn khi dư nợ TPDN chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ thanh toán hiện thời của các doanh nghiệp này cao, cho thấy các DN có đủ tài sản để thanh toán khoản nợ ngắn hạn sắp đáo hạn", chuyên gia của SSI Research, đánh giá.
Báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank nêu bật: Việt Nam là một thị trường bất động sản trọng điểm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và khối ngoại đang chú ý nhiều đến Việt Nam
Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.