Theo Bộ GTVT, việc điều chỉnh Quốc lộ 13 thành đường địa phương là cần thiết và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1454 năm 2021), Quốc lộ 13 được xác định là tuyến đường chính yếu khu vực phía Nam.
Tuyến này nối từ Quốc lộ 1, TP.Thủ Đức (TP.HCM), đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, đến Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) dài 142,2km; được quy hoạch đường cấp II-III với quy mô quy hoạch 4-6 làn xe.
Trong văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ vào tháng 8/2023, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, mật độ đô thị hóa dọc hai bên tuyến Quốc lộ 13 hiện nay rất cao. Nhiều khu công nghiệp, dân cư, trung tâm thương mại dọc tuyến đã và đang hình thành.
Tuyến đường Quốc lộ 13 hiện đóng vai trò trục chính đô thị, tiếp nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn tại nút giao Bàu Bàng, đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Để tạo thuận lợi, chủ động và thống nhất trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng tuyến Quốc lộ 13, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ GTVT thống nhất điều chỉnh Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh thành đường địa phương.
Theo Bộ GTVT, để tạo điều kiện cho địa phương chủ động, thuận lợi trong đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị dọc tuyến, việc điều chỉnh Quốc lộ 13 thành đường địa phương là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương thành đường địa phương như kiến nghị của UBND tỉnh.
Đồng thời giao Bộ GTVT cập nhật điều chỉnh trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định, tổ chức thực hiện các thủ tục điều chỉnh Quốc lộ 13 theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Trường hợp điều chỉnh một số đoạn Quốc lộ 13 thành đường địa phương, cần điều chỉnh lý trình điểm đầu Quốc lộ 13 trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ. Lý trình điểm cuối là Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư cơ bản không thay đổi.
Sau thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997), Bình Dương đã xin phép Chính phủ, thuyết phục Bộ GTVT cho phép được nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Đến năm 2008, Quốc lộ 13 đã được nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh.
Quốc lộ 13 trở thành trục giao thông kết nối Bình Dương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Tuy nhiên, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao, dân số cơ học ngày càng gia tăng dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên trên Quốc lộ 13. Cuối tháng 4/2022, Bình Dương tiếp tục thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.
TP.Thuận An là địa bàn mà phần lớn tuyến Quốc lộ 13 đi ngang qua. Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, dự án mở ra nhiều cơ hội cho thành phố trong việc phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, nâng cao đời sống người dân. TP.Thuận An đã và đang xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư đến địa bàn đầu tư ven trục Quốc lộ 13.
Trước khi đặt kiến nghị với Quốc lộ 13, Bình Dương cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT bàn giao kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Quốc lộ 1K (đoạn qua TP.Dĩ An) cho tỉnh quản lý, để thuận lợi trong việc duy tu, sửa chữa, chỉnh trang đô thị.
Nguyên nhân, từ tháng 10/2020, các trạm BOT trên Quốc lộ 1K đã ngừng thu phí. Song chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên công tác bảo trì, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, mặt đường không đảm bảo.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1K, gây thiệt hại về người và tài sản; khiến người dân lo lắng, bức xúc và nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng giải quyết.
Đến tháng 6/2023, Bộ GTVT ra Quyết định số 704/QĐ-BGTVT điều chỉnh Quốc lộ 1K đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương thành đường địa phương.
Quốc lộ 13 có tổng chiều dài 142,2km, đi qua địa bàn 3 tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước.
Quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn TP.HCM (từ Km 0+000 - Km 1+248), dài 1,2km đã chuyển thành đường đô thị và điều chuyển cho TP.HCM.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài (từ Km 1+248 - Km 62+600) dài 61,3km được Bộ GTVT bàn giao cho UBND tỉnh để tổ chức đầu tư xây dựng và khai thác, bảo trì theo hình thức BOT từ năm 2001.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước (từ Km 62+600 - Km 142+200) dài 79,6km, chia làm hai phần. Trong đó, 58,2km thuộc dự án đầu tư theo hợp đồng BOT do UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền; các đoạn còn lại được Cục Đường bộ Việt Nam ủy quyền cho Sở GTVT Bình Phước trực tiếp quản lý.
Thời điểm này, dù còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday, nhưng theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, không khí giảm giá sớm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday - sự kiện mua sắm lớn nhất năm, nhưng nhiều thương hiệu đã triển khai khuyến mãi sớm thu hút sức mua từ người tiêu dùng, nhất là các chị em.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest đã bị xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng trong năm nay vì nhiều vi phạm trong hoạt động công bố thông tin, lưu giữ hồ sở, cho vay...
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.