Những ngày qua, nhiều tài xế taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất lo lắng trước thông tin Công ty CP Đầu tư TCP (gọi tắt là TCP, chủ đầu tư nhà để xe TCP tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) đã thông báo đến 7 doanh nghiệp taxi hoạt động tại sân bay về giá dịch vụ dành cho taxi truyền thống tại nhà để xe ga quốc nội, mức thu từ 5.000-15.000 đồng/lượt, áp dụng từ ngày 1/4.
Các tài xế lo ngại hành khách có thể "quay lưng" với taxi, bởi nhiều khả năng phải trả thêm mức phí. Bên cạnh đó, việc phải trả thẻ phí ở trạm đầu ra cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng kẹt cứng ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Tài xế Nguyễn Văn Nam (38 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ nếu áp dụng quy định này, nhiều khả năng lượng khách đi taxi vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giảm. Hiện tại, có rất nhiều hãng vận tải đang hoạt động ở sân bay với nhiều mức giá khác nhau. Mặt bằng chung, giá cước taxi đã nằm ở mức cao, nếu còn áp dụng tính thêm phí ra vào sân bay, nhiều khả năng hành khách sẽ "quay lưng" lại.
Trong khi đó, chị Mỹ Quỳnh (35 tuổi, ngụ quận 12) cũng bày tỏ nỗi lo khi phí ra vào với taxi tăng. Người này cho biết thường chọn đi taxi khi rời sân bay vì lúc nào cũng có xe, giá cả cũng không chênh lệch nhiều với xe công nghệ. Giá cước quãng đường về nhà tôi thường mất 40.000-60.000 đồng. Nếu giờ phải trả phí ra vào cho taxi là 25.000 đồng thì khác gì mất thêm nửa số tiền.
Đồng quan điểm, anh Phan Minh (nhân viên kinh doanh) cho biết hiện nay mỗi cuốc xe taxi, khách hàng đã phải trả 10.000 đồng/vé vào sân bay. Sắp tới nếu cộng thêm 15.000 đồng phí cho taxi vào đón tại làn D thì tổng cộng khách phải trả 25.000 đồng/chuyến xe. Điều này sẽ tăng thêm gánh nặng đổ lên vai của hành khách.
"Mọi khi, tôi đón chuyến xe về nhà ở đường Hồng Hà thì mất 50.000 đồng tiền cước xe. Bây giờ, tôi phải trả thêm 25.000 đồng tiền phí taxi ra vào sân bay. Số tiền phí này chiếm tới 50% tiền cước. Đây là con số quá nhiều, không thể bắt khách hàng gánh như vậy được. Nếu bắt hành khách phải trả thêm phí này, tôi sẽ sử dụng dịch vụ của hãng khác", anh Minh cho hay.
Liên quan đến vấn đề thu phí ra vào sân bay với xe taxi, Công ty Cổ phần Đầu tư TCP (TCP) chủ đầu tư nhà để xe sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, việc cho rằng mọi taxi vào sân bay đều phải trả phí khiến cước phí cao hơn là không chính xác. Việc di chuyển vào làn C của taxi vẫn có tuyến đường riêng không đi qua bãi đệm và không phải trả phí cho TCP.
Theo TCP việc thu phí theo lượt chỉ áp dụng đối với các taxi sử dụng bãi đệm và hạ tầng bên trong nhà giữ xe TCP để di chuyển đến làn C hoặc làn D đón khách. Trong đó, làn D nằm hoàn toàn trong khu vực nhà giữ xe TCP nhưng xe taxi truyền thống rất ít khi vào làn D do khách đón taxi hầu hết tập trung ở làn C.
Thời gian qua việc thu phí đỗ xe chờ tại đây dựa trên tỷ lệ số đầu xe đăng ký chạy của các hãng taxi để tính phí thuê. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, việc ra vào bãi đệm để di chuyển đến làn C và D gần như không thể kiểm soát số lượng đầu xe và quá trình di chuyển tồn tại nhiều bất cập, nên tiềm ẩn nhiều vấn đề về an ninh, trật tự và an toàn giao thông trong bãi đệm. Từ thực tế đó TCP sẽ tiến hành kiểm soát số lượng đầu xe, phát thẻ theo lượt xe vào sử dụng bãi đệm và đỗ chờ, rồi di chuyển đến làn C và D để đón khách.
Không đồng tình với thông báo mới, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị giữ nguyên phương án bãi đệm đậu xe taxi ngoài trời như hiện tại. Việc thu tiền theo lượt cũng khiến chi phí các hãng taxi phải bỏ ra tăng rất nhiều so với thuê bãi đậu xe theo tháng.
Ông Tạ Long Hỷ - đại diện của Vinasun, cho biết xe của hãng bình quân 2.000 lượt vào sân bay mỗi ngày. Nếu tính phí theo lượt, hãng phải chi 300-900 triệu đồng/tháng. Trong khi đó hiện tại, giá thuê cố định 7 vị trí của chủ nhà xe cho taxi đậu theo tháng để vào làn C và D đón khách, tổng chi phí gần 12 triệu đồng/tháng.
Việc tăng chi phí ra vào sân bay có thể dẫn đến tình trạng các hãng giảm số lượng xe, giá cước taxi bị đẩy lên cao để bù lại chi phí, ảnh hưởng quyền lợi của khách.
Ông Hỷ cho biết điều quan trọng là cần phải đặt việc phục vụ lên hàng đầu, giúp giải tỏa hành khách ra khỏi sân bay càng nhanh càng tốt. Phương án thu phí mới là không phù hợp, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra vào Tân Sơn Nhất. Các hãng taxi mong muốn có cuộc họp để trao đổi kỹ hơn về thông báo mới này.
TP.HCM triển khai thí điểm ủy quyền cho UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện quyết định biện pháp bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất, chủ sở hữu tài sản khi nhà nước thu hồi đất.
Đường ven sông Sài Gòn là dự án quan trọng vừa mang tính kết nối giao thông vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, nhất là với TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương.
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản ban hành thông báo phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM đang thu hút sự chú ý của giới siêu giàu và nhà đầu tư, nhờ sức tăng GDP mạnh, nên phân khúc bất động sản hạng sang của TP.HCM thành thị trường trọng điểm trong khu vực.
Việc kết nối dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với một số dự án giao thông khác trên địa bàn được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Sau 7 năm dừng thi công khi chỉ hoàn thành 12% giá trị hợp đồng, dự án xây dựng đoạn đường nối từ Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được khởi công trong năm 2025.