Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tăng trưởng năm 2024 dự kiến vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo chuyên đề: "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 và về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương".
Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (4-4,5%), trong khi vẫn thực hiện tăng lương và tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý. Thu ngân sách nhà nước vượt trên 10% dự toán; bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn quy định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Phát triển kết cấu hạ tầng có bước đột phá rõ nét, đã hoàn thành đưa vào khai thác 2.021 km đường bộ cao tốc và đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ trình Quốc hội ban hành 43 luật; Chính phủ ban hành 460 nghị định; theo chương trình Kỳ họp thứ 8 (khai mạc ngày 21/10/2024), dự kiến Quốc hội ban hành 18 luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến 10 luật. Công tác quy hoạch tiếp tục được đẩy mạnh; tăng cường liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các dự án tồn đọng, kéo dài, các ngân hàng yếu kém từng bước được giải quyết căn cơ.
An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện; hỗ trợ trên 68 triệu lượt người lao động và 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí gần 120.000 tỷ đồng. Phát động Quỹ Vaccine, đã huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng để tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân.
Theo Thủ tướng, cả năm 2024, nước ta ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu. Nếu tốc độ tăng trưởng của cả năm 2024 trên 7%, sẽ đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu.
"Đánh giá chung 5 năm 2021-2025, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu và nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, chỉ số phát triển con người được cải thiện, chỉ số hạnh phúc năm 2024 theo đánh giá của Liên Hợp Quốc tăng 11 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển cao hơn; góp phần chứng minh nhận định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Thủ tướng phát biểu.
Năm 2025 sẽ là năm bứt phá, vươn mình
Thủ tướng nêu một số mục tiêu hướng tới trong giai đoạn 2021-2025, như: tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6%/năm, nước ta thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. GDP bình quân đầu người tăng từ khoảng 3.700USD/người (năm 2021) lên khoảng 4.900USD/người vào năm 2025. Quy mô nền kinh tế đến năm 2025 dự kiến khoảng 500 tỷ USD, xếp thứ 33 thế với và thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn này, Việt Nam tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, giải quyết bài toán năng suất lao động, tập trung vào nâng tầm quy mô nền kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, cơ cấu lại nền kinh tế. Việt Nam phấn đấu giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng GDP khoảng 7,5-8,5%. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người khoảng 7.400 USD-7.600 USD.
Nói về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn mang tính chất chiến lược để phát triển hạ tầng đất nước; tạo ra không gian phát triển mới, giá trị gia tăng của đất đai, đi lại thuận lợi cho người dân, cạnh tranh hàng hóa...
Thủ tướng nêu, trước đây khi bàn chuyện này, chúng ta còn khó khăn, GDP bình quân đầu người mới hơn 1.000 USD, GDP hơn 100 tỷ USD nên chưa thực hiện được việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đến nay GDP của Việt Nam đã gấp 3- 4 lần và có dư địa để thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
"Nguồn lực ở đâu? Nguồn lực bao gồm nguồn lực của trung ương, nguồn lực của địa phương, nguồn lực đi vay, nguồn lực phát hành trái phiếu, nguồn lực hợp tác công tư. Rất nhiều, đa dạng hóa để làm và chúng ta có đủ điều kiện để làm", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, với cách làm "như cũ" thì "tầm 50 năm nữa mới xong", nên phải có cách làm mới, đổi mới cách quản trị, quản lý, cách huy động nguồn lực, đặc biệt là tư vấn, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Theo Thủ tướng, đây được coi là công trình biểu tượng ở kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Đẩy mạnh đột phá chiến lược về thể chế trong tư duy mới
Dành thời gian nói về một số bài học kinh nghiệm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phải kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của phát triển; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đặc biệt là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ đầu tiên, rất quan trọng là phải hoàn thành thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Thủ tướng, thể chế vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực để phát triển. Phải đẩy mạnh đột phá chiến lược về thể chế trong tư duy mới, không phải chỉ có mục tiêu quản lý mà còn phải mở rộng không gian phát triển mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng thông tin, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, các dự án tồn đọng, đều thấy có liên quan đến thể chế. Hiện nay chúng ta nhấn mạnh việc tuân thủ theo quy định của pháp luật, những dự án đó làm không đúng theo quy định của pháp luật, nhưng chúng ta yêu cầu không hợp thức hóa cái sai.
"Nhưng những cái đó sai rồi, cần tìm cơ chế để giải quyết, nếu không không thể giải quyết được", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh quan điểm hiện nay, theo như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; cần sự chủ động của các địa phương, các cấp, các ngành chứ không tập trung vào Trung ương. Tiến tới sẽ tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cắt giảm các thủ tục xin, cho...