Thứ năm, 02/05/2024

Tiệm bánh mì có cái tên lạ đời "Chim chạy"

01/11/2023 7:22 PM (GMT+7)

7 năm trước, Trương Thị Minh Hòa từ bỏ công việc văn phòng cùng chồng khởi nghiệp "bánh mì Chim Chạy".

"Hầu như khách nào ghé ăn bánh mì cũng đều thắc mắc cái tên cửa tiệm. Tôi nghĩ ở TP.HCM chỉ duy nhất mỗi chỗ tôi là đặt tên lạ đời như thế, không lẫn vào đâu được", Hòa, 29 tuổi, nói.

Giữa trưa, tiệm bánh mì chưa tới chục mét vuông, lọt thỏm ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, khách đến mua ngày càng đông. Hòa tay lia lịa xẻ bánh, gắp thịt, cho sốt và rau dưa… chỉ 1-2 phút đã xong ổ bánh mì 29.000 đồng cho khách. Cô nói, để có được ổ bánh mì khách ưng ý như hiện tại, hai vợ chồng đã phải trầy trật bao lần thất bại.

Tiệm bánh mì có cái tên lạ đời "Chim chạy" - Ảnh 1.

Trương Thị Minh Hòa bà chủ tiệm bánh mì, bao lần khó khăn nhưng vẫn sống chết với bánh mì. Ảnh: Minh Tâm.

22 tuổi, Hòa đã có được công việc văn phòng ổn định cho một công ty nước ngoài. Hơn nửa năm gắn bó chốn công sở, cô cảm thấy môi trường làm việc không phù hợp và quyết định bỏ việc. Hòa bàn với anh Vũ Trung Đức là chồng mình, cùng nhau khởi nghiệp bánh mì.

Thời ấy, bánh mì chả cá rất được ưa chuộng. Sáng sớm, dọc mỗi tuyến đường Sài Gòn có 2-3 xe đẩy bày bán. Để không đụng hàng, Hòa mất 2 tuần nghĩ ý tưởng bán bánh mì thịt đà điểu. "Đây là loài chim duy nhất biết chạy chứ không bay. Cái tên "Chim Chạy" cũng bắt đầu từ đó", cô chủ bánh mì gốc Sài Gòn nói.

Có trong tay số vốn 100 triệu đồng, Hòa tích góp được nhờ làm thêm thời sinh viên và mấy tháng làm văn phòng, cô đem khởi nghiệp. Đến với bánh mì từ con số 0, hai vợ chồng cứ lao vào bán và không có một kế hoạch cụ thể.

"Hồi đó, tôi ghét bánh mì lắm nhưng lại chọn nó khởi nghiệp. Hai vợ chồng nghĩ đơn giản "dễ mà", bán bánh mì vốn ít nên chắc không lỗ đâu", cô kể.

Tiệm bánh mì có cái tên lạ đời "Chim chạy" - Ảnh 2.

Ổ bánh mì thịt nướng với sự hòa trộn của 4 loại nước xốt: ớt, mayonnaise, mắm và thịt nướng. Ảnh: Minh Tâm.

Tháng 8/2015, Hòa tận dụng mặt bằng tại nhà, trong một con hẻm sâu ở quận 1 bắt đầu mở bán bánh mì. Khi ấy, thịt đà điểu đắt ngang thịt bò nên Hòa buộc phải bán giá cao hơn so với bánh mì thịt truyền thống, một ổ có giá 23.000 đồng.

"Ngày đầu tiên, tôi bán được 200 ổ bánh mì, cứ nghĩ vậy là ngon nên hớn hở tiếp tục", Hòa nhớ lại.

Thời đó chưa phổ biến dịch vụ bán qua app như bây giờ, anh Đức cùng ba vợ thay nhau đi giao bánh mì cho khách. Sau 3 tuần đầu, số lượng khách đặt ngày một nhiều, trong khi chỉ có hai người giao hàng. "Có khách đợi cả tiếng mới ăn được ổ bánh mì, dần dần họ bỏ mình không quay lại", anh Đức, 30 tuổi, chồng Hòa, nói.

Cái tên "Chim Chạy" ban đầu cũng là rào cản lớn đối với tiệm bánh của Hòa. Cô cho biết, thời gian đầu mọi người đi ngang hay ghẹo "Chim Chạy kìa". Một số người thì tò mò đến nhìn tên quán nhưng không dám mua. Họ sợ bị chọc vì mua bánh mì ở tiệm có cái tên "quê mùa".

Tiệm bánh mì có cái tên lạ đời "Chim chạy" - Ảnh 3.

Tiệm bánh mì của Hòa mở cửa từ 6h sáng đến 8h tối, đông nhất là khung giờ sáng và trưa. Ảnh: Minh Tâm.

Ba tháng khởi nghiệp, vốn 100 triệu cô bỏ ra hết sạch cho việc mua nguyên liệu, máy móc, xe đẩy bán bánh mì. Vậy mà khách không mấy ưng công thức làm bánh vì quá khô. Đỉnh điểm, khoảng thời gian kéo dài hơn một tháng, từ 7h sáng đến 7h tối Hòa chỉ bán được 10 ổ bánh mì.

Cô nhớ, giai đoạn đó hai vợ chồng rơi vào căng thẳng thật sự. Hòa bàn với chồng: "Hay là mình dừng lại, trở về công việc trước kia". Nhưng anh Đức đã vực dậy tinh thần cho vợ và cả hai cùng ngồi lại giải quyết vấn đề.

Thời gian đó, việc kinh doanh của Hòa cũng không được mẹ ủng hộ. Cả hai cứ cãi nhau liên tục. Cô Trương Thị Phương Mỹ, 60 tuổi (mẹ Hòa) kể, ban đầu chỉ muốn con gái tiếp tục học lên cao để có công việc tốt hơn. Cô không đành lòng nhìn con tối ngày chỉ cắm đầu vào bánh mì.

"Con bé nó bướng, nếu đã quyết là mình không cản được. Mấy lần nhìn thấy hai vợ chồng cứ làm từ 9h sáng hôm nay cho tới 3h sáng hôm sau mới đi ngủ. Nhìn con cực tôi sót lắm. Tôi đã khóc nhiều lần với con khi nhắc tới chuyện khuyên con từ bỏ, nhưng nó một hai sống chết với bánh mì", bà Mỹ đến giờ giọng vẫn còn nghẹn khi nhắc lại.

Tiệm bánh mì có cái tên lạ đời "Chim chạy" - Ảnh 4.

Bánh mì luôn được Hòa làm giòn trước khi cho nhân vào. Ảnh: Minh Tâm.

Hòa kể, sau ba tháng bất ổn, cô chọn cách nghỉ bán 2 tuần, đi tìm lời giải cho bánh mì của mình. Hai vợ chồng đèo nhau khắp Sài Gòn ăn bánh mì ở các thương hiệu nổi tiếng. Nghe bạn bè giới thiệu Đà Lạt, Nha Trang có nước xốt làm bánh mì không khô, họ lại chở nhau đến tận nơi để thử và xem bí quyết là gì mà luôn hút khách.

"Thời điểm đó, hầu như ngày nào tôi cũng ăn bánh mì thay cơm. Bây giờ nhớ lại vẫn còn ám ảnh", Hòa nói.

May thay, sau 2 tuần rong ruổi khắp nơi, họ nhận ra được sự khác biệt bánh mì của mình và các thương hiệu khác, đó là nước xốt. Cô kể, để bánh mì ăn ngon, lớp vỏ bên ngoài phải giòn, bên trong phải ẩm, không khô. Để làm được vậy thì phải có nước xốt chất lượng.

Trở về Sài Gòn, hai vợ chồng lao đầu vào thử nghiệm công thức mới. "Nhiều ngày liên tiếp phải ăn bánh mì, đến độ tôi chỉ cắn xong nhả ra chứ không thể nuốt nổi", Hòa nhớ lại.

Cuối cùng, họ cũng tìm được chân ái cho nước xốt bánh mì của riêng mình. Thay vì bán bánh mì thịt đà điểu như ban đầu, Hòa quyết định thay đổi, bán bánh mì thịt nướng và gà xé.

Bán trở lại, Hòa được khách đón nhận, bánh mì hết sớm chỉ mới 8h sáng. "Mình cứ nghĩ vậy là đã thành công mà ngủ quên trên chiến thắng, mừng quá dọn hàng về. Sau này mới biết đó là điều tối kị trong kinh doanh, làm vậy dễ mất khách", cô nói.

Hòa kể, thời điểm ấy chỉ muốn ước được ngủ chứ chẳng muốn làm gì riêng cho mình. Hết vốn, đến nỗi 15.000 dành ăn sáng đôi khi cô cũng tiếc. "Mọi thứ đều phải tích góp đổ vào tiệm bánh. Tôi phải tranh thủ làm thêm công việc bên ngoài để có tiền xoay vốn", cô nói.

Sau lần thất bại ấy, vợ chồng Hòa luôn cẩn thận lắng nghe đóng góp của khách và tìm cách điều chỉnh công thức mỗi tuần để có nước xốt hoàn thiện như hôm nay. Đợt dịch 2021, tiệm bánh của vợ chồng cô phải đóng cửa ba tháng liên tục.

Khoảng thời gian đó không kiếm ra tiền, mỗi tháng vợ chồng Hòa phải chi trả 50 triệu tiền mặt bằng và chi phí cho nhân viên ở lại. "Hoảng hồn cứ ngỡ dẹp tiệm lần nữa mà muốn xỉu. Nhưng trộm vía, trời thương thành phố mở cửa trở lại, tôi tiếp tục kinh doanh đến hôm nay", Hòa tâm sự.

Tiệm bánh mì có cái tên lạ đời "Chim chạy" - Ảnh 6.

Anh Dũng khách quen của Hòa hơn một năm nay, mỗi tuần anh ghé ít nhất 2 lần. Ảnh: Minh Tâm.

Hơn một năm qua anh Dũng làm nhân viên văn phòng gần tiệm bánh mì của Hòa, trung bình mỗi tuần anh ăn ít nhất 2 lần. Anh cho biết, lần đầu nghe bạn ở công ty nói qua ăn bánh mì "Chim Chạy", anh cứ tưởng đùa vì nghe tên lạ quá.

"Khi bạn mua về văn phòng, mình mới biết là có tiệm bánh mì này thật. Mình thích ăn bánh mì thịt heo nướng ở đây, vị hợp với mình, nhất là nước xốt ngon. Giá tuy cao hơn nơi khác một chút nhưng chất lượng và nhiều nhân", anh Dũng chia sẻ.

Còn Phan Lưu Minh Phúc ở TP Thủ Đức cho biết, mấy tháng trước tình cờ ghé tiệm mua bánh mì ăn chóng đói và thấy ấn tượng với vị bánh mì nơi đây. Hầu như tuần nào anh cũng ghé đây mua 2-3 lần.

"Bánh mì ở đây không nói là ngon nhất nhưng rất vừa miệng với tôi. Với cái tên tiệm bánh cũng hay hay, "Chim Chạy" kiểu hợp với nhịp sống Sài Gòn, mua xong chạy đi ngay", Phúc nói.

Tiệm bánh mì có cái tên lạ đời "Chim chạy" - Ảnh 7.

Mới đây, Hòa mở thêm chi nhánh tại đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3. Ảnh: Minh Tâm

Khó khăn đi qua, giờ đây Hòa thấy vui khi mỗi lần nhận phản hồi bánh mì ngon từ khách. Cô còn nhớ cách đây hơn nửa năm, có một đoàn khách người Mỹ đến ăn bánh mì. Trước khi ra về, một người đàn ông chạy đến xúc động nói Hòa: "Đây là ổ bánh mì ngon nhất trong đời tao, cảm ơn mày rất nhiều".

Hay có một vị khách nước ngoài khác, họ ăn tận 5 ổ bánh mì và muốn ăn thêm. Hòa không bán vì sợ khách bội thực, khi trả tiền họ bo thêm 50.000 đồng. "Đến giờ tôi vẫn giữ tờ tiền ấy để làm kỷ niệm", cô nói.

Nhìn lại chặng đường 7 năm khởi nghiệp bánh mì, Hòa nói đùa: "Nếu mà biết cực vậy chắc sẽ không làm đâu". Ban đầu cô chỉ kinh doanh bánh mì vì tiền. Sau thời gian dài nếm trái đắng vì nó, cô đã yêu lúc nào không hay.

Hiện tại, Hòa đã mở được 3 tiệm ở gần chợ Thái Bình, đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) và Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) hồi tháng 7 vừa qua.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Người dân trở lại TP.HCM sau lễ: Phía Đông thoáng, kẹt xe hướng miền Tây

Người dân trở lại TP.HCM sau lễ: Phía Đông thoáng, kẹt xe hướng miền Tây

Trong khi cửa ngõ phía Tây ùn ứ cục bộ, phương tiện nhúc nhích từng chút thì cửa ngõ phía Đông TP.HCM lại khá "dễ thở".

Diễn biến mới của thị trường nhà ở phía Nam

Diễn biến mới của thị trường nhà ở phía Nam

Thị trường nhà ở phía Nam bắt đầu đón nhận những tín hiệu tín hiệu tích cực nhờ động thái mới của các chủ đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đảm bảo pháp lý.

Du lịch làm lực đẩy cho bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng

Du lịch làm lực đẩy cho bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng

Nhờ đóng góp của ngành du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 năm nay tăng 2% so với tháng 3 và tăng 9% so với tháng 4/2023, theo Tổng cục Thống kê.

Người sáng lập Ngân hàng ACB qua đời

Người sáng lập Ngân hàng ACB qua đời

Ông Trần Mộng Hùng, nhà sáng lập ACB và Chủ tịch HĐQT đầu tiên của ngân hàng này, vừa mất. Ông Hùng là cha của ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB hiện nay.

Đây là lĩnh vực hút hơn 3/4 vốn FDI qua 4 tháng

Đây là lĩnh vực hút hơn 3/4 vốn FDI qua 4 tháng

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một phần lớn được dồn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

TP.HCM: Đúng đối tượng mới được mua nhà ở xã hội

TP.HCM: Đúng đối tượng mới được mua nhà ở xã hội

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị phối hợp, tăng cường chế độ hậu kiểm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để hạn chế phát sinh tiêu cực.