Từ cuối năm 2021, xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó, thanh long ùn ứ hàng tấn hàng. Đã có nhiều đợt kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ từ thị trường nội địa.
Đến giờ, xuất khẩu thanh long tươi vẫn gặp khó. Nông dân đang tự tay phá bỏ vườn thanh long ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Trong một lần trao đổi với PV báo Thế Giới Tiếp Thị, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, việc kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ thanh long không giải quyết được vấn đề. Có khi còn gây ức chế cho người dùng, và nhiều hệ lụy khác.
Ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu, cần phải có cách tiếp thị tốt hơn cho trái thanh long tươi ở ngay thị trường trong nước.
Ông Tùng nhắc đến cách làm của Thái Lan khi họ bán được trái dừa khô với giá rất cao. Vấn đề là người Thái không bán nguyên cả trái dừa.
Ông Tùng kể rất bất ngờ khi thấy ở nhiều nhà hàng, hầu như món ăn nào của Thái Lan cũng gắn lên 1 sợi cơm dừa sấy khô, chỉ nhỏ bằng que tăm.
Sợi cơm dừa sấy khô này ăn kèm với bánh, với thức ăn cũng được hoặc chỉ để ngắm cho vui mắt cũng được. Nghĩa là ăn hay không ăn, khách hàng vẫn phải trả tiền cho sợi cơm dừa trong phần thức ăn đã gọi.
"Ngẫm kỹ lại, tôi thấy đó là cách mà đầu bếp hoặc Chính phủ Thái đang tiêu thụ giúp trái dừa khô cho nông dân của họ", ông Tùng nói.
Một ví dụ khác, cũng ở Thái Lan, nhưng lần này là trong khách sạn. Theo quan sát của ông Tùng, hầu hết các khách sạn ở Thái đều phục vụ nước giải khát là nước ép trái cây tươi.
Nông dân trồng thanh long ở Bình Thuật chặt bỏ trái thanh long vì không tiêu thụ được. Ảnh: Trần Khánh
Nước ép này có thể làm từ trái cây tươi không đủ chuẩn xuất khẩu. Và đương nhiên, giá tiền một ly nước ép đã được tính chung trong giá phòng khách sạn mà du khách chi trả.
Đó cũng là cách Thái Lan giúp tiêu thụ một phần sản lượng trái cây tươi. Ngược lại, rất nhiều khách sạn ở trong nước lại phục vụ món nước trái cây chế biến từ ...bột hòa tan.
Ông Tùng cho rằng đó là cách làm rất dở. Vì khi các nước không tiêu thụ hết trái cây tươi, mới chế biến thành dạng bột. Việt Nam lại mua gói bột đó về để phục vụ du khách trong khi trái cây tươi trong nước không hề thiếu.
Cứ mỗi đợt ùn ứ nông sản, từ chính quyền, hội đoàn thể tới nông dân lại kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ. "Cả nước làm ra hàng ngàn tấn thanh long. Một ngày thì không sao, chứ ngày nào cũng cả ký thanh long, ai mà ăn cho nổi", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, những cách làm của Thái Lan cũng có thể tương kế tựu kế được với trái thanh long, cùng với nhiều loại trái cây khác trong nước.
Thanh long có thể là món ăn phụ đi kèm, để tráng miệng. Món ăn phụ thì ít thôi, nhưng làm nhiều lần, và thực hiện trong thời gian dài như một thói quen.
"Tất nhiên, việc thay đổi cách tiếp thị cho thanh long nói riêng, trái cây tươi nói chung đòi hỏi cách nghĩ mang tính tư duy toàn xã hội. Và cách làm phải chung tay từ cả nhiều phía", ông Tùng chia sẻ.
Trong chuyến công tác mới đây ở tỉnh Bến Tre, chúng tôi bất ngờ nhìn thấy những cách làm rất cụ thể từ những ví dụ mà ông Tùng đã kể.
Trong bữa ăn tối ở Ben Tre Riverside Resort (TP.Bến Tre), cá chẽm sốt chua ngọt là một trong những món chính của bữa ăn.
Cá chẽm cũng là 1 trong những đặc sản của Bến Tre. Thế nhưng, chúng tôi chú ý nhiều hơn đến những lát thanh long xắt mỏng, trang trí quanh con cá chẽm.
Nhân viên phục vụ kể với chúng tôi, món cá chẽm thì nhiều nơi có. Nhưng từ sau dịch Covid-19, thanh long trang trí kèm theo cá chẽm là cách mà khách sạn muốn làm mới món ăn của mình.
Đến khi về nhận phòng, chúng tôi lại nhìn thấy những chai nước ép trái cây với màu sắc tươi ngon đặt sẵn trong phòng. Đây là những sản phẩm mới của HTX Bưởi da xanh Bến Tre, khi họ vừa mới hoàn thiện dây chuyền chế biến nước ép trái cây của mình.
Ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch HĐQT HTX Bưởi da xanh Bến Tre kể, đây là sản phẩm mới nên HTX tiếp thị sản phẩm của mình với giá miễn phí khi đưa vào khách sạn.
Ngoài bưởi da xanh, HTX còn liên kết tiêu thụ nhiều loại trái cây tươi khác như thanh long, xoài... của các HTX khác, thông qua dây chuyền chế biến. "Đó là cách chúng tôi tiêu thụ nhiều hơn, và làm giá trị trái cây tươi tăng cao hơn", ông Bảo nói.
Đem câu chuyện trên trở ngược ra Bình Thuận, kỹ sư nông nghiệp Trần Minh Tân - Nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận cho biết, địa phương không thiếu sản phẩm chế biến từ thanh long.
Tuy nhiên, theo kỹ sư Tân, chế biến ra sản phẩm mới từ thanh long là một chuyện. Bán được sản phẩm mới lại là một câu chuyện khác, đòi hỏi kế hoạch kinh doanh và tiếp thị bài bản.
Rõ ràng, ngành nông nghiệp cần thêm nhiều nhà máy chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để góp phần giảm tải áp lực cho trái cây tươi. "Nhưng có một thực tế là nông dân phải cải thiện hơn nữa chất lượng trái cây của mình", kỹ sư Tân nói.
Đã có nhiều phản hồi về trái thanh long ruột trắng đang bị chua, chứ không còn ngon, ngọt như nhiều năm về trước. Đó là hệ quả của việc chạy đua sản lượng và nông dân tăng cường bón phân để kích thích cho vỏ trái căng bóng.
Sau 2-3 ngày, nông dân phải vội vàng cắt bán vì để lâu sẽ bị nứt vỏ. Như thế trái thanh long có mẫu mã đẹp nhưng độ ngọt không đạt chuẩn.
Theo kỹ sư Tân, không phải cứ cân ký bán xong là hết trách nhiệm, chính nông dân phải đặt mình ở vị trí người dùng. Trái thanh long bị chua thì ai ăn? Trái thanh long bị chua thì làm sao đỏi hỏi nhà máy thu mua chế biến làm nước ép?
Vì thế, theo kỹ sư Tân, nếu nông dân không thay đổi phương thức sản xuất thì chính họ đang đánh mất giá trị và thương hiệu thanh long Bình Thuận.
"Đến ngay nhà máy và người dùng trong nước còn không chấp nhận thì làm sao tiếp thị thanh long trong nước ra thị trường thế giới được", kỹ sư Tân đặt vấn đề.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
Thời điểm này, dù còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday, nhưng theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, không khí giảm giá sớm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday - sự kiện mua sắm lớn nhất năm, nhưng nhiều thương hiệu đã triển khai khuyến mãi sớm thu hút sức mua từ người tiêu dùng, nhất là các chị em.