Hơn 10 năm chờ đợi, cuối cùng người dân đã lần đầu trải nghiệm toàn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Khởi công năm 2012, tuyến metro số 1 dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến Depot Long Bình (TP. Thủ Đức) với ba ga ngầm và 11 ga trên cao.
Năm 2007, tuyến metro này được phê duyệt với tổng mức đầu tư 17.388 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2011, dự án phải điều chỉnh lên hơn 47.325 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Sau nhiều lần trễ hẹn, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành dự án cuối năm 2023, đưa vào khai thác năm 2024.
17 đoàn tàu metro số 1 đều sản xuất tại Nhật Bản, vỏ tàu làm bằng hợp kim nhôm, sơn màu chủ đạo xanh dương. Mỗi đoàn tàu có 3 toa, chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tốc độ tối đa tàu là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm).
Tuy nhiên, với khoảng cách trung bình giữa các ga chỉ hơn 1 km nên khi khai thác, các tàu dự kiến chạy khoảng 40 km/h.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến giá vé đi lại tuyến metro số 1 từ 12.000 - 18.000 đồng/lượt. Cụ thể, vé lượt thấp nhất cho chặng 5km là 12.000 đồng và chặng trên 15km là 18.000 đồng. Ngoài ra, giá vé 1 ngày 40.000 đồng, vé 3 ngày 90.000 đồng, vé tháng 260.000 đồng.
Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017, đưa vào vận hành khai thác năm 2018. Nhưng phải tiếp tục lùi thời gian hoàn thành đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, rồi lại lùi đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, các mốc thời hạn này liên tiếp hoãn. UBND TP.HCM liên tục kiến nghị lùi thời gian hoàn thành và chốt vào cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: "Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên trong cả nước, nên cũng có rất nhiều khó khăn, việc thử nghiệm có thể mất nhiều thời gian hơn chúng tôi nghĩ. Hiện đang để thời gian thử nghiệm là 3 tháng nhưng cũng có thể sẽ lâu hơn".
Hiện tiến độ của toàn tuyến đã đạt trên 96%, nhưng vài phần trăm tiến độ còn lại là phần thử nghiệm, đánh giá, nghiệm thu. Đây là phần mấu chốt. Chỉ một chi tiết không đạt là có thể ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, thành phố, các cơ quan ban ngành liên quan đã nhìn thấy rõ những khó khăn này. Tất cả đều đang nỗ lực hết sức để dự án đảm bảo thời gian hoàn thiện. Từ nay đến cuối năm 2023 sẽ là giai đoạn nước rút, để có thể đi vào hoạt động vào năm 2024.
Chứng kiến tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được tiến hành chạy thử ngày 28/8, ông Nguyễn Mạnh Trường ngụ đường Võ Nguyên Giáp, TP.Thủ Đức vui mừng vì sắp được đi làm ở cơ quan có trụ sở tại quận 1.
"Bây giờ, thấy đoàn tàu vận hành thử trơn tru, quả thật tôi rất mừng. Hy vọng, tuyến metro số 1 về đích đúng tiến độ, để mọi người cùng trải nghiệm, cùng thoát cảnh ùn tắc khi di chuyển bằng xe máy", ông Trường kỳ vọng.
Trong khi đó, chị Phan Ngọc Minh Nhi ở Thảo Điền (TP Thủ Đức), cho biết: "Sự mong chờ này không riêng gì cho tiện lợi của bản thân chị vì sẽ được đi làm bằng metro, mà đó là sự mong chờ chung cho người dân thành phố. Ai cũng hiểu rằng một đô thị hiện đại hướng đến đô thị thông minh như TP.HCM thì loại hình vận tải hành khách bằng metro là không thể thiếu. Metro số 1 sớm hoàn thiện ngày nào thì ngày đó sẽ thêm cơ hội bứt phá cho thành phố".
Ngoài bày tỏ niềm vui khi đoàn tàu metro số 1 vận hành thử trơn tru, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị còn cho rằng sự xuất hiện của metro trên nền tảng đô thị cũng giúp TP.HCM có cơ hội tái cấu trúc không gian đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Bởi một khi tuyến đường sắt đô thị vận hành, hệ thống này sẽ tác động mạnh đến không gian đô thị xung quanh, các ga, đến dọc tuyến đường sắt và trở thành trọng tâm để phát triển của thành phố.
Các tuyến tàu điện ngầm metro ở bất kỳ đô thị lớn nào trên thế giới đều là giải pháp chủ lực để giải quyết bài toán giao thông công cộng. Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến metro kết nối giao thông công cộng cả thành phố.
Ngoài không gian ngầm ở các nhà ga, TP.HCM đã quy hoạch hàng loạt khu đô thị chức năng quanh các nhà ga dọc metro số 1. Toàn bộ khu vực nằm trọn trong phạm vi 11 phường của TP Thủ Ðức, điểm đầu là cầu Sài Gòn, cuối tuyến là Công viên Lịch sử Văn hóa các dân tộc với chiều dài 14,83 km, diện tích hơn 577 ha.
Theo đó, có 9 khu đô thị nằm xung quanh các nhà ga metro số 1: Khu A - Thảo Ðiền (phường Thảo Ðiền), Khu B - An Phú (phường An Phú), Khu C - Rạch Chiếc (phường An Phú), Khu D - Phước Long (phường Trường Thọ), Khu E - Bình Thái (phường Trường Thọ), Khu F - Thủ Ðức (phường Bình Thọ), Khu H - Công nghệ cao (phường Linh Trung), Khu K - Suối Tiên (phường Tân Phú), Khu L - Bến xe Miền Ðông mới (phường Long Bình).
Các khu đô thị trên được quy hoạch với mục tiêu khuyến khích phát triển những công trình đa chức năng, khu nhà ở cao tầng xung quanh ga trong bán kính 200-400 m.
Khu vực quảng trường các nhà ga được quy hoạch phát triển những tuyến phố đi bộ, bãi xe, công viên... phục vụ người dân.
Khu đô thị duy nhất bên ngoài ga metro số 1 là khu G - Nhà máy Nước Thủ Ðức (phường Hiệp Phú), sẽ được quy hoạch để cải tạo bộ mặt các lô nhà phố, bằng quy định về tầng cao, khoảng lùi, tầng cao tối đa 20.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo rõ việc nghiên cứu, triển khai phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo.
TP.HCM đã đạt được độ bao phủ vaccine sởi hơn 95%. Kết quả này giúp kiểm soát dịch sởi ở thành phố, nhưng có thể xuất hiện chùm ca bệnh sởi ở nơi tỷ lệ tiêm thấp.
Quý 3 vừa qua, giá căn hộ chung cư mở bán mới tại TP.HCM trung bình giảm 12% xuống còn 68 triệu đồng/m2.
Một số hãng xe Trung Quốc cho thấy sự quyết tâm và nghiêm túc trong việc chinh phục thị trường Việt bằng các hành động xây dựng nhà máy, mở rộng đại lý phân phối sản phẩm và các linh kiện, phụ tùng.
Với thiết kế nhẹ nhàng, đa năng và thanh lịch, cardigan mỏng không chỉ giúp bạn giữ ấm mà còn nâng tầm phong cách của bạn lên một cấp độ mới.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) tiếp tục khuyến cáo người dân sử dụng camera giám sát đảm bảo quy chuẩn Việt Nam để được đảm bảo an toàn thông tin.