Các lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics đang nổi lên thành những nơi đón nhiều dòng vốn trong thị trường M&A Việt Nam. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 được Báo Đầu tư tổ chức chiều và tối hôm nay 27/11 tại TP.HCM dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo thông tin tại diễn đàn, thị trường M&A được dự báo sẽ sôi động trở lại sau giai đoạn trầm lắng vừa qua vì các khó khăn trong nền kinh tế thế giới.
Theo lý giải của các chuyên gia, bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính, logistics… là các lĩnh vực với nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam, do đó cũng là trọng tâm của thị trường M&A.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết việc thị trường M&A quốc tế suy giảm trong giai đoạn vừa qua và hiện nay chủ yếu là do xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, nhà tư vấn chiến lược này nhận định: "Thị trường M&A tiếp tục tích lũy năng lượng trong năm 2024 để chờ một cú bùng nổ trong năm 2025".
Theo ông Ái, 2 xu hướng quan trọng và nổi bật hiện nay trong nền kinh tế Việt Nam là xanh hóa và số hóa, và cả hai đều quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nguồn gốc năng lượng và việc sử dụng năng lượng xanh. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế về thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây là cơ chế vô cùng quan trọng vì góp phần thúc đẩy đầu tư – cả quốc tế và trong nước – vào các dự án năng lượng tái tạo.
Bối cảnh của chuyển đổi xanh và kinh tế xanh là Việt Nam đã cam kết đạt trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050.
Cũng liên quan đến chuyển đổi xanh, vốn là chuyện thời sự toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị); và Việt Nam đang tăng cường chú ý các yếu tố này.
Quá trình chuyển đổi số của cả nền kinh tế cũng thu hút nhiều quan tâm, trong đó, không ít công ty nước ngoài đã và đang thành lập các trung tâm xử lý dữ liệu (data center) tại Việt Nam để tận dụng lao động lành nghề với chi phí lao động hợp lý.
Cũng liên quan đến chuyển đổi số, ngành trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây cũng rất được quan tâm.
Đối với bất động sản, theo ông David Jackson, Tổng Giám đốc công ty tư vấn bất động sản Avison Young Việt Nam, các phân khúc chủ đạo trong M&A được dự báo sẽ tiếp tục là bất động sản công nghiệp, logistics, nhà ở thương mại, văn phòng và dự án phức hợp.
Theo ông Jackson, các luật mới của Việt Nam liên quan đến bất động sản được xem là tạo thêm lực đẩy cho ngành bất động sản.
Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam nhận định: "Các luật mới này giúp rút ngắn thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi của các bên, hứa hẹn môi trường đầu tư ổn định và minh bạch hơn. Vì vậy, giới đầu tư quốc tế vẫn duy trì triển vọng lạc quan về kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam ít nhất trong 5 - 10 năm tới, vì thế sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng và đa dạng hóa danh mục đầu tư bất động sản ở Việt Nam".
Theo "Báo cáo Giao dịch" của MSCI Real Capital Analytics, tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam ghi nhận 24 giao dịch M&A trong bất động sản. Nhìn chung, hoạt động M&A tại Việt Nam được thúc đẩy nhờ đòn bẩy về tăng trưởng kinh tế tích cực, chính trị ổn định, khung pháp lý và hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài duy trì tầm nhìn lạc quan dài hạn về thị trường Việt Nam và tích cực tìm kiếm cơ hội để gia nhập thị trường hay tăng cường hoạt động tại đây.
Trong 24 giao dịch M&A bất động sản do MSCI Real Capital Analytics báo cáo, ông Jackson cho biết hơn một nửa (cụ thể là 15 thương vụ) là dự án chưa phát triển và sẽ được xây dựng thành nhà ở, khu thương mại hay kết hợp thương mại với công nghiệp.
Đứng thứ hai (8 thương vụ) là phân khúc bất động sản công nghiệp, cụ thể là các dự án kho bãi và tập trung ở TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam và Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh ở phía Bắc.
Ngoài việc mua bán hay sáp nhập, hoạt động đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam còn diễn ra dưới hình thức hợp tác góp vốn và mua cổ phần dự án, tiêu biểu là nhóm 3 công ty Nhật Bản – Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và NTT Group – đang hợp tác với Tập đoàn Kim Oanh để cùng phát triển The One World trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương.
Ngoài ra, theo nhận định của ông Phạm Duy Khương, luật sư điều hành tại Công ty Luật ASL, xu hướng M&A năm 2025 có thể sẽ tập trung vào những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các công ty sản xuất, công nghệ cao, năng lượng sạch...
Đơn cử, tập đoàn công nghiệp đa ngành Sembcorp từ Singapore đã mua lại phần lớn vốn góp tại 3 công ty con đang phát triển năng lượng sạch trong hệ sinh thái Tập đoàn Gelex (trụ sở chính tại Hà Nội), và dự kiến tiếp tục mua 73% cổ phần của công ty con thứ 4 thuộc Gelex.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Đường sắt số 1 TP.HCM và Grab Việt Nam, hành khách đặt Grab đi/đến các trạm ga Metro sẽ được áp dụng các mã giảm giá khi di chuyển. Việc này giúp hành khách thêm tiết kiệm và khuyến khích sử dụng Metro.
Theo luật, một doanh nghiệp nợ tiền thuê đất quá thời hạn thì cơ quan chức năng sẽ phong tỏa tài khoản ngân hàng, cưỡng chế tiền thuế. Tiếp sau, biện pháp mạnh hơn nữa được áp dụng là thu hồi đất. Như vậy, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có bị bức tử?
Qua thanh tra tại Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (TP.HCM), lực lượng chức năng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định đơn vị này mắc hàng loạt sai phạm.
Trong khi khắc phục sự cố gián đoạn ngân hàng hôm nay 12/12/2024, TPBank cho biết mọi thông tin cá nhân và tài sản của khách hàng vẫn đang được đảm bảo an toàn.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với các cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Ngày 12/12, GSM công bố chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho các tài xế tham gia Xanh SM với hai điều khoản nổi bật là cơ hội sở hữu ngay xe VinFast để tự kinh doanh chỉ với 46 triệu đồng và nhận chia sẻ doanh số lên tới 85% từ hệ thống.