Chủ nhật, 10/11/2024

"Tam đấu" sầu riêng: Việt - Thái - Philippines

20/04/2023 8:26 PM (GMT+7)

Vốn là lợi thế của Thái Lan, nhưng nay sầu riêng Việt đang chiếm ưu thế tại thị trường Trung Quốc, hứa hẹn sẽ phải đối đầu với cả “tân binh” Philippines.

"Tam đấu" sầu riêng: Việt - Thái - Philippines - Ảnh 1.

Năm 2022, sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng 137% so với năm 2021. Ảnh: TL

Bà Busaba Nakpipat, một nông dân trồng sầu riêng hơn 30 năm ở Thái Lan, cảm thấy lo sợ về một cuộc cạnh tranh khốc liệt khi biết Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. 

“Trước đây, Thái Lan là nước duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu sầu riêng đã qua chế biến. Giờ đây, Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng tôi”, bà Busaba Nakpipat chia sẻ với tờ South China Morning Post.

Thái Lan lo mất “ngôi vương”

Dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy, mỗi năm thị trường này chi hơn 4 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng. Năm 2021, quốc gia láng giềng nhập 821.500 tấn sầu riêng tươi, tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Sang năm 2022, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng thị trường hơn 1,4 tỉ dân này vẫn nhập khoảng 800.000 tấn sầu riêng.

Trước đây, Thái Lan, nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới, đã đạt được thành tích xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc gần như không có đối thủ kể từ những năm 2000. Xứ sở chùa Vàng nổi danh là nơi trồng sầu riêng với chất lượng cao và trở thành quốc gia đầu tiên xuất khẩu loại trái cây này sang Trung Quốc.

Năm 2022, sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng 137% so với năm 2021, tương đương kim ngạch 421 triệu USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Từ một sản phẩm chỉ chiếm 7,6% tỉ trọng xuất khẩu sầu riêng trong năm 2021, thì sang năm 2022 sầu riêng góp mặt đến 20%.

Trái ngược với tâm trạng hoang mang của bà Busaba Nakpipat, nhiều nông dân Việt Nam phấn chấn mở rộng diện tích vườn sầu riêng khi giá loại trái cây này đang tăng cao, có khi lên đến 290.000 đồng/kg với Monthong loại A.

"Tam đấu" sầu riêng: Việt - Thái - Philippines - Ảnh 2.

Vốn có mảnh rẫy trồng chôm chôm đang cho thu hoạch rất tốt nhưng ông Huỳnh Minh Hoàng quyết định chặt hết chôm chôm đang cho doanh thu ổn định để trồng sầu riêng Monthong vì xác định đây là trái cây vua tại khu vực châu Á.

 Suốt mấy năm nay, vựa sầu riêng của ông Hoàng luôn trong tình trạng không đủ số lượng để bán. Ông chọn cách làm khác người khi tập trung trồng Musang King, loại sầu riêng được mệnh danh là vua của sầu riêng.

Đối với bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, việc sầu riêng Việt được xuất khẩu vào Trung Quốc là sự kiện mà Công ty của bà chờ đợi 5-6 năm nay. 

“Trước đây, người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng sầu riêng của Thái ngon hơn sầu riêng Việt Nam, nhưng nay quan niệm này đã thay đổi. Trong dịp Tết Quý Mão 2023, sầu riêng của Việt Nam rất được ưa chuộng ở thị trường này. Công ty chúng tôi dự kiến xuất khoảng 20.000-30.000 tấn sang thị trường này trong năm 2023”, bà Vy chia sẻ với NCĐT.

Bên cạnh Công ty Chánh Thu, những doanh nghiệp khác như Vina T&T Group, Vinamit... cũng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho hay Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu 1.500 container trái cây các loại sang Trung Quốc trong năm 2023, trong đó có khoảng 900 container sầu riêng (mỗi container khoảng 30 tấn).

Hiện mỗi tháng, Vinamit xuất khẩu khoảng 1.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, cho biết: “Giá sầu riêng của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với của Thái Lan. Trước đây, chúng ta phải bán sầu riêng cho Thái Lan, còn nay xuất thẳng sang Trung Quốc. Với giá bán sầu riêng của doanh nghiệp Việt thì giới trung lưu và bình dân ở Trung Quốc cũng tiếp cận được. Đây là lý do khiến sầu riêng hút hàng vào mùa Tết vừa rồi”.

Tam hùng tranh đấu 

Nhiều ý kiến cho rằng sầu riêng sẽ trở thành “át chủ bài” trong kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, sản phẩm này đang bước vào một cuộc chiến khá khó khăn với Thái Lan và Philippines, một nước vừa được Trung Quốc thông quan xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này.

Trung Quốc là nước đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sầu riêng. Hiện tổng diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc ở Việt Nam khoảng 3.000 ha, tức chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước. Diện tích này rất nhỏ, so với nhu cầu sản lượng của thị trường Trung Quốc mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có hợp đồng là khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

"Tam đấu" sầu riêng: Việt - Thái - Philippines - Ảnh 4.

Trước áp lực cạnh tranh với Việt Nam ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan đang nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái. Cùng với đó, Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào, nhờ đó vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc sẽ nhanh hơn so với đường biển.

Theo chuyên gia ngành bảo vệ thực vật, chất khô trong quả tăng thì nước ít đi. Như vậy, quả sầu riêng sẽ chắc và ngon hơn. Đây là một động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc. Queen Frozen Fruit, một trong những nhà xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Thái Lan, đã ký thỏa thuận với nhóm doanh nghiệp Trung Quốc về việc bán 5.000 container sầu riêng tươi và đông lạnh với giá đảm bảo lợi nhuận cho nông dân Thái Lan.

Từ ngày 4/1/2023, Trung Quốc cho phép sầu riêng Philippines xuất sang nước này. Ngay lập tức, Philippines đã đưa ra mục tiêu xuất khẩu 54.000 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong năm 2023. Bộ Nông nghiệp Philippines đặt rất nhiều kỳ vọng vào trái sầu riêng như một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này trong tương lai.

“Trung Quốc là thị trường sầu riêng lớn nhất, vì vậy chúng tôi rất vui mừng và mong muốn xuất khẩu sầu riêng sang đó. Mục tiêu của chúng tôi là xuất khẩu các container sầu riêng hằng tuần”, ông Johan Tan, Tổng Giám đốc Eng Seng Food Products, một công ty trồng và xuất khẩu sầu riêng tại Philippines, cho biết.

Cũng chia sẻ trên báo Philippines, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Sầu riêng thành phố Davao Emmanual Belviz, chia sẻ: “Tôi nghĩ Philippines có tiềm năng rất lớn trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là với các giống sầu riêng chất lượng cao của chúng tôi như Puyat và Duyaya”.

Phía Philippines hy vọng năm 2023 kim ngạch thu về khi xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ là 150 triệu USD. Động thái của các công ty ở Philippines cho thấy sẽ có một cuộc “tam hùng phân tranh” để giành thị phần tại Trung Quốc.

Trao đổi về thị trường sầu riêng Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, sầu riêng Việt đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu riêng Thái và Philippines. Ông dẫn chứng, sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện tăng lên trên dưới 1 triệu tấn, cho thu hoạch gần như quanh năm, trong khi Thái Lan và Philippines chỉ thu theo mùa.

Quãng đường vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc ngắn hơn cũng là một lợi thế giúp sầu riêng Việt tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng các đối thủ. Theo quan điểm của ông Đặng Phúc Nguyên, việc vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt của Thái Lan chắc chắn sẽ không thể so với thời gian vận chuyển bằng đường bộ của Việt Nam. Hiện khâu vận chuyển của Thái Lan chậm hơn của Việt Nam vài ngày.

Theo ông Nguyên, mục tiêu đạt 150 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2023 của Philippines là con số khiêm tốn so với mục tiêu xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào Trung Quốc đạt khoảng 1 tỉ USD cho năm nay. Vị chuyên gia này cho rằng Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sầu riêng của Philippines chỉ là đa dạng hóa thêm nguồn cung thị trường chứ không phải là mối đe dọa quá lớn cho trái sầu riêng Việt tại Trung Quốc.

"Tam đấu" sầu riêng: Việt - Thái - Philippines - Ảnh 6.

Hiện mỗi tháng, Vinamit xuất khẩu khoảng 1.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Ảnh: goldsunvn.com

Cuộc đua sầu riêng đang thêm phần khốc liệt khi những người nông dân ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên vào tháng 6 tới. Theo thông tin trên truyền thông nước này dẫn lời những người trong ngành cho rằng, diện tích trồng sầu riêng ở Hải Nam hiện đã đạt hơn 25.000 mẫu (16,7 km2) và 50 tấn sầu riêng tươi dự kiến được tung ra thị trường vào tháng 6 tới. 

Năm 2024, sầu riêng Hải Nam sẽ được cung cấp với số lượng lớn ra thị trường trong nước, sản lượng hằng năm từ 45.000-75.000 tấn và sẽ tiếp tục tăng dần.

Hải Nam bắt đầu trồng sầu riêng vào những năm 1950, nhưng do hạn chế về kỹ thuật nên vùng đất này từng bị gắn mác không thích hợp để trồng sầu riêng. Vài năm gần đây, sau khi hợp tác với một số nước Đông Nam Á và các tổ chức nghiên cứu khoa học trong tỉnh, hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của sầu riêng như quản lý nước và phân bón, giám sát sâu bệnh... đã được giải quyết. Với việc sầu riêng Hải Nam sắp có mặt trên thị trường, có thể nói, Trung Quốc đã đi những bước đầu tiên trong việc nội địa hóa loại trái cây này.

Hướng đi bền vững cho sầu riêng Việt 

Ông Huỳnh Minh Hoàng, chủ thương hiệu sầu riêng Ông hoàng Long Khánh, lo ngại khi sầu riêng mang về giá trị xuất khẩu cao, nông dân sẽ chuyển dần sang trồng sầu riêng và câu chuyện từng xảy ra vài năm trước tại miền Tây là vấn đề ngập mặn sẽ quay trở lại. Sau 5 năm, cây sầu riêng nhỏ bắt đầu thu hoạch nhưng nhìn lại cách đây 5 năm trước khi dịch COVID-19 xảy ra, hạn mặn xâm nhập khiến những cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi chết 30-40% không thể cứu vãn được. Theo nông dân trồng sầu riêng, nếu may mắn cứu lại cây thì cũng phải 3 năm nữa mới cho ra trái.

"Tam đấu" sầu riêng: Việt - Thái - Philippines - Ảnh 7.

3 năm trước, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng, nhiều tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Khoảng 43.000 ha lúa bị thiệt hại, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỉ đồng cho 8 tỉnh ứng phó. Tại Bến Tre, hạn mặn khiến gần 5.000 ha lúa chết héo, hơn 10.000 ha cây ăn quả và 1.000 ao nuôi tôm thiệt hại.

Tình hình nhiễm mặn ở miền Tây ngày càng nhiều và rất lớn. Nhiều hình thức cải tiến ngập mặn như mua nước, khoan giếng nhưng nước cũng không tốt và khiến cho chi phí canh tác sầu riêng vốn đã cao, gặp ngập mặn còn cao gấp 2-3 lần thì khó lòng cạnh tranh về giá cả. Nếu bây giờ người dân chuyển qua trồng sầu riêng, mấy năm nữa cây bắt đầu cho trái gặp hạn mặn thì tình hình sẽ như thế nào? Người nông dân có thể mất trắng.

Vấn đề nguy hiểm thứ 2 là người dân phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nhưng thương lái thường cắt đại trà, cả trái non, trái già cũng hái rồi nhúng thuốc. Sầu riêng nhúng thuốc thì khó có thể xuất khẩu. Trong khi đó, Thái Lan, Philippines rất quan tâm đến chất lượng, làm thương hiệu tốt và có mã vùng trồng an toàn.

Theo Nhịp cầu Đầu tư


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Livestream bán hàng qua TikTok, ai bỏ túi tiền tỷ?

Livestream bán hàng qua TikTok, ai bỏ túi tiền tỷ?

Các phiên livestream của các nhà sáng tạo nội dung số này đã mang về hàng tỷ đồng doanh số. Những người bán hàng qua TikTok được đề cử "dữ dằn" nhất năm gồm Hằng Du Mục, Bác sĩ Cung, Phạm Thoại...

Nhiều trường, thư viện được Việt kiều Mỹ tặng lượng sách lớn

Nhiều trường, thư viện được Việt kiều Mỹ tặng lượng sách lớn

Số sách được Tiến sĩ Võ Tá Hân (người Việt Nam tại Mỹ) tặng các thư viện, trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam có tổng trị giá hơn 1,3 triệu USD.

Nhiều dự án khởi nghiệp từ vùng xa tụ hội về thành phố tranh tài

Nhiều dự án khởi nghiệp từ vùng xa tụ hội về thành phố tranh tài

TP.HCM đang là địa điểm cho nhiều chàng trai, cô gái miền núi các tỉnh hội về để giới thiệu các dự án khởi nghiệp được phát triển các sản phẩm từ tài nguyên bản địa của quê hương.

Giá vàng giảm, người dân đổ xô bán, có bao nhiêu tiệm vàng cũng gom hết

Giá vàng giảm, người dân đổ xô bán, có bao nhiêu tiệm vàng cũng gom hết

Giá vàng nhẫn lẫn vàng miếng SJC giảm sâu đến vài triệu trong tuần qua khiến nhiều lo lắng, tạo ra làn sóng đổ xô bán để cắt lỗ. Tại thị trường TP.HCM, ghi nhận cho thấy các tiệm vàng, trung vàng bạc đang tích cực mua vào, có bao nhiêu cũng gom hết.

Báo cáo quốc tế: Các công ty đồ uống, thực phẩm lớn nhất thế giới bán sản phẩm 'thứ cấp' tại những nước nghèo

Báo cáo quốc tế: Các công ty đồ uống, thực phẩm lớn nhất thế giới bán sản phẩm 'thứ cấp' tại những nước nghèo

Tại những nước thu nhập thấp, các công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới đã bán sản phẩm không tốt cho sức khỏe như chính những sản phẩm mà các tập đoàn này bán ở những nước giàu.

Cuộc chiến 'cỗ máy tìm kiếm' gọi thêm tên Meta, Facebook

Cuộc chiến 'cỗ máy tìm kiếm' gọi thêm tên Meta, Facebook

Meta, tập đoàn mẹ của Facebook, đang phát triển công cụ tìm kiếm với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) cho riêng Meta để cạnh tranh với 2 "cỗ máy tìm kiếm" hàng đầu Google và Microsoft Bing.