Thứ sáu, 22/11/2024

TP.HCM làm đường sắt đô thị: Tìm lời giải cho "bài toán" 25 tỷ USD

01/08/2023 8:17 AM (GMT+7)

Theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, TPHCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị khoảng 200km trong 12 năm tới đây. Để đạt mục tiêu này, chậm nhất vào năm 2028, TP.HCM cần phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD cho các dự án đường sắt đô thị.

Thông tin trên được nêu ra tại Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TPHCM”, do Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức vào chiều 31/7.

Đa dạng hóa nguồn lực tài chính

TP.HCM làm đường sắt đô thị: Tìm lời giải cho 'bài toán' 25 tỷ USD - Ảnh 1.

Đoàn tàu metro số 1 TPHCM. Ảnh: H.H

Ông Hoàng Ngọc Tuân - quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị Đầu tư thuộc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết trong 20 năm, TPHCM mới làm được gần 20 km đường sắt đô thị (metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên). Kết luận 49 của Bộ Chính trị yêu cầu TP.HCM phải hoàn thành 200 km còn lại trong 12 năm tới. Trong đó, công tác chuẩn bị dự án từ 4-5 năm và thực hiện dự án trong vòng 7-8 năm.

TS. Phạm Trần Hải - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết, TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị có sự tích hợp giữa sử dụng đất và giao thông. TOD sẽ góp phần huy động nguồn lực từ quá trình phát triển đô thị để thu hồi chi phí đầu tư xây dựng các tuyến giao thông công cộng. TP.HCM có thể triển khai mô hình TOD ở xung quanh các ga của các tuyến đường sắt khu vực đầu mối TP; các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị (MRT) và xung quanh các nhà ga của các tuyến bus nhanh (BRT).

Theo ông Tuân, TP.HCM cần phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trong vòng 4-5 năm tới (chậm nhất vào năm 2028). Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực tài chính thực hiện dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM vẫn chủ yếu là vốn vay ODA cùng ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 10-20%.

“Việc đầu tư bằng nguồn vốn ODA càng ngày càng khó khăn do thủ tục, điều kiện vay phức tạp, suất đầu tư cao, phụ thuộc thiết kế, công nghệ... Thành phố đang và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ. Do đó, cần phải đa dạng hóa nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. 

Nguồn tài chính từ việc đấu giá khai thác quỹ đất theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); huy động vốn trong nước, vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu…”, ông Tuân nêu ý kiến.

Cũng theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua đã có một số cơ chế cho phép TP.HCM áp dụng mô hình TOD. “Nếu áp dụng mô hình này và tận dụng lợi ích tối đa từ quỹ đất xung quanh các nhà ga, có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án đường sắt đô thị”, ông Tuân kỳ vọng.

Bày tỏ sự đồng tình, bà Lê Ngọc Thùy Trang - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM, cho rằng cần phải có bài toán về vốn để thực hiện tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới. Trong đó, với nguồn lực từ ngân sách, có thể huy động thêm nguồn phát hành trái phiếu.

“Hiện nay, đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế chỉ được phát hành trái phiếu Chính phủ. Để đáp ứng được nhu cầu nguồn lực tài chính cho các dự án đường sắt đô thị, chúng tôi đã đề xuất TP.HCM nghiên cứu và có cơ chế để phát hành trái phiếu quốc tế, nhằm mở rộng huy động nguồn vốn ngoài nước trong trường hợp có cơ hội huy động được nguồn vốn có tính chất ưu đãi”, bà Trang cho biết.

Cũng theo bà Trang, nguồn lực tiếp theo có thể huy động là xã hội hóa đầu tư, thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia phát triển dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nghị quyết 98 của Quốc hội đã cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm mô hình TOD. Vì vậy, cần xây dựng chi tiết để triển khai thực hiện ở một số tuyến đường sắt đô thị cụ thể. 

Theo đó, các dự án thành phần có thể xem xét để thực hiện theo hình thức PPP, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân cùng tham gia đầu tư vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị, chẳng hạn phát triển tổ hợp thương mại khu nhà ga đường sắt đô thị. Từ đó, xem xét cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn thu giữa nhà đầu tư và thành phố.

Nghiên cứu cách làm mới

Ông Đỗ Ngọc Long - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng hiện nay tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hình thành. Do đó, với cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98, TP.HCM cần triển khai áp dụng TOD để xem xét sự hiệu quả.

“Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cần tham mưu cho UBND TP xem xét những khu vực nào của tuyến metro số 1 có thể triển khai TOD. Từ đó, chúng ta phải xem xét và đánh giá những tuyến nào có thể phát huy vai trò như tuyến số 1. Nếu không thì chúng ta phải điều chỉnh quy hoạch để phát huy thế mạnh, vai trò của TOD như thành phố đề xuất”, ông Long nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, với những nhiệm vụ trước mắt, nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian qua thì sẽ không thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Do đó, TP.HCM cần nghiên cứu cách tiếp cận mới, cách làm mới.

Cũng theo ông Hiển, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM sẽ phối hợp với các đơn vị, sở ngành thành phố thành lập tổ xây dựng Đề án triển khai kết luận 49 do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng.

“Đề án này sẽ được báo cáo lên Bộ Chính trị và Quốc hội, nhằm đưa ra các đề xuất để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tiến độ thi công,… Đó sẽ là cơ sở cho việc hoàn thành nhanh mục tiêu của Kết luận 49 đối với đường sắt đô thị TP.HCM”- ông Hiển cho biết.

Theo Tiền phong

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.