Là giảng viên thỉnh giảng chuyên ngành quản trị khách sạn và nhà hàng, thế nhưng, 70% quỹ thời gian trong ngày của chị Anh Chi dành cho việc phục hồi những chú gấu bông cũ.
Đều đặn mỗi ngày, chị Chi đều bắt đầu ngày mới của mình bằng việc phân loại gấu bông. Những chú gấu gặp các vấn đề đơn giản như đứt chỉ, thiếu bông sẽ được ưu tiên sửa trước. Ngược lại, một số gấu bị lỗi nặng hơn như nát vải, đứt khớp... sẽ nằm ở phần chờ. Sau khi phân loại, chị phác thảo bản vẽ để tìm hướng sửa phù hợp và bắt tay vào sửa chữa. Quy trình này được chị lặp đi lặp lại đã hơn 7 năm nay.
Năm 2015, trong lúc đi làm về, chị Chi nhìn thấy một chú gấu bông rách nát bị bỏ bên vệ đường, mặt mũi lấm lem. Bất giác, chị lóe lên suy nghĩ mở một dịch vụ chuyên sửa chữa gấu bông. Cái nghề “bác sĩ gấu bông” cũng bén duyên với chị từ ấy.
Khi mới bắt đầu, chị Chi nhận được không ít sự ngờ vực từ những người xung quanh về công việc bản thân đang làm. Bỏ mặc những sự nghi ngờ phía sau, chị Chi vẫn tin tưởng vào bản thân và tiếp tục duy trì. Chị cho biết dịch vụ sửa chữa gấu bông là công việc rất phổ biến trên thị trường Singapore, Hàn Quốc. "Với cái tâm và sự nỗ lực lan tỏa tình yêu gấu bông bị hỏng của mình, tôi tin chắc dần sẽ lấy được lòng tin từ mọi người", chị nói.
Vì chưa có kinh nghiệm, chị phải thường xuyên từ chối những đơn hàng phức tạp, đặc biệt là những ca cần được ghép da. Để thực hiện kỹ thuật này, người thợ phải tìm chất liệu vải tương thích, không có sự chênh lệch nhiều với da cũ. Đường chỉ cũng phải được đi một cách tỉ mỉ để giữ tính nguyên bản.
“Những ngày đầu, khách đến sửa những con gấu bông rách rất nặng, nhưng lúc ấy tôi không đủ kỹ thuật để sửa, đành phải hẹn lại khác. Có những con phải chờ 2-3 năm để tôi có thể thạo tay nghề để sửa. Hiện nay thì tôi đã có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để sửa những ca phức tạp”, chị Chi cho hay.
Bên cạnh những ca mục vải cần được ghép da, gấu đứt tay, chân hay xẹp bông cũng là những lỗi chị Chi thường "chữa". Đối với những ca xẹp bông, “bác sĩ” Chi chỉ cần khắc phục bằng cách thay thế, độn bông thêm. Riêng những ca đứt rời tay, chân trong quá trình giặt bằng máy, chị phải định hình lại phom dáng sau đó may lại bằng tay. Thoạt nghe đơn giản nhưng nó đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ vì phải mường tượng được từng đường kim, mũi chỉ, không lộ vết may và giúp chú gấu có hồn hơn.
Bất kể gấu bị lỗi gì, chị Chi vẫn phải tuân theo những công đoạn nhất định. Đầu tiên, gấu sẽ được kiểm tra tổng thể để tìm ra hướng sửa chữa. Tiếp đến là giai đoạn “tắm” gấu. Tùy thuộc vào đặc thù, loại vải của gấu sẽ có cách tắm khác nhau. Những chú gấu có tuổi đời khoảng 20-30 năm sẽ cần kỹ thuật cao vì nếu giặt thông thường sẽ bị mục, rách toạc theo sớ vải. Ngoài ra, chị Chi cũng dùng chất tẩy tự nhiên để đảm bảo sức khỏe khách hàng.
Thỉnh thoảng, có những ca chị Chi sẽ bỏ qua bước này vì khách dặn đi dặn lại “Chỉ được sửa, không được giặt gấu vì sẽ mất đi mùi quen thuộc”. Đa phần đó là loại gấu bông “ghiền” của các em bé hoặc của các du học sinh Mỹ, Đức, Pháp... Họ chấp nhận cho gấu bay nửa vòng trái đất để gặp “bác sĩ” Chi hồi sinh người bạn tinh thần của mình.
Cuối cùng là giai đoạn sửa “vết thương”. Tùy vào độ hư hại mà mỗi thú nhồi bông sẽ có thời gian sửa chữa khác nhau, có những bạn chỉ mất 1-2 ngày, có những bạn nằm mãi 2 tháng mới đến lượt.
Chị Chi cho rằng sự sáng tạo cũng là yếu tố cần cho nghề “bác sĩ” gấu bông. Trong suốt những năm làm nghề, không ít lần chị Chi gặp phải những ca gấu lên đến 30-50 năm tuổi, bị hỏng nặng, chỉ còn vài đường chỉ ngoằn nghèo không rõ hình thù. Khi liên hệ thì chủ cho biết không có hình nguyên bản của gấu. Thế là chị đành phải tái sử dụng những phần vải còn tốt, vá thêm bằng các chất liệu tương đồng, may các khớp tay chân, vá vết rách... Tất cả công đoạn đều hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng của chị.
“Ưu tiên giữ lại những gì có thể chứ không thay mới hoàn toàn”, đó luôn là phương châm mà chị tự nhủ với bản thân. "Không chỉ đơn thuần là một chú gấu bông, nó còn là người bạn tri kỷ của một đứa trẻ nào đó hay còn là kỷ vật của một người thân đã mất. Chính vì thế, những chú gấu bông này mang giá trị tinh thần rất lớn", chị kể.
Những ca gấu “ghiền” của em bé luôn được chị ưu tiên sửa trước vì em bé sẽ không chịu ngủ hay khóc khi không có gấu. Chị nhớ cách đây không lâu có một ca gấu "ghiền" phải hoàn thành lúc nửa đêm. Khi đó, mẹ bé phải lặn lội từ quận 4 sang Phú Nhuận nhận về cho con.
“Từ chiều bé đã đòi sang thăm “em”. Lúc em bé thấy gấu của mình liền reo hò, vui vẻ như nhìn thấy một người thân. Những lúc như thế mọi muộn phiền của tôi liền tan biến", chị cười nhớ lại.
Gần 8 năm làm nghề, vốn liếng mà chị tích cóp được không chỉ là tiền mà còn là những cung bậc cảm xúc thăng trầm. Năm 2016, có một con gấu cao khoảng 50cm bị rách nhiều, xẹp bông và xước vải được mang đến sửa chữa. Vì mới làm nghề 2 năm, chị Chi không đủ khả năng sửa nó nên đã từ chối. Tuy nhiên, khi biết đó là kỷ vật mà người mẹ đã mất để lại cho khách, chị đã quyết định nhận.
“Sau 2-3 ngày sửa liên tục, con gấu đã “mới” theo cách khác: lành lặn, sạch sẽ hơn, không làm mới hoàn toàn vì sợ mất đi kỷ niệm. "Khi vị khách ấy đến nhận, tôi chỉ dám trả lại con gấu và rời đi ngay, không thể đứng lâu vì không kiềm được cảm xúc. Khi sửa con gấu này, có lúc vừa sửa vừa khóc vì nhớ đến những lời chia sẻ của khách”, chị Chi chia sẻ.
Chị Chi nhớ nhất lần di dời gấu Brown cao gần 2,5m, đường kính 1,6m cho một công ty tại quận 1. Bên trong gấu bao gồm mút, xốp và 2 trụ sắt, bên ngoài là lớp da. Để di dời gấu, chị phải thao tác cưa gấu thành nhiều phần nhỏ bằng dây kẽm sau đó lại ráp các phần lại với nhau bằng cách may tay. Lông gấu cũng được chị làm sạch bằng máy hút. Tất cả quá trình mất khoảng 36 giờ đồng hồ.
“Khi cắt những nhát dao đầu tiên, nhiều người cho rằng tôi không làm được vì dụng cụ của tôi chỉ có dao rọc giấy, 1 cái búa nhỏ và kim chỉ thông thường. Thế nhưng khi làm xong được khen là đẹp hơn nguyên bản nên thấy rất tự hào", chị kể lại kỷ niệm thú vị về chú gấu khổng lồ.
Người phục hồi gấu bông bị hỏng. Video: Minh Tâm
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.