Muôn vàn chiêu trò lừa đảo trong cơn sốt đầu tư metaverse

Thứ năm, ngày 03/03/2022 07:05 AM (GMT+7)
Mới đây, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã cảnh báo người dân về những chiêu trò lừa đảo núp bóng các dự án đầu tư vào siêu vũ trụ số metaverse đang "mọc lên" ngày càng nhiều.
Bình luận 0

Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính của Trung Quốc vào thứ Sáu đã cảnh báo công chúng cảnh giác với các trò chơi lừa đảo liên quan đến metaverse.

Chính quyền Trung Quốc cũng cho rằng game là một trong những phương thức lừa đảo phổ biến nhất trong metaverse - công nghệ mới nổi tại quốc gia này.

Được biết, tội phạm thường tạo ra các hình thức gây quỹ lừa đảo, đội lốt các dự án đầu tư metaverse và trò chơi NFT, theo Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), trong một tuyên bố trên trang web của họ. Cảnh báo này được đưa ra vào thời điểm công nghệ metaverse ngày càng trở nên phổ biến với nhà đầu tư và các công ty công nghệ Trung Quốc.

Rủi ro lừa đảo tiềm tàng trong cơn sốt đầu tư metaverse - Ảnh 1.

CBIRC đã chỉ ra rằng có bốn thủ thuật phổ biến được sử dụng bởi những tội phạm mạng. Hầu hết các phương thức lừa đảo đều xoay quanh metaverse là các dự án game, AI và thực tế ảo. Một số hứa hẹn người chơi sẽ dễ dàng thu lợi nhuận chỉ bằng cách chơi game. Tuy nhiên, người tham gia phải đầu tư trước bằng cách mua tiền kỹ thuật số và tài sản trong các dự án.

Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính cho biết cũng có những kẻ lừa đảo thổi phồng khái niệm bất động sản trong siêu vũ trụ số nhằm lôi kéo mọi người tham gia vào thị trường bất động sản ảo mới này để “làm giàu”.

CBIRC cho biết, tội phạm mạng cũng có thể dụ mọi người mua các loại tiền kỹ thuật số bằng cách quảng cáo chúng là “loại tiền tệ tương lai sẽ được sử dụng trong metaverse". Tuy nhiên, thường được phát hành bởi tội phạm, những kẻ kiếm lợi bằng cách thao túng giá và đặt ra các rào cản đối với những người muốn rút tiền mặt.

Thuật ngữ metaverse, được đặt ra bởi nhà văn người Mỹ Neal Stephenson trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash năm 1992, đề cập đến một thế giới ảo sống động như thật, nơi mọi người có thể gặp gỡ, làm việc và giải trí bằng cách sử dụng các thiết bị bao gồm tai nghe thực tế ảo, bảng điều khiển trò chơi điện tử và các tiện ích cung cấp công nghệ thực tế tăng cường như điện thoại thông minh và kính thông minh.

Tuy nhiên, cảnh báo mới nhất của CBIRC không đề cập đến thị trường NFT, vốn cũng xuất hiện những chiêu trò tương tự. Trước đó, cơ quan giám sát của Hong Kong đã lên tiếng về lừa đảo NFT khi nhiều dự án biến mất ngay trong đêm khi huy động vốn thành công.

Các cộng đồng gồm những người đam mê metaverse và NFT đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo rủi ro từ chính quyền đối với tiền điện tử và những hành vi đầu cơ trong siêu vũ trụ số metaverse.

Tháng 12/2021, People’s Daily cũng khuyến cáo mua bán tài sản ảo dễ gặp rủi ro cao, sau khi thị trường metaverse trở thành cơn sốt đầu tư. Một quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói tài sản trong metaverse có thể trở thành công cụ rửa tiền của tội phạm mạng.

Tiến Dũng (Theo Viettimes)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem