
Nghề làm đường thốt nốt được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia
Công Mạo
28/11/2024 10:38 AM (GMT+7)
Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, An Giang vừa được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ vinh danh Nghề làm đường thốt nốt của đồng bào thiểu số Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vừa diễn ra tối 27/11, ở thị xã Tịnh Biên.

Người dân trèo lên ngọn cây để lấy nước thốt nốt về nấu đường. Ảnh: An Hiếu - Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Đối với đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang, cây thốt nốt từ lâu đã trở nên thân quen, gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Những sản phẩm từ cây thốt nốt được nhân dân tận dụng để phát triển kinh tế, hình thành nên nhiều đặc sản trứ danh. Trong đó, nghề làm đường thốt nốt không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn được gìn giữ qua nhiều thế hệ và trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trao truyền qua nhiều thế hệ
Theo các vị cao niên ở vùng Bảy núi An Giang, nghề làm đường thốt nốt của người Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có từ rất lâu. Người Khmer ở đây lớn lên đã thân quen với mùi thơm của đường thốt nốt. Bà con xem thốt nốt là đặc sản, là món quà quý của đất trời.

Hàng nghìn cây thốt nốt tại các xã An Phú, Văn Giáo, An Cư, An Hảo (TX. Tịnh Biên) và Lương Phi, Ô Lâm, Châu Lăng (huyện Tri Tôn), nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp mật hoa thốt nốt, giúp bà con Khmer trong việc nấu sản phẩm đường. Ảnh: An Hiếu - Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Anh Chau Don (ngụ xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, nghề nấu đường thốt nốt đã gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của phum, sóc ở Văn Giáo nói riêng, Bảy núi An Giang nói chung, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho vùng đất này. Ngay từ nhỏ, anh đã được bố mẹ hướng dẫn học nghề thành thạo, để rồi tiếp tục hướng dẫn cho các con của mình.
Bà con Khmer vùng Bảy núi An Giang hiện vẫn giữ thói quen sử dụng vỏ cây sến để bảo quản, tránh cho nước thốt nốt không bị chua, hư hỏng. Nhờ vậy, tạo ra được sản phẩm đường thốt nốt an toàn. Nên dù bán với giá cao hơn thị trường, sản phẩm vẫn được người tiêu dùng chấp nhận, ủng hộ.

Nước thốt nốt được lấy từ bông của cây thốt nốt. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Gần 1 tháng nay, cứ 5 giờ sáng, anh Chau Sóc Chiếp (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, thế hệ làm đường thốt nốt thứ 3) lại chuẩn bị đầy đủ kẹp, chai nhựa… rồi leo lên ngọn cây lấy nước thốt nốt mang về nấu đường.Theo anh Chau Sóc Chiếp, từ lúc cây con đến khoảng 10 năm, cây thốt nốt mới ra bông, tuy nhiên chỉ cho bông khoảng 3 - 4 tháng và cho nước với trữ lượng đường rất ít. Thốt nốt có tuổi thọ cao, cây càng già càng cho nhiều nước, sản lượng mỗi năm tăng thêm và có trữ lượng đường cao. Cây thốt nốt 30 - 40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và nước quanh năm.
Thời điểm để khai thác nước và làm đường thốt nốt thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 6 (âm lịch) năm sau; nếu thời tiết hanh khô còn có thể thu hoạch thêm 2 tháng. Trong đó, giai đoạn sau Tết Nguyên đán là lúc nước thốt nốt có trữ lượng đường cao và đạt chất lượng ngon nhất.
Nước thốt nốt được lấy từ bông, chứ không phải trong trái. Cây thốt nốt rất cao, có cây cao trên 15m nên phải dùng những cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang để leo lên ngọn. Người lấy phải cắt phần ngọn ở cuống bông, sau đó, dùng ống tre hoặc bình nhựa để hứng sẵn. Việc lấy nước thốt nốt không hề đơn giản nên không phải ai cũng làm được, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng dễ xảy ra tai nạn, anh Chau Sóc Chiếp chia sẻ.
Xong công đoạn lấy nước thốt nốt đầy vất vả và nguy hiểm, công đoạn nấu đường cũng không kém gian nan. Nước lấy xong phải được nấu ngay, để lâu sẽ bị chua, vì vậy, người dân phải xây lò nấu đường gần nơi lấy nước để thuận tiện.

Anh Chau Sóc Chiếp (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, thế hệ làm đường thốt nốt thứ 3) với đầy đủ kẹp, chai nhựa… leo lên ngọn cây lấy nước thốt nốt mang về nấu đường. Ảnh: Trọng Chính - Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Nước thốt nốt sau khi lấy xuống phải lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông, bụi và côn trùng. Sau đó, cho vào chảo lớn, nấu khoảng 6 - 7 tiếng là cô đặc thành đường. Mùa nắng, 6 - 7 lít nước thốt nốt nấu được 1kg đường, còn mùa mưa phải nấu khoảng 10 lít nước mới được 1kg đường.
Người có kinh nghiệm chỉ cần nếm nước thốt nốt là biết được hàm lượng của đường bên trong. Mẻ đường chất lượng hay không tùy thuộc vào kinh nghiệm của người nấu. Trong lúc nấu phải khuấy và vớt bọt liên tục. Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhấc ra khỏi lò, khuấy liên tục đến khi đường chuyển sang màu vàng tươi đặc trưng của đường thốt nốt, chị Neáng Chanh Tha, vợ anh Chau Sóc Chiếp chia sẻ.

Để có sản phẩm đường ngon thì chị Neáng Chanh Tha, vợ anh Chau Sóc Chiếp phải khuấy đều liên tục phẩn mật thốt nốt. Ảnh: An Hiếu - Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Tìm hướng đi mới
Cây thốt nốt có tên khoa học là Borassus Flabellifer, sinh trưởng rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á, như: Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia,...

Mật thốt nốt lấy về phải nấu liền, nếu không sẽ chua, không thể nấu đường nên gia đình anh Châu Sóc Chiếp phải xây lò nấu đường gần nơi lấy mật, để thuận tiện cho việc nấu đường. An Hiếu - Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Tại An Giang, cây thốt nốt được trồng nhiều ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, trở thành nét đặc trưng riêng có của miền đất Phương Nam. Với bà con Khmer vùng Bảy núi An Giang, thốt nốt là giống cây trời ban, tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng, nước lấy từ cây nấu đường, làm bánh, kết hợp chế biến với các món ăn; thân cây già làm đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất… qua đó, góp phần cải thiện đời sống của gia đình.

Mẻ đường thốt nốt có màu vàng sánh đặc trưng của gia đình chị Neáng Chanh Tha, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang). Ảnh: An Hiếu - Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Đường thốt nốt, đặc sản của An Giang, luôn được người dân và du khách ưa chuộng. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Theo ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cây thốt nốt không chỉ đơn thuần mang đến giá trị kinh tế cho người dân, nó còn chứa đựng giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa của người dân Khmer, góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống địa phương.
Hiện nay, cây thốt nốt không chỉ nổi tiếng với mật ngọt để nấu đường, mà còn có nhiều sản phẩm ra đời, như: rượu thốt nốt, nước thốt nốt, chè, thạch thốt nốt, tranh lá thốt nốt, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt, nước màu thốt nốt… được hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Chế biến đường thốt nốt tại cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Theo thống kê của thị xã Tịnh Biên, toàn thị xã có 305 cơ sở sản xuất đường thốt nốt, với 780 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, mỗi năm cho sản lượng 3.138 tấn. Sản phẩm đường thốt nốt cung cấp số lượng lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh…, một số được xuất khẩu ủy thác qua thị trường Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ...
Để góp phần đưa nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang thực sự khởi sắc, có bước tiến mới, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trương Bá Trạng cho rằng, thời gian tới rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc tạo cơ chế chính sách, đào tạo nghề, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề giúp bà con có thêm sinh kế và gắn bó với nghề, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu làng nghề,...
Bên cạnh đó, đồng bào Khmer cần phát huy ý thức gìn giữ nghề truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc; chủ động tiếp cận và mở rộng các kênh tiếp thị, nhất là các trang mạng xã hội,… Phối hợp các tour du lịch, mời gọi khách tham quan đến tìm hiểu, trải nghiệm,…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Trương Bá Trang (thứ 3, trái) trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Tại An Giang, trong khi nhiều làng nghề truyền thống khác đang dần bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định; vừa mang lại sinh kế cho bà con, vừa góp phần lưu giữ và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.
Tối 27/11/2024, tại thị xã biên giới Tịnh Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp với UBND thị xã tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với đồng bào Khmer tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên nói riêng, cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh An Giang nói chung. Đồng thời, sự kiện góp phần tạo thêm động lực, niềm tin cho bà con, nhất là những người vẫn đang gắn bó, tha thiết với nghề nấu đường thốt nốt của dân tộc.
Theo TTXVN
Các công ty Trung Quốc vẫn ở lại Việt Nam sau thỏa thuận thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ
Hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục hoạt động tại Việt Nam sau khi Hà Nội và Washington đạt được thỏa thuận thương mại, khi họ xem mức thuế quan cuối cùng là có thể chấp nhận được, các nhà phân tích và doanh nhân cho biết.
Australia hỗ trợ tìm kiếm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho ngành cà phê Việt Nam
Cuộc thi “Giải pháp đổi mới sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu cho ngành cà phê” nhằm góp phần nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của ngành cà phê Việt Nam, hướng tới kỷ nguyên cà phê thông minh.
Chuỗi bán lẻ lớn nhất Châu Âu chọn Việt Nam, Malaysia để củng cố chuỗi cung ứng
Lidl bổ sung các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và ở Malaysia vào tuyến vận chuyển của mình để giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.
Trước thềm hạn chót đàm phán thương mại với Mỹ: Đông Nam Á gặp nhiều thách thức
Trong khi thời gian đàm phán thương mại gấp rút, khu vực Đông Nam Á không chỉ phải cạnh tranh với phần còn lại của thế giới mà còn với cả chính mình để giành được một thỏa thuận có lợi nhất với chính quyền Trump, chuyên gia rủi ro chính trị Singapore Hasan Jafri bình luận.
Mỹ bất ngờ lùi thời hạn chót đàm phán thương mại
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, hôm thứ Sáu cho biết ông tin rằng các cuộc đàm phán thương mại có thể sẽ được “hoàn tất” vào dịp Lễ Lao động (Labor Day) vào ngày 1/9, đưa ra một khung thời gian linh hoạt hơn so với hạn chót trước đó là ngày 9/7.
Hai siêu tàu chở dầu quay đầu ở Eo biển Hormuz, giá dầu tăng vọt sau khi Mỹ không kích Iran
Theo Bloomberg, Coswisdom Lake và South Loyalty, cả hai đều có khả năng vận chuyển khoảng 2 triệu thùng dầu thô, đã quay đầu ở Eo biển Hormuz sau khi Mỹ không kích Iran làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.