Nhiều hộ kinh doanh điêu đứng, buộc phải tăng giá để không phải gánh lỗ. Từ một đơn hàng 50.000 đồng, sau khi cộng phí đã bị đẩy lên gần 80.000 đồng, khách dần quay lưng. “Năm nay bán không có lời, chỉ bán để duy trì thương hiệu”, anh Nguyễn Văn Hiếu chủ quán ăn ở quận Phú Nhuận, TP.HCM nói.
Dù shipper (người giao hàng) đến quán tấp nập, cứ cách 3 phút, anh Hiếu lại hoàn thành xong 1 đơn hàng, nhưng khi được hỏi về tình hình kinh doanh anh tặc lưỡi “không có lời”.
Hiện tại, mức chiết khấu qua ứng dụng gọi đồ ăn của quán anh Hiếu là 25%. Dù vậy, anh vẫn quyết không tăng giá để giữ chân tệp khách quen. Năm nay, lượng khách ghé quán ăn nhỏ của Hiếu giảm khoảng 40%. Gánh thêm khoản tiền thuê nhà lên đến 30 triệu đồng, đến cuối tháng, anh hoàn toàn trắng tay.
“Chủ nhà vừa thông báo sắp tới sẽ tăng tiền nhà, không biết có trụ nổi hay không”, anh Hiếu nói.
Hơn 5 năm bán bún bò trên đường Phan Xích Long, anh Mạnh Quang chưa bao giờ gặp tình trạng ảm đạm như hiện nay. Những năm trước, vào giờ cao điểm, thực khách xếp hàng đông trước cửa tiệm nhỏ của anh. Họ buộc phải bốc số, xếp hàng dài ra tận vỉa hè để chờ được dùng bữa. Hiện tại, lượng khách giảm đi hơn một nửa, từ thu nhập gần 20 triệu đồng/ngày, giờ chỉ còn lác đác vài triệu.
Song đó, thực khách đặt hàng online của cửa hàng anh cũng giảm dần theo thời gian. Ngay khi mức chiết khấu qua grab food khoảng 25% được áp dụng, anh Quang đành ngậm ngùi tăng từ 5.000-7.000/món trên các ứng dụng gọi đồ ăn để có được chút lãi. Ngoài ra, anh còn có các combo bún bò kèm trà tắc với giá thấp hơn khoảng 10.000 đồng so với thông thường. Dù vậy, lượng khách đặt qua ứng dụng giao hàng vẫn không có dấu hiệu tăng.
Anh Quang cho biết bản thân đã chuẩn bị tâm thế “có chơi có chịu” khi đặt chân vào thị trường kinh doanh đồ ăn trực tuyến đầy thách thức này: “Hiện nay, hầu như ai cũng kinh doanh khó khăn, đây là tình hình chung của cả thế giới. Khi hợp tác với các ứng dụng gọi đồ ăn, cửa hàng chúng tôi được lợi là có nhiều người biết đến hơn. Thế nên, với chiết khấu như hiện nay chúng tôi cũng đồng ý vì đây là thỏa thuận giữa đôi bên”, anh Quang lý giải.
Ngoài ra, vị chủ quán cũng chia sẻ thêm, các quán ăn đã có thông tin về mức phí được áp dụng trước khi tham gia hoạt động trên nền tảng, nên có thể chủ động trong việc tính toán chi phí bán hàng. Chi phí hoạt động chỉ phát sinh trên đơn hàng được đặt trên nền tảng, không phải chi phí cố định mà quán phải trả cho nền tảng.
Trao đổi với Thế giới tiếp thị, đại diện Gojek cho biết hiện đơn vị này đang kết nối hàng chục nghìn nhà hàng, quán ăn với hàng triệu người dùng thông qua nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến. Các nhà hàng, quán ăn đang hoạt động trên ứng dụng bao gồm từ các thương hiệu, chuỗi cửa hàng lớn đến các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
“Mức phí hoạt động phụ thuộc vào loại hình, quy mô, chiến lược của cửa hàng, thời điểm tham gia nền tảng đặt đồ ăn của Gojek (GoFood). Ngoài ra, mức phí này cũng phụ thuộc vào các thỏa thuận, các chương trình hợp tác, chi phí đầu tư giữa Gojek và từng đối tác. Phí sẽ được điều chỉnh dựa trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên”, đại diện công ty nói.
Theo chia sẻ của Gojek, số lượng đơn hàng từ các nhà bán hàng vừa và nhỏ có xu hướng tăng. Các món combo và giá trị trung bình của đơn hàng trên GoFood của Gojek cũng tăng khi người dùng gộp nhiều món ăn đặt trên cùng đơn hàng để tận dụng các chương trình ưu đãi, giảm phí giao hàng. Trong đó, các món ăn thuần Việt quen thuộc như cơm tấm, cơm gà, bún, mì… được ưa chuộng.
“Điều này phần nào cho thấy người dùng quan tâm hơn về giá và các chương trình khuyến mãi, đồng thời dành sự ưu tiên cho các món ăn, các cửa hàng có thể đáp ứng nhu cầu ẩm thực hàng ngày của mình ở mức giá phải chăng. Các chuỗi cửa hàng lớn và các thương hiệu quen thuộc vẫn tiếp tục duy trì doanh thu ổn định trên nền tảng”, vị đại diện cho biết.
Hiện tại, nền tảng đang đẩy mạnh hỗ trợ tăng doanh thu của các cửa hàng kinh doanh ẩm thực, đặc biệt là các cửa hàng vừa nhỏ và siêu nhỏ.
Ngân hàng Eximbank tại TP.HCM vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về việc tăng vốn điều lệ lên gần 18.700 tỷ đồng từ gần 17.470 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đồng ý ngay trước khi Đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank dự kiến vào ngày 28/11/2024.
Thị trường tín chỉ carbon là xu thế của tương lai. Bên cạnh thời cơ, thị trường này vẫn tiềm ẩn thách thức cho doanh nghiệp.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng toạ lạc tại vị trí đất vàng giữa trung tâm thành phố đã nằm bất động hơn 15 năm qua.
Khu Bảo tồn Đất ngập nước (KBT ĐNN) Láng Sen tại Long An là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 trên thế giới. Dự án này được hỗ trợ nguồn vốn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam) hợp tác cùng Tập đoàn PAN.
Ngày 21/11 tại TP.HCM, Bayer Việt Nam đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, tham dự sự kiện có các khách mời, đối tác và nhân viên công ty.
Ước tính gần 670.000 tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm vào nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm này để hỗ trợ tăng trưởng GDP theo kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước đặt ra hồi đầu năm.