Khách giảm, nhiều tiệm cà phê thua lỗ
Trái ngược với khung cảnh khách ra vào tấp nập khi mới mở, hai tháng nay, tiệm cà phê nằm trong một chung cư nhỏ ở quận 5 của anh Nguyễn Thành Luân (20 tuổi) trở nên vắng lặng. "Có lẽ kinh tế khó khăn nên ai cũng ngại chi trả cho các khoản la cà cà phê như trước đây", anh Luân lý giải.
Từng là một trào lưu được các bạn trẻ săn đón, các quán cà phê nằm trong những chung cư cũ (hay còn còn gọi là hidden coffee) dần mất đi sức hút. Những tiệm cà phê theo mô hình này thường không có biển hiệu và được "ngụy trang" thành tủ sách, căn phòng cũ... Sau thời gian dài khuấy đảo thị trường, hiện nay, lượng khách của nhiều quán cà phê dạng này giảm đi đáng kể, khoảng 30-40%, một số khác phải sang nhượng hoặc thậm chí đóng cửa. Lý do chính xuất phát từ việc giá thành của các quán tương đối cao hơn so với thị trường, dao động từ 60.000-125.000 đồng.
"Nhiều quán cà phê treo biển "giữ trật tự" ở khắp nơi, khi lỡ trò chuyện lớn tiếng sẽ có người đến nhắc nhở. Điều này khiến tôi không thoải mái khi tụ tập với bạn bè", Thảo Vy (quận 6) chia sẻ về lý do không trở lại các quán cà phê trú ẩn.
Khi được hỏi về tình hình kinh doanh, Luân thở dài: "Tháng nào cũng lỗ". Trung bình mỗi tháng, anh Luân cùng bạn phải chi 7 triệu đồng để thuê mặt bằng. Cộng thêm các khoản khác như tiền nhập hàng, điện, nước, chi phí vận hành quán lên đến 20 triệu đồng/tháng.
Chàng trai 20 tuổi nhẩm tính, mỗi ngày cửa tiệm bán ra khoảng 3-4 ly nước. Những ngày cao điểm như cuối tuần cũng chỉ bán được khoảng 8-9 ly, trong đó hơn phân nửa là bạn bè của Luân ghé ủng hộ.
Cùng với việc kinh doanh cà phê, Luân còn kết hợp nhập thêm các kiện đồ secondhand về trưng bày tại quán. Khách vừa uống cà phê vừa có thể mua sắm những món đồ cá tính. Hầu hết các sản phẩm đều đa dạng về mẫu mã, chất lượng với giá vài chục nghìn cho đến hàng chục triệu đồng. Dù vậy, số lượng hàng bán ra cũng chỉ lẻ tẻ 1-2 sản phẩm mỗi ngày.
Cùng cảnh ngộ với anh Luân, quán cà phê 2 năm tuổi tọa lạc tại chung cư Tôn Thất Đạm do anh Phạm Minh Nhật Hào quản lý cũng vô cùng đìu hiu. Đều đặn mở cửa vào lúc 9h, thế nhưng, có những ngày đến xế chiều quán mới đón vị khách đầu tiên. Đa phần khách chỉ ghé ngang nhìn vì tò mò rồi rời đi. "Có lẽ họ thấy không hợp gu", anh Hào nói.
Quán được thiết kế theo phong cách cổ điển, chất Trịnh thấm đẫm vào không gian quán từ khung cửa sổ, lọ hoa gạch nung đến những bản tình ca được treo trên tường. Vì tính đặc thù ấy, tệp khách hàng của quán đa phần ở độ tuổi từ 30 trở lên.
Trước đây, khi trào lưu cà phê trú ẩn vẫn còn sức hút, quán thu hút rất nhiều khách ghé ngang chụp ảnh. Lượng khách giảm dần, có những hôm mở cửa quán, anh Hào chỉ bán được vài ly nước. Để thu hút khách hàng, vài tháng nay, cửa tiệm đã mở hoạt động acoustic vào mỗi cuối tuần.
Tung chiêu giữ chân khách đông trở lại
"Khách đông đến mức ngồi đầy quán, phải bắc thêm ghế nhỏ để ngồi tạm", anh Hào trả lời về tính hiệu quả của mô hình cà phê kết hợp acoustic sau 2 tháng triển khai.
Đều đặn mỗi thứ 7, cửa tiệm của anh Hào sẽ tổ chức các buổi hát live. Đa phần, ca sĩ và band nhạc sẽ thể hiện các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Tiến để giữ đúng phong cách của quán. Thỉnh thoảng, tiệm sẽ mời các ca sĩ được yêu thích như Mer để thu hút giới trẻ. Khách hàng có thể yêu cầu bài hát hoặc thậm chí trực tiếp lên trình diễn nếu có yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhiều cửa tiệm không ngại "chơi lớn" thay đổi toàn bộ diện mạo của quán để thu hút khách hàng, quán cà phê nằm trên tầng 4 chung cư Tôn Thất Đạm cũng là một trong số đó. Vài tháng trước, tiệm tiến hành thay đổi toàn bộ nội thất, lót gỗ và sơn mới, toàn bộ đều theo tone màu pastel nhẹ nhàng để thu hút người trẻ. Ngoài ra, tiệm cũng trang trí thêm nhiều tiểu cảnh xinh xắn để bạn trẻ có thể đến check-in, sống ảo.
Sau màn "thay áo mới", lượng khách kéo đến quán đông hơn. Mỗi ngày, tiệm đón gần 100 khách, gần như gấp đôi năm ngoái.
"Nếu trước đây mỗi ca (5 tiếng) chỉ thu về khoảng 700.000-800.000 đồng thì hiện nay tiệm kiếm được khoảng 2 triệu đồng/ca. Những ngày cuối tuần lượng khách sẽ đông hơn nhiều lần", anh Nguyễn Hữu Nghĩa (nhân viên quán) chia sẻ.
Bên cạnh đó, tiệm còn mở thêm các hoạt động như Workshop vẽ tranh canvas để thu hút khách hàng. Trung bình mỗi ngày, tiệm sẽ mở khoảng 4 lớp dạy vẽ tranh với 4-5 học viên/lớp. Tại đây, học viên sẽ được học cách vẽ tranh chân dung, tranh phong cảnh... Một buổi workshop có giá 350.000 đồng đã bao gồm tất cả họa cụ và 1 phần nước bất kỳ.
Với cách trang trí nhẹ nhàng theo phong cách Hàn Quốc, quán cà phê nằm tại tầng 1 chung cư Tôn Thất Đạm thu hút không ít bạn trẻ đến chụp ảnh và thưởng thức cà phê, bánh ngọt. Mỗi ngày, tiệm đón gần 50 lượt khách. 3 tháng gần đây, lượng khách ghé quán ngày một đông nhờ vào workshop làm gốm cho người mới bắt đầu.
Các gói Workshop dao động từ 300.000-700.000. Tại đây, người tham gia có thể tự tay làm ghim cài áo, cốc nước, tô, chén từ gốm mang màu sắc riêng của bản thân. Ngoài ra, tiệm còn cung cấp các lớp học dành cho trẻ em để trẻ có thể làm quen với loại hình thủ công này.
"Tôi thấy mô hình làm gốm này khá hay vì nó giúp tôi có thể giải tỏa căng thẳng. Tôi cũng có thể tự tay tạo ra những món đồ rất dễ thương. Tôi chắc chắn sẽ trở lại quán mỗi khi có thời gian rảnh", An Minh (quận 9) nói.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.