Chị T.T. - chủ 1 sạp kinh doanh quần áo thời trang trong chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) - cho biết, chị bán quần áo do chính cơ sở sản xuất của mình làm ra. Sạp đã đăng ký giấy phép kinh doanh đúng ngành nghề quần áo may sẵn, nguyên liệu may mặc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, sản phẩm có đăng ký bảo hộ thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Trên nhãn sản phẩm, có đầy đủ các nội dung như nơi sản xuất, số điện thoại nhà cung cấp, thành phần định lượng quần áo, giá niêm yết, dấu hợp quy (tem CR) do Bộ Công Thương chứng nhận, hướng dẫn cách sử dụng, tên gọi sản phẩm (áo kiểu, quần kiểu, đồ bộ kiểu...).
Thế nhưng, từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) và cảnh sát kinh tế liên tục kiểm tra chợ, xử phạt không ít trường hợp nhãn hàng hóa không đạt chuẩn.
Chị T.T. hoang mang: “Quần áo do cơ sở tự sản xuất rồi đem ra chợ kinh doanh thì phải ghi nhãn hàng hóa như thế nào mới đúng quy định? Sạp chúng tôi cứ bị cơ quan chức năng đến chụp hình khiến người bán lẫn khách mua đều bất an”.
Chị B.D. - chủ 1 sạp kinh doanh quần áo mặc trong nhà - kể, chị lấy quần áo từ các cơ sở sản xuất có tiếng trong nước. Việc mua bán đều có hóa đơn, chứng từ, trên nhãn hàng hóa thể hiện đầy đủ tên sản phẩm, nhà sản xuất, thành phần, hướng dẫn sử dụng. Nhưng mới đây, sạp của chị vẫn bị QLTT xử phạt với lý do “trên nhãn quần áo không dán tem CR”.
Chị B.D. kinh doanh quần áo ở chợ An Đông hơn 10 năm nhưng chưa từng biết quy định phải có tem CR trên nhãn quần áo. Sau khi bị phạt, chị liên hệ khắp nơi để hỏi về thủ tục cấp tem CR. Sau đó chị mới biết chủ cơ sở sản xuất có trách nhiệm đem sản phẩm kiểm nghiệm, nếu được cấp phép thì phải thông báo cho người bán biết để dán tem CR - tem chứng minh sản phẩm đã có chứng nhận hợp quy, đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và được phép lưu hành trên thị trường.
Chị hỏi chủ cơ sở sản xuất, chủ cơ sở cũng không biết quy định phải có tem CR. Chị D. đang đau đầu bởi sức mua quần áo ở chợ đang sụt giảm hơn 70% so với trước khi có dịch COVID-19, việc chuyển sang kinh doanh quần áo của thương hiệu khác sẽ càng làm mất khách.
Việc dán tem CR không chỉ được quy định với hàng dệt, may mà còn với hàng điện tử, đồ chơi trẻ em. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, đồ chơi trẻ em được bán ở các cửa hàng quanh và trong chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) đều không có tem CR. Các tiểu thương cho biết, họ lấy hàng từ các công ty khác, "giao sao bán vậy". Thậm chí, ở một số siêu thị, các sản phẩm điện tử, quần áo, đồ chơi trẻ em cũng không dán tem CR.
Nội dung ghi nhãn hàng hóa được quy định tại điều 1, Nghị định 111/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 43/2017. Nhãn hàng hóa phải thể hiện nội dung bằng tiếng Việt, gồm tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); các nội dung bắt buộc khác tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định trong phụ lục I của nghị định này.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Chủ sạp X.N. trong chợ An Đông cũng vừa bị xử phạt do trên nhãn hàng hóa không ghi rõ địa chỉ sản xuất, không có thành phần sản phẩm, không có tem CR. “Tôi cũng không rõ trên nhãn phải có những thông tin nào. Tôi đang bổ sung những thông tin còn thiếu trên nhãn nhưng không rõ như vậy là đủ hay chưa. Thực tế, hầu hết quần áo trong chợ này đều không có tem CR. Mọi người đang nháo nhào bổ sung tem này theo kiểu đối phó”, chủ sạp này nói.
Theo các tiểu thương, do không được hướng dẫn cụ thể về cách ghi nhãn hàng hóa nên họ cứ bị xử phạt. Chẳng hạn, do kích thước nhãn nhỏ mà phải thể hiện nhiều thông tin nên tiểu thương viết tắt tên gọi kiểu quần áo, như “áo kiểu tay lỡ” thành “áo kiểu TL”, liền bị xử phạt lỗi “ghi thông tin không rõ ràng”.
Chị T.T. kiến nghị, UBND quận hoặc phòng kinh tế quận nên phối hợp với QLTT ra văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cách ghi nhãn hàng hóa đúng quy định để tiểu thương nắm. Nếu tiểu thương đã được phổ biến quy định mà không áp dụng, bị xử phạt thì đó là lỗi của tiểu thương, ngược lại, họ sẽ bức xúc.
Riêng về tem CR, ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng - cho biết, theo quy định của Bộ Công Thương, từ ngày 1/1/2019, trước khi ra thị trường, các sản phẩm dệt, may phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận với dấu CR.
Theo ông, với những doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch, cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn thì việc đem sản phẩm kiểm nghiệm, dán tem CR là không khó. Nhưng sản phẩm ở chợ đa phần được lấy từ các cơ sở gia công nhỏ lẻ hoặc mua từ Trung Quốc nên khó đạt tiêu chuẩn quy định. Thực tế, cơ quan chức năng vẫn chưa quyết liệt trong việc hướng dẫn, theo dõi, quản lý các cơ sở nhỏ lẻ.
Ông nói: “Ở các nước khác, đơn vị nhập khẩu có trách nhiệm nhập hàng đạt tiêu chuẩn và việc kiểm nghiệm được thực hiện ngay tại cửa khẩu. Còn ở Việt Nam, có tình trạng phát hiện hàng kém chất lượng nhưng không tìm được đơn vị nhập khẩu. Các cơ quan chức năng nên quản lý từ đầu mối thay vì chăm chăm kiểm tra người bán hàng”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban Quản lý chợ An Đông - cho biết, trong chợ, còn nhiều tiểu thương kinh doanh theo kiểu truyền thống là mua sản phẩm từ các thợ may ở nhà, các hộ gia công nên không đủ hóa đơn, chứng từ, không có tem CR. Hằng ngày, ban quản lý chợ thường tuyên truyền về việc niêm yết giá, kinh doanh hàng có nguồn gốc, chứng từ, không kinh doanh hàng gian, hàng giả.
Về nhãn hàng hóa, theo bà, đơn vị kiểm tra trực tiếp là QLTT có những quy định cụ thể mà ban quản lý chợ không thể nắm rõ, và nếu ban quản lý chợ phổ biến thì trái chuyên môn: “QLTT nên phối hợp với cơ quan quản lý kinh tế tập huấn, hướng dẫn tiểu thương cách ghi nhãn hàng hóa đúng quy định. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức, vận động tiểu thương tham gia”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - quy định về dán tem CR cho sản phẩm may mặc trước khi đưa ra thị trường đã có từ lâu. Lẽ ra, UBND quận hoặc phòng kinh tế quận phải phổ biến quy định này, nhắc nhở tiểu thương thực hiện hoặc lựa chọn nguồn hàng từ các cơ sở được cấp tem CR, yêu cầu các cơ sở may mặc tuân thủ quy định này.
Theo Phụ nữ TP.HCM
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng 8. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu của siêu bão Yagi (bão số 3).
Lễ hội Nước mắm truyền thống lần đầu tiên được tổ chức sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 23 - 27/10 tại khu vực Thương xá Tã cũ. Nhiều hoạt động độc đáo giới thiệu và quảng bá nước mắm Việt sẽ diễn ra xuyên suốt 5 ngày tổ chức.
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo, cà phê và điều đến nhiều thị trường thế giới, Việt Nam phải nhập khẩu thêm những nông sản này để làm nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm xuất khẩu.
Trong bối cảnh lạm phát giảm và đồng Việt Nam tăng giá, ngân hàng quốc tế Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ không tăng lãi suất.
Người dân Thủ đô và du khách sẽ có trọn vẹn tháng 10 để khám phá và hồi tưởng lại một phần ký ức thời bao cấp với hình ảnh tàu điện leng keng, xe đạp cũ kỹ, quạt tai voi, tivi cổ… Những hoạt động ý nghĩa trên nằm trong chuỗi sự kiện Hà Nội – Chạm miền ký ức tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đến hết tháng 9, số cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đạt tỷ lệ 85,9% kế hoạch năm 2024.