Báo cáo thị trường quý 2/2022 của CBRE Việt Nam, nhiều phân khúc tại TP.HCM ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở cả nguồn cung mới và tỷ lệ hấp thụ.
Cụ thể, trong quý vừa qua, nguồn cung căn hộ mới đạt 15.528 căn. Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm ưu thế với 93%, phân khúc trung cấp chỉ ghi nhận duy nhất một đợt mở bán mới, phân khúc bình dân gần như tuyệt chủng nguồn cung mới kể từ quý 1/2019.
CBRE cũng ghi nhận sự nâng cấp giá của các dự án tại khu vực vùng ven góp phần thay đổi cơ cấu phân khúc sản phẩm trong nguồn cung mới cũng như thúc đẩy tăng trưởng giá sơ cấp. Giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.455 USD/m2 (56 triệu đồng/m2), tăng 8,6% theo năm.
Bà Dương Thuỳ Dương - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay thị trường đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt, gồm: vấn đề cấp phép; các thay đổi trong quy định pháp luật và chính sách thắt chặt tín dụng; chi phí tăng và việc mất cân đối cung cầu. Dự kiến nguồn cung căn hộ bán sẽ chào đón khoảng 22.000 căn trong năm nay với phân khúc cao cấp và hạng sang chiếm ưu thế, do đó, giá bất động sản sẽ vẫn trong xu hướng tăng cao.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà ở TP.HCM đang neo ở mức rất cao vì hiện tượng mất cân đối của thị trường. Biểu hiện cụ thể, nguồn cung bất động sản nhà ở thời gian qua gần như vắng bóng căn hộ bình dân.
Cụ thể, bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục gặp khó về nguồn cung do các nguyên nhân như quỹ đất hạn chế, tốc độ cấp phép dự án chậm chạp. Việc kiểm soát các kênh huy động vốn chặt chẽ hơn cũng sẽ khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong triển khai dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS dự báo thời gian tới, nguồn cung bị thắt chặt trong khi nhu cầu được thúc đẩy là các yếu tố khiến giá cả bất động sản phân khúc căn hộ thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay, bất chấp giao dịch sẽ trầm lắng. Mức giá bất động sản nhà ở sẽ tăng bình quân khoảng 10% trong nửa cuối năm và sẽ tiếp tục xu hướng tăng cho đến năm sau.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bất động sản đang dần bước vào giai đoạn "ngấm đòn' trước ảnh hưởng của việc kiểm soát tín dụng.
Theo đó, ông Phạm Lâm - Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định thị trường địa ốc 6 tháng cuối năm nay như bước vào "mùa mưa" ảm đạm do tác động của việc kiểm soát tín dụng, thanh khoản thị trường chịu nhiều thách thức. "Những ai không kịp tìm nơi trú ẩn giữa mùa mưa này sẽ bị ướt đôi chút", ông Lâm chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận, 2022 là năm không thuận lợi đối với bất động sản khi giá tài sản đã quá cao, dù đã có những nhịp điều chỉnh cục bộ song thanh khoản thấp. Ông Hiển cho rằng những bất ổn xuất hiện trên thị trường địa ốc trong quý 2 vừa qua chưa có dấu hiệu dừng lại. Giai đoạn khó khăn của bất động sản chỉ mới bắt đầu.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường bất động sản đang phải đối mặt với những đợt thanh lọc như: kiểm soát tín dụng bất động sản; thanh, kiểm tra; hoạt động phát hành trái phiếu; rà soát, hồi tố thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch nhà đất. Chính vì vậy, ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để nhận diện tổng thể thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022 chuyển hồng hay sắc xám.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, tiếp cận các kênh thay thế như quỹ đầu tư, mua bán và sát nhập (M&A), liên doanh trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị siết chặt. Việc đa dạng hóa các nguồn vốn sẽ giúp ổn định thị trường và giảm các rủi ro hệ thống.
Đánh giá về thị trường giai đoạn cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng thị trường còn đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn. "Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng các điều hành, chính sách của Chính phủ sẽ hạn chế được khó khăn, đặc biệt là kiểm soát lạm phát, giúp cho thị trường có những tín hiệu tích cực hơn", ông Nguyễn Văn Đính nêu.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc