Từ vụ giá ngâm hóa chất, các siêu thị kiểm soát chất lượng hàng hóa ra sao?
31/12/2024 7:24 PM (GMT+7)
Sau vụ Bách Hóa Xanh nhập giá đỗ ngâm hóa chất bán cho người tiêu dùng, các siêu thị cho biết đang rốt ráo kiểm tra lại hệ thống. Đặc biệt, công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giai đoạn cao điểm cuối năm, Tết đến được tăng cường.
Siêu thị kiểm tra hàng hóa thế nào?
Các hệ thống siêu thị tại TP.HCM đang ghi nhận sức mua tăng từng ngày khi Tết Nguyên đán cận kề. Thời gian này, nhóm ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến bắt đầu được người tiêu dùng quan tâm.
Đại diện Saigon Co.op cho biết lượng khách đổ về mua sắm tăng dần theo sức nóng của thị trường Tết. Các siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra đang tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng thực phẩm tươi sống, nhóm hàng thời vụ Tết. Từ đầu tháng 12, các siêu thị đã tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, bánh chưng bánh tét… trải qua 3 bước kiểm tra trước khi tới tay khách hàng, gồm kiểm tra tại nơi sản xuất, tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ ở siêu thị.
Các chỉ tiêu được kiểm tra gồm kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formol, chất tẩy trắng… Co.opmart, Co.opXtra đặc biệt chú trọng các mặt hàng giá đỗ, dưa hành vì nhóm hàng này có thời gian sử dụng ngắn lại thường xuyên có mặt trong bữa ăn hàng ngày.
Ông Nguyễn Tuấn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết sau vụ việc gần đây, công ty yêu cầu rà soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa dù đây là việc vẫn làm thường xuyên.
Theo ông Tuấn, nhiều doanh nghiệp thuộc hệ thống đang cung cấp thực phẩm cho người dân thành phố. Chẳng hạn, chợ đầu mối Bình Điền mỗi đêm đều lấy mẫu kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, không đạt tiêu chuẩn đều bị xử lý nghiêm,
“Các hệ thống bán lẻ Satra của chúng tôi luôn rà soát vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh sự cam kết của nhà cung cấp, chúng tôi còn chọn mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra, nếu vi phạm sẽ yêu cầu nhà cung cấp giải trình và rút sản phẩm khỏi hệ thống, xử lý theo quy định. Chúng tôi cố gắng không để sản phẩm không đạt chất lượng vào hệ thống và cam kết đảm bảo sức khỏe cộng đồng, nhất là cuối năm”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Chợ cũng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền cho tiểu thương
Không chỉ siêu thị, ban quản lý các chợ truyền thống cũng tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chợ Bình Tây (quận 6) là chợ sỉ chuyên bánh mứt, thực phẩm các loại cung cấp cho các chợ trong và ngoài TP.HCM. Theo đại diện ban quản lý chợ Bình Tây, hiện nay đã vào cao điểm mùa mua sắm Tết. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, chợ đang tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực.
“Chợ có tổ tự kiểm tra, việc kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Mùa Tết, chúng tôi càng tăng cường kiểm tra đối với mặt hàng Tết như bánh mứt, tôm - cá khô. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền cho tiểu thương, nhắc nhở tiểu thương mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe khách hàng”, vị này nói.
Ông Lê Minh Hiệp - Phó trưởng ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1), cho biết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chợ quan tâm.
“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống có đầu vào rõ ràng để đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn, với hàng tươi sống, buổi sáng sẽ kiểm tra hàng hóa vào chợ. Theo đó, thực phẩm phải có phiếu xuất từ nơi cung cấp, hạn sử dụng. Hàng chế biến thực phẩm thì kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng, niêm yết giá cả”, ông Hiệp nói.
Theo ban quản lý các chợ, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, các tụ điểm mua bán tự phát cũng mọc nhiều hơn. Để đảm bảo an toàn và đảm bảo sản phẩm được kiểm nghiệm, đầu vào uy tín, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm từ các quầy sạp có đăng ký kinh doanh tại các chợ thay vì chợ tạm, chợ cóc.