Giá xăng dầu giảm mạnh, RON 95 xuống còn hơn 23.540 đồng/lít
D.TH
09/05/2024 3:44 PM (GMT+7)
Giá xăng dầu bán lẻ trong nước đột ngột giảm mạnh từ 700 đồng đến hơn 1.400 đồng/ lít bắt đầu từ 15 giờ ngày hôm nay 9/5.
Giá xăng dầu đột ngột giảm mạnh
Chiều 9/5, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15 giờ.
Cụ thể, cơ quan quản lý quyết định giảm 1.290 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 22.620 đồng/lít; giảm 1.410 đồng/lít đối với xăng RON 95, xuống còn 23.540 đồng/lít. Như vậy, mặt hàng xăng trong nước đã có phiên giảm giá trở lại sau khi áp sát mức 25.000 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 760 đồng/lít, xuống 19.840 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 840 đồng/lít, xuống 19.700 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 160 đồng/kg, xuống 17.500 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả loại xăng dầu.
Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Các đơn vị, doanh nghiệp cần có biện pháp từ sớm, từ xa theo thẩm quyền và quy định để đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, tuyệt đối không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu?
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, sáng 7/5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, cơ quan quản lý nên mạnh dạn bỏ quỹ bình ổn (BOG) xăng dầu. Đại diện Petrolimex đánh giá qua quan sát hoạt động của Quỹ BOG không trích - chi nhiều kỳ nhưng thị trường vẫn ổn định.
Ông Năm cho rằng, nếu thực hiện theo chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay, mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới, do đó những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.
Trong khi đó, quản lý quỹ, doanh nghiệp đầu mối rất vất vả trong việc kiểm kê sản lượng xuất bán, đảm bảo minh bạch trích – chi quỹ, số liệu thống kê khi bị thanh, kiểm tra.
"Nếu là thị trường nên mạnh dạn bỏ quỹ BOG xăng dầu. Còn trường hợp vì đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô mà tiếp tục duy trì quỹ, tôi kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp quản lý quỹ được hình thành từ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để khỏi sử dụng sai mục đích như vụ việc của Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Hải Linh… trong thời gian vừa qua", ông Năm nói.
Tại Hội nghị, đại diện PVOil, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL nói: Thực sự mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp rất hồi hộp bởi mức tăng – giảm giá phụ thuộc vào quỹ BOG. "Mỗi kỳ điều hành giá, tôi lại phải đoán, đoán xem lần này quỹ sử dụng thế nào" - ông nói.
Chủ tịch PVOIL đồng tình nếu được thì bỏ quỹ BOG. Đây là nguồn lực người dân, ứng trước lấy chi cho người dân sau, bản chất người dân tự bình ổn chứ không phải nhà nước bình ổn.
Ông Dương cho rằng: "Trước đến nay, Nhà nước xây dựng quỹ BOG với thiện chí bình ổn cho người dân, giờ người dân cũng không cần nhưng sao chúng ta vẫn cố làm".
Vị này cho rằng, nếu vẫn duy trì, lãnh đạo PVOIL đồng tình với dự thảo như hiện nay, chỉ khi nào giá lên cao thì mới dùng quỹ BOG để doanh nghiệp bớt hồi hộp, chứ không phải đoán định điều hành nhà nước.