Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa vào chiều tối 16/5 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Đến nay, chúng ta vẫn đang thực hiện được mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách; phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng dân tộc ít người; bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ".
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động lớn tới trong nước, thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không chủ quan cũng không quá lạc quan, không bi quan, không hoang mang, dao động, có giải pháp từ sớm, từ xa, từ cơ sở để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu triệt để thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; khẩn trương nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung vào hạ tầng chiến lược, nhà ở xã hội, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thủ tướng yêu cầu trước mắt cần huy động ngay khoảng 100 nghìn tỷ đồng phục vụ các dự án trung hạn giai đoạn 2021-2025; về lâu dài tiếp tục nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền việc chuẩn bị các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược. Theo Thủ tướng, sở dĩ chúng ta làm được việc này là dựa trên cơ sở nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép, bội chi ngân sách thấp hơn quy định, tăng thu ngân sách lớn.
Về chính sách tiền tệ, cần đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa tỉ giá và lãi suất; sử dụng hợp lý các công cụ thị trường, trong đó có việc bơm tiền ra, hút tiền vào phù hợp.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, không để tỉ giá ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giữ ổn định tương đối về tỉ giá.
"Dứt khoát thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng việc làm, tạo sinh kế cho người dân, phấn đấu tăng tín dụng 5 – 6% ngay trong quý II/2024", Thủ tướng chỉ đạo.
Về thị trường vàng, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, trong đó có giải pháp truyền thông phù hợp, tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại đồng hành cùng với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này. Đồng thời, yêu cầu kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng.
Đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và tài chính.
Cùng với đó, các cơ quan, trong đó có Bộ Công an tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm liên quan buôn lậu, găm hàng, đội giá, không tuân thủ pháp luật.
Cùng tham dự cuộc họp nói trên có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã phân tích, thảo luận sâu về tình hình quốc tế, nhất là trước việc một số nước điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ và tác động tới Việt Nam; các vấn đề liên quan điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong nước như: Tình hình tỉ giá, lãi suất, diễn biến thị trường vàng, lạm phát, thu ngân sách, chi tiêu công, dư địa chính sách. Các đại biểu rà soát và đề xuất một số giải pháp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ thời gian tới phù hợp với tình hình.
Các huyện nông thôn mới tại TP.HCM đang tăng cường làm du lịch nông nghiệp - nông thôn. Du lịch đang giúp nông dân có thêm thu nhập, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương và khiến vùng nông thôn thành phố trở thành nơi đáng sống.
Ngân hàng Standard Chartered nhận định kinh tế Việt Nam đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường mặc dù tồn tại áp lực lên tăng trưởng GDP. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khả năng sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm 2025.
Sở Y tế TP.HCM cho biết tình hình diễn biến bệnh sởi tại địa phương có xu hướng phức tạp lên. Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng được tiêm chủng vaccine.
Để chuẩn bị cho cao điểm Tết sắp tới, Cục Hàng không cho biết đã điều kiện cho các hãng hàng không bổ sung đội tàu bay, tăng tham số giờ hạ, cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất… để tránh ùn tắc.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về ban hành giá vé của tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy chặng, tuỳ hình thức thanh toán.
Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo Sở GTVT cùng các cơ quan ban ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.