VinaCapital vừa thu xếp thành công thương vụ mua lại Nova FnB của một đối tác Singapore. Theo đó, đơn vị này sẽ ký kết vận hành với IN Hospitality và đổi tên thành IN Dining.
Thương vụ này không gây bất ngờ trong bối cảnh NovaGroup tái cấu trúc nhằm tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi. Dù vậy, động thái này vẫn để lại nhiều tiếc nuối bởi đây là một trong những mảng kinh doanh đang hoạt động hiệu quả.
Nova FnB được ra mắt chính thức từ tháng 8/2020, với tư cách là thương hiệu chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực, dịch vụ quản lý và vận hành các thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực F&B tại các dự án do Novaland phát triển.
Mục tiêu là phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm với hệ thống hàng trăm chuỗi nhà hàng, cà phê, bar, club..., gia tăng giá trị kết nối và trải nghiệm của khách hàng trong hệ sinh thái, góp phần đưa các dự án bất động sản của Novaland trở thành điểm đến vui chơi, giải trí và ẩm thực hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Và thực tế, trong gần 3 năm qua, bất chấp thị trường chung được cho là chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, Nova FnB vẫn liên tục mở rộng quy mô bằng cách tự phát triển hoặc mua lại nhiều thương hiệu lớn ở trong nước và quốc tế.
Song song đó, hàng loạt mặt bằng đắc địa cũng được thâu tóm để phục vụ quá trình tăng tốc này. Nhờ vậy, dù "sinh sau đẻ muộn", Nova FnB vẫn là cái tên đáng gờm trên thị trường.
Dữ liệu từ một đơn vị thống kê cho thấy chỉ sau một năm chính thức xuất hiện, doanh thu Nova FnB năm 2021 đã vượt ngưỡng 200 tỷ đồng, với biên lợi nhuận gộp đạt hơn 65%. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng cải thiện từ mức âm 1,5 tỷ đồng năm 2020 lên dương 3,8 tỷ đồng.
Một nguồn tin từ phía NovaGroup cũng xác nhận với Tri Thức Trực Tuyến rằng Nova FnB đã hòa vốn từ năm 2022. Nếu giữ lại, lĩnh vực này có thể sẽ đóng góp lớn cho hệ sinh thái chung của tập đoàn.
Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh có nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp phải cân nhắc. Bởi lẽ để tiếp tục cuộc chơi, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục bỏ ra không ít chi phí mua lại và phát triển hàng loạt thương hiệu, cũng như trả tiền thuê các mặt bằng vốn rất cao do tốc độ "thu gom" bằng mọi giá trước đó.
Chưa kể, đa phần mặt bằng thuộc sở hữu của tập đoàn đang gặp vướng mắc về pháp lý nên phải dừng hoạt động. Với bức tranh thực tế như vậy, tập đoàn chấp nhận bán đi mảng kinh doanh đang sinh lời này.
Bên cạnh đó, NovaGroup cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện để tập trung nguồn lực cho các mảng kinh doanh cốt lõi. Nhìn lại toàn bộ hệ sinh thái của ông lớn này hiện có Novaland (bất động sản), Nova Service (dịch vụ) và Nova Consumer (thức ăn chăn nuôi, hàng tiêu dùng...).
Trong đó, Nova Consumer là khởi đầu của tập đoàn. Còn Novaland đã trở thành một trong những công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam và đã được Chủ tịch Bùi Thành Nhơn xác định là mảng kinh doanh cốt lõi của NovaGroup trong thời gian tới.
Do đó, việc rút lui dần khỏi các ngành dịch vụ, vốn chỉ được phát triển sau này nhằm hoàn thiện hệ sinh thái khép kín, được cho là nước đi cần thiết trong bối cảnh tập đoàn này gặp khó khăn về thanh khoản từ nửa cuối năm 2022 đến nay.
Quý đầu năm nay chứng kiến lần đầu thua lỗ của cả Novaland lẫn Nova Consumer. Novaland giảm 69% tổng doanh thu hợp nhất so với cùng kỳ, lỗ ròng hơn 377 tỷ đồng, trong khi Nova Consumer cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế 7,6 tỷ đồng.
Với Nova FnB, hiện hệ thống này có 46 cửa hàng đang hoạt động với 18 thương hiệu như Saigon Casa, Marina Club, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, PhinDeli, Mojo Boutique Coffee, Carpaccio, Shri Restaurant & Lounge, Tib, JUMBO Seafood, Crystal Jade Palace, Gloria Jean’s Coffees, Sushi Tei...
Sau khi về tay chủ mới, đơn vị này sẽ được đổi tên thành IN Dining, dưới sự quản lý vận hành của IN Holdings - chủ sở hữu các trung tâm hội nghị tiệc cưới lớn GEM Center, White Palace, nhà hàng The Log Restaurant.
Đến nay, các bên chưa tiết lộ kế hoạch kinh doanh cụ thể trong thời gian tới cho IN Dining. Tuy nhiên, chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến, ông Andy Ho - Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư của Tập đoàn VinaCapital bày tỏ tin tưởng IN Holdings với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành sẽ vận hành hiệu quả và nhanh chóng mở rộng quy mô IN Dining trong 24 tháng tới.
VinaCapital với tư cách là cổ đông chiến lược của IN Holdings sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về chiến lược và nguồn vốn để họ có đủ nguồn lực vận hành và mở rộng các chuỗi nhà hàng đồ ăn và thức uống thuộc IN Dining.
Theo ông Andy, ngành F&B ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng hấp dẫn, đặc biệt từ làn sóng đầu tư nước ngoài. Năm 2022, chỉ riêng phân khúc nhà hàng phục vụ trọn gói (full-service) đã đạt tốc độ tăng trưởng 12% về doanh số so với cùng kỳ, còn phân khúc café/bar lên đến 40%. Ông cho rằng đây là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sau hơn một năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
"Dù là thị trường với tính cạnh tranh khốc liệt nhưng hình thức kinh doanh chuỗi và đặc biệt là chuỗi đồ ăn thì không có nhiều ông lớn. Hiện tại, trên thị trường chuỗi nhà hàng, Golden Gates là người dẫn đầu về mặt độ phủ, quy mô cửa hàng và doanh thu. Nếu Golden Gates tập trung vào các thương hiệu trung cấp thì IN Dining hướng tới khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining nhiều hơn", vị này nhấn mạnh.
Dù thị trường cạnh tranh khốc liệt nhưng hình thức chuỗi, đặc biệt là chuỗi đồ ăn không có nhiều ông lớn. Nếu Golden Gates tập trung vào các thương hiệu trung cấp thì IN Dining hướng tới khách hàng ở phân khúc cao và fine-dining.
Ông Andy Ho - Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư của Tập đoàn VinaCapital
Thống kê của Ipos cho thấy thị trường F&B Việt Nam đã có sự tăng tốc đáng kể sau dịch Covid-19. Tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng 338.600 nhà hàng, quán cà phê với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2016-2022 đạt 2%.
Đơn vị này ước tính quy mô thị trường F&B năm 2023 sẽ tăng 18% so với 2022, đạt 720.000 tỷ đồng. Sau khi hồi phục và tăng trưởng ấn tượng, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến đạt giá trị 938.300 tỷ đồng vào năm 2026.
Tuy nhiên, trong năm ngoái, cơ cấu doanh thu vẫn phân hóa rõ rệt khi 95% thị phần đến từ các địa điểm đơn lẻ, các chuỗi chỉ đóng góp 5% trong tổng doanh số. Đây được cho là dư địa lớn cho các chuỗi bứt phá trong thời gian tới.
Với Golden Gate, kể cả trong hai năm 2019-2020, ông lớn này vẫn đạt doanh thu khoảng 200 triệu USD mỗi năm, đến 2022 tăng vọt lên gấp đôi và báo lãi ròng 658,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông 2023 dự kiến tổ chức cuối tháng 6 tới đây, Golden Gate đặt kế hoạch doanh thu giảm 1,1% và lợi nhuận giảm gần 75% so với năm 2022. Điều đáng nói, doanh nghiệp cho biết sẽ bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là sản xuất thức ăn chế biến sẵn, bán buôn đồ dùng gia đình, kinh doanh bất động sản...
Golden Gate cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc nội bộ, tinh giản bộ máy quản trị. Tính đến cuối tháng 12/2022, hệ thống sở hữu 22 thương hiệu với gần 400 nhà hàng tại hơn 40 tỉnh, thành phố.
Trong 4 ngày, chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024" sẽ diễn ra tại quận 1 với sản phẩm đặc sản của nhiều địa phương.
Du khách nước ngoài say mê reo hò cổ vũ theo từng pha bóng đẹp mắt trên mặt bàn cong. Môn chơi mới lạ này mang tên Teqball.
Bộ Tài chính đang tiến hành xây dựng một số chính sách, chế tài mới liên quan đến chính sách thuế bất động sản. Bộ cho biết đã nhận được dư luận rằng đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ gây "sốc" thị trường.
Được xem là “trái tim” của dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 chính là nhà ga hành khách. Nhà ga hành khách đang được đẩy nhanh tiến độ, thi công kết cấu mái khung thép công trình nặng khoảng 32 nghìn tấn.
Du lịch MICE (hội nghị kết hợp du lịch) đang được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm. TP.HCM cũng đang có chính sách để khuyến khích các đoàn MICE quốc tế đến TP.HCM tổ chức hội nghị, khuyến thưởng và du lịch.
Aeon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản lại tiếp tục mở rộng đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam – thị trường được Aeon xem là quan trọng bật nhất bên ngoài Nhật Bản.