Thế mạnh về dịch vụ logistics và cảng biển quốc tế của Bà Rịa - Vũng Tàu đang và sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ nhờ quy hoạch phát triển và vị trí của tỉnh.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức diễn ra tại tỉnh vào ngày 1-2/12 với chủ đề "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics".
Đáng chú ý, theo lịch trình của ngày chính của VLF 2024 là ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, một sự kiện dự kiến thu hút 500 đại biểu, 30 diễn giả, 200 đối tác và khoảng 5.000 người theo dõi qua các kênh trực tuyến.
Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu, các chuyên gia và nhiều cơ quan truyền thông cũng tham dự diễn đàn quan trọng này.
Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này sẽ tập trung vào logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới; Thúc đẩy liên kết vùng thông qua kết nối hạ tầng logistics khu vực Đông Nam bộ; Xu hướng phát triển khu thương mại tự do: cơ hội và khuyến nghị cho ngành Logistics Việt Nam…
Trước khi bước vào ngày chính, Bộ Công Thương kết hợp với lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại các cảng quốc tế và trung tâm logistics lớn ở tỉnh, nổi bật là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải tại thị xã Phú Mỹ.
Khẳng định vị thế trong logistics quốc tế
Tuyến hàng hải vận chuyển container nhanh nhất từ Việt Nam đến Mỹ hiện nay là từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đến Los Angeles (Mỹ) chỉ mất 18 ngày, rút ngắn đáng kể so với thời gian hơn 1 tháng trước đây. Lợi thế này có được là nhờ Cái Mép - Thị Vải đã được ZIM, một trong 10 hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay, chọn làm trung tâm trung chuyển của ZIM tại khu vực Đông Nam Á cách đây chưa lâu.
Theo thông tin từ ZIM, sản lượng hàng hóa của hãng qua khu vực Cái Mép - Thị Vải đã tăng gấp 5 lần từ năm 2020. Tháng 7 vừa qua, cảng CMIT thuộc cụm Cái Mép - Thị Vải đón tàu ZIM FALCON, chuyến tàu đầu tiên trên tuyến ZEX của ZIM. Nhờ tuyến ZEX, thời gian vận chuyển từ Vũng Tàu đến Los Angeles chỉ 18 ngày, là tuyến dịch vụ có thời gian vận chuyển nhanh nhất từ Việt Nam đến Mỹ. Trước đây, hàng container từ Việt Nam đi Mỹ đi mất 30 - 45 ngày tùy vào cảng đến.
Trong danh sách xếp hạng năm 2024 của Ngân hàng Thế giới World Bank và công ty xếp hạng quốc tế S&P Global của Mỹ về những cảng container hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới, Cái Mép - Thị Vải đứng hạng 7 toàn cầu theo chỉ số CPPI (Container Port Performance Index: chỉ số hoạt động cảng container), nhảy lên 5 bậc so với năm 2023. Vị trí này trên cả Yokohama Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15), và Singapore (đứng 17).
Cái Mép - Thị Vải này gồm các cảng quốc tế như Gemalink của Gemadept ("đại gia" ngành logistics Việt Nam), cảng CMIT, TCIT, TCCT, cảng SP-PSA, cảng SITV và cảng container Cái Mép. Trong đó, cảng CMIT lần đầu tiên đón chiếc tàu container lớn nhất thế giới vào tháng 10/2020 đến làm hàng; đó là tàu Margrethe Maersk quốc tịch Đan Mạch với chiều dài gần 400m và sức chở lên đến 18.340 container loại 20 feet.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của tập đoàn đầu tư VinaCapital, cho biết Gemadept đã có kế hoạch tăng gấp đôi số cầu cảng tại cảng Gemalink trong cụm Cái Mép - Thị Vải trong năm 2025. Theo ông Kokalari, tổng công suất của cả cụm dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm tới.
Cảng Gemalink được thiết kế là cảng thông minh giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường logistics quốc tế cạnh tranh khốc liệt, ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc Gemalink, cho biết. Cuối tháng 3/2023, Cảng Gemalink đón siêu tàu container có tên OOCL Spain của hãng tàu OOCL với sức chở 24.188 TEU (tương đương 24.188 container loại 20 feet) trên chuyến hành trình đầu tiên kết nối Á-Âu. Sự kiện "đình đám" này càng ghi tên Gemalink và cụm Cái Mép - Thị Vải đậm thêm lên bản đồ hàng hải của các hãng tàu quốc tế.
Ông Phong mô tả kích thước của chiếc tàu container lớn nhất thế giới: "Chiều dài 400m, nghĩa là gấp 4 lần mặt sân bóng đá của sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Tàu cao tới 22 tầng. Thiết kế thông minh của cảng chúng tôi bảo đảm để Gemalink làm hàng cho con tàu này".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, với các điều kiện thuận lợi, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn, là đầu mối của vùng Đông Nam bộ.
Nhờ hệ thống giao thông kết nối các cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng) và các khu công nghiệp lớn, logistics được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh. Chính quyền Bà Ria - Vũng Tàu đang tập trung phát triển ngành logistics thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế biển.
Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước, theo số liệu chính thức trong ngành. Đông Nam Bộ đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái tại TP.HCM và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.
Với những bước đột phá mới, dịch vụ logistics quốc tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh, mạnh hơn và đóng góp nhiều hơn trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng.
Đây là loạt dự án có khả năng đem về cho ngân sách TP.HCM 18.000 tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa yêu cầu các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ cho 5 dự án này.
Không khí mua sắm hiện nay phần nào phản ánh nỗi lo lớn của doanh nghiệp về doanh số hàng Tết. Dự báo người Việt sẽ chi tiêu dè dặt và tiết kiệm hơn cho Tết 2025.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tỷ lệ hài lòng chung của phụ huynh và học sinh ở TP.HCM đối với dịch vụ giáo dục công năm 2024 cao hơn so với năm 2023, theo kết quả khảo sát của Sở Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) thành phố
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Ngân hàng UOB vừa ký biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM và miền Nam.
TP.HCM vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bé gái tử vong do mắc sởi. Trước tình hình đó, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đầy nhanh việc tiêm vaccine cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi để kiểm soát dịch sởi.